Bụng vẫn to như bụng bầu dù tập thể thao chăm chỉ

ngày 07/11/2022

Theo bác sĩ Calvin Q Trịnh, lệch vẹo về khung xương của cơ thể không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ, khiến bạn tự ti mà còn tác động đến các cơ quan như hô hấp, tiêu hóa, xương khớp.

Các lệch vẹo về khung xương của cơ thể, có thể ảnh hưởng đến chức năng của hệ hô hấp, tiêu hóa, xương khớp, giảm chất lượng cuộc sống. Ảnh: Fardanews.

Đ.T.L. (23 tuổi, nhân viên văn phòng, trú tại TP.HCM) thường xuyên cảm thấy đau mỏi thắt lưng, căng mỏi cơ sau đùi, bụng ưỡn và hông to. Cô có chơi thể thao, tập gym nên mỡ bụng không nhiều, nhưng vòng hai luôn bị ưỡn phình ra phía trước. Vì vậy, L. rất ngại diện đầm bó được vì thấy tự ti, hay bị bạn bè trêu chọc là bụng bầu.

Anh T.V.C. (40 tuổi, trú tại TP.HCM) lại gặp tình trạng chân vòng kiềng hơn 10 năm. Tuy nhiên, tình trạng ngày càng nặng, gần 5 năm nay, anh thấy đau gối cả hai bên khi đi lại. Vai trái của anh cũng có những đợt đau nhiều.

"Tôi rất bức xúc vì tính chất nghề nghiệp đòi hỏi đi lại nhiều, trong khi đi lại đau, đặc biệt khi lên cầu thang. Tôi cũng chữa trị nhiều nơi, thậm chí cả tiêm corticoid vào khớp nhiều lần", anh C. nói.

Hai bệnh nhân trên đã tới Trung tâm Hiệu chỉnh cơ xương khớp, Bệnh viện 1A, TP.HCM, để thăm khám. Tại đây, thạc sĩ, bác sĩ Calvin Q Trịnh, Trưởng đơn vị trên, chẩn đoán chị L. bị mất cân bằng cơ thân dưới và chi dưới, sau điều trị đã hết đau mỏi lưng và căng cơ sau đùi, bụng gần hết ưỡn ra trước và hông giảm to.

Trường hợp của anh C., bác sĩ Calvin Q Trịnh cho hay chân vòng kiềng dẫn đến trọng tâm và áp lực lên khớp gối bị thay đổi, các cơ co kéo làm khớp bị nghiêng dẫn đến đau và thoái hóa khớp. Kết quả X-quang cho thấy rõ khe khớp gối bên ngoài rộng, bên trong hẹp, áp lực thân trên dồn nén lên điểm này gây đau.

Bệnh nhân được tiến hành quá trình hiệu chỉnh cơ xương khớp. Sau 6-7 buổi tập, bệnh nhân đã bớt đau và khoảng cách trong giữa 2 đầu gối giảm 3 cm.

Thói quen có thể gây lệch vẹo xương khớp

Theo bác sĩ Calvin Q Trịnh, các lệch vẹo về khung xương của cơ thể không chỉ đơn thuần ảnh hưởng đến chức năng của hệ cơ quan như hô hấp, tiêu hóa, xương khớp, giảm chất lượng cuộc sống. Chúng còn liên quan đến các yếu tố thẩm mỹ, làm người bệnh trở nên tự ti về vóc dáng, hình thể của mình.

Các thói quen sinh hoạt hàng ngày, do tính chất công việc hay chơi thể thao, khiến một nhóm cơ vận động thường xuyên hay ở trạng thái co ngắn liên tục, dẫn đến sự điều chỉnh của cơ thể để phù hợp tư thế hay hỗ trợ vận động đó. Lâu ngày, điều này dẫn đến sự mất cân bằng về tương quan chiều dài và căng lực giữa cơ chịu trách nhiệm vận động cho các ổ khớp đó.

Vóc dáng của Đ.T.L. cân đối hơn sau khi điều trị. Ảnh: BSCC.

"Bạn có thể hiểu một số cơ sẽ khỏe hơn, tăng cơ hay ngắn hơn và nhóm cơ đối lập sẽ diễn ra chiều ngược lại. Cuối cùng là dẫn đến sự co kéo lệch vẹo khung xuơng của chúng ta. Đồng thời, việc căng cơ, mỏi cơ, đau các khớp, hạn chế vận động, có thể khu trú một phần hay toàn bộ cơ thể. Sự lệch vẹo càng ở vị trí thấp, hậu quả càng lớn do cơ thể chúng ta được cấu tạo đa khớp nối chồng lên nhau", vị chuyên gia này nói.

Ông cũng cho biết việc cơ thể tự điều chỉnh để phù hợp trạng thái mới sẽ gây lệch vẹo toàn bộ cơ thể.

Những thói quen hàng ngày có thể gây ra lệch vẹo cơ thể như:

- Đứng hoặc ngồi cong lưng và cúi đầu khỏi trục cơ thể, hoặc nằm cao đầu. Nó có thể được thấy ở trẻ vị thành niên, người lớn ở mọi lứa tuổi, ít vận động (nhân viên văn phòng, giáo viên, nhà thiết kế, lái xe, người đi xe đạp, thợ làm tóc, bác sĩ ngoại khoa, người cuồng chơi game...).

- Lối sống ít vận động, đặc biệt ngồi lâu, hoặc chấn thương có thể dẫn đến sự tiến triển của cơ gấp hông bị rút ngắn.

Các hội chứng gây mất cân bằng cơ

Các mất cân bằng tương quan căng lực cơ chi trên, thân trên, thân dưới và chi dưới sẽ gây các biến đổi về hình thể phổ biến như sau:

Hội chứng chéo trên hay mất cân bằng cơ thân trên

Dấu hiệu hình thể:

- Đầu nhô ra phía trước lệch khỏi trục đứng cơ thể.

- Cổ nghiêng xéo ra trước, mất đường cong sinh lý cột sống cổ.

- Vai to xệ xuống, bờ vai 2 bên cong vòng ra trước.

- Ngực hõm vào, phụ nữ mất bệ đỡ cho bộ ngực đẹp.

- Lưng gù, thay đổi đường cong sinh lý cột sống ngực.

Người bệnh khi mặc áo thun bó, ngắn, hở cổ, hở vai hay áo tắm sẽ bộc lộ rõ khiếm khuyết hình thể, khiến bạn thiếu tự tin. Triệu chứng điển hình của hội chứng này là đau mỏi cổ vai gáy, tê tay, hạn chế vận động khớp vai, cảm thấy luôn mệt nhọc, khó thở, thiếu sức sống và năng lượng.

Hội chứng chéo dưới hay mất cân bằng cơ thân dưới

Mất cân đối hình thể bao gồm:

- Bụng dưới ưỡn phình ra khi đứng, dù không nhiều mỡ thừa.

- Mông bị đẩy lên cao, làm cho cảm giác hông to.

- Thường hay đi kèm đùi trước to.

- Toàn bộ phần cơ thể bị đẩy ra trước, mông phía sau.

- Cơ đùi sau mất cân đối so với phía trước.

- Gối thường quá duỗi, làm cho chân bị cong về phía sau.

Một số người có thể bị mắc cả hai hội chứng mất cân bằng cơ thân trên và dưới cùng lúc. Ảnh: Bcg-cr.

Triệu chứng của hội chứng này điển hình là đau mỏi ê ẩm thắt lưng, căng mỏi vùng khung chậu đùi, đi bộ dài thấy khó khăn, thiếu sức sống và năng lượng. Chúng dễ dẫn đến các bệnh thoái hóa cột sống sau này.

Ngoài ra, một số người có thể bị mắc cả hai hội chứng mất cân bằng cơ thân trên và dưới cùng lúc.

Chân vòng kiềng, bọng chân to, bàn chân xoay ngoài

Khi bị chân vòng kiềng và chân xoay ra ngoài, dáng đi có phần giống với các mẹ bầu. Nguyên nhân có thể từ mẹ bầu không phục hồi cơ xương khớp sau sinh và ở người mất cân bằng các cơ vùng hông chậu, đùi, cẳng chân, kéo đùi dạng và xoay ngoài. Chúng tạo hình dạng chân vòng kiềng. Nếu vòng kiềng chủ yếu ở dưới cẳng chân do xuơng chày của chân xoay trong và mất cân bằng cơ vùng đùi, bắp chân thường to mặt ngoài.

Bệnh nhân có các triệu chứng đau mỏi gối, bắp chân, đi bộ dài thấy khó khăn. Lâu ngày, chúng dẫn đến các bệnh thoái hóa khớp gối, cổ chân. Các biến dạng hình thể tại khớp gối rất dễ gây chấn thương khi chơi thể thao, chạy nhảy, khuân vác.

Một số lệch vẹo vóc dáng hình thể phổ biến khác

Người bệnh có thể gặp một số lệch vẹo hình thể khác như thân ngả trước, ngả sau, lệch vai, lệch hông, vẹo cột sống.

Thông thường, các lệch hông hay bất đối xứng khung chậu theo phương ngang hay đi kèm vẹo cột sống, lệch vai, gây biến dạng hình thể vùng ngực, lưng, thân dưới. Chúng ta thường không thấy được vẹo xương sống nhưng khi có thay đổi hình thể như tay ngắn tay dài, chân ngắn chân dài, là dấu hiệu lệch vẹo đã nặng, cần đi khám và chữa trị ngay.

Khi thăm khám, các thủ thuật và tư thế khám đặc biệt sẽ giúp bác sĩ phát hiện nhóm cơ chịu trách nhiệm cho sự mất tương quan này. Các sự lệch vẹo gây ra sự thay đổi về chức năng và hình thể, nếu không đi kèm biến dạng về xương và khớp, bệnh nhân có thể thực hiện điều trị hiệu chỉnh cơ xương khớp để cân chỉnh lại vóc dáng cũng như điều trị phục hồi chức năng.

Nguồn: zingnews.vn