9 nguyên nhân gây vảy trong tai

ngày 20/05/2023

Xỏ lỗ tai, bệnh vảy nến, viêm da tai, ung thư tai… là các tình trạng có thể gây ra vảy và nhiễm trùng ở tai.

Vảy trong tai thường là tình trạng không nghiêm trọng, có thể tự lành, đôi khi cần điều trị bằng thuốc không kê đơn. Một số trường hợp hiếm, vảy trong tai là dấu hiệu của ung thư da. Dưới đây là 9 nguyên nhân khiến tai đóng vảy.

Xỏ lỗ tai

Lỗ xỏ bị nhiễm trùng có thể làm tai đóng vảy ngoài. Vết xỏ khuyên nằm trên sụn bị nhiễm trùng mất nhiều thời gian để lành vì khu vực này không có mạch máu hoặc tế bào thần kinh. Trường hợp này cần đi khám để điều trị. Một số cách điều trị nhiễm trùng lỗ xỏ khuyên như: uống thuốc kháng sinh, bôi thuốc mỡ kháng sinh, rửa bằng nước muối vô trùng, chườm ấm.

Mụn nhọt

Mụn nhọt trong tai thường vô hại. Tuy nhiên, mọi người không tự chọc mụn vì dịch tiết có thể chảy vào tai gây kích ứng và nhiễm trùng. Thông thường, mụn sẽ tự lành, đặt một miếng gạc ấm lên tai có thể giúp nhanh khỏi. Trường hợp mụn tai gây ngứa và đau có thể uống thuốc giảm đau không kê đơn và đi khám chuyên khoa.

Tai khô

Da tai khô cũng gây đóng vảy, tình trạng khô nghiêm trọng có thể gây chảy máu hoặc nứt nẻ, ngứa, rạn da, đỏ tai. Da tai khô có thể do khí hậu, bệnh tật, dị ứng, di truyền, tuổi tác hoặc các tình trạng da khác. Phương pháp điều trị như: thoa kem dưỡng ẩm, thuốc mỡ, tinh dầu, thuốc chứa steroid.

Viêm da tai

Đây là tình trạng phát ban và kích ứng da do hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức, di truyền, nhiễm trùng, dị ứng. Các triệu chứng phổ biến là phát ban, khô da và ngứa, vảy trong ngoài tai và trên mặt. Phương pháp điều trị phổ biến gồm: bôi kem dưỡng ẩm, kem và thuốc mỡ corticosteroid, thuốc kháng sinh... Khi bị viêm da, nên thường xuyên sử dụng kem dưỡng ẩm cho da, giảm căng thẳng, sử dụng xà phòng dịu nhẹ và tắm nước ấm.

Bệnh vẩy nến

Thông thường, da phát triển và bong ra trong vòng một tháng. Tuy nhiên, với người bệnh vảy nến, do hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức vảy phát triển trong 3-4 ngày, lớp da mới liên tục hình thành và da cũ không có cơ hội bong ra đúng cách. Kết quả các tế bào da hình thành với tốc độ nhanh chóng và chất đống trên bề mặt, để lại những mảng khô và đóng vảy, châm chích và ngứa. Tình trạng này không lây nhiễm và hình thành ở nhiều nơi trên cơ thể như tai, đầu gối, khuỷu tay, mí mắt, da đầu.

Giảm căng thẳng, tiêu thụ thực phẩm ít gây viêm và tắm nắng, sử dụng máy tạo độ ẩm có thể cải thiện bệnh vảy nến. Bôi thuốc mỡ vitamin D3, vitamin A hoặc kem retinol, kem dưỡng ẩm, dùng dầu gội đặc trị, tia laser... là phương pháp điều trị phổ biến.

Chàm

Bệnh thường gây da khô có vảy trên tai hoặc trong ống tai do hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức, căng thẳng, dị ứng nước hoa và vải hoặc nhiễm trùng. Các triệu chứng gồm ngứa xung quanh hoặc trong tai, tai đỏ, sưng tấy, giải phóng khí trong tai. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến màng nhĩ, gây đau đớn và nhiễm trùng.

Điều trị bệnh thường dùng các thuốc mỡ y tế, thuốc nhỏ steroid. Người bệnh cần tránh mặc vải gây dị ứng, giảm tiếp xúc với bụi và lông vật nuôi, tránh thực phẩm chế biến sẵn và gây viêm cao, hạn chế kem dưỡng da, kim loại từ đồ trang sức... để không làm bệnh nặng thêm.

Phát ban nhiệt

Bệnh còn gọi là rôm sảy hoặc mụn kê, là tình trạng kích ứng da gây đau, ngứa ran và nổi mụn nhỏ. Phát ban nhiệt xảy ra khi lỗ chân lông và các tuyến mồ hôi bị chặn khiến mồ hôi và dịch tiết bị mắc kẹt dưới da gây ra mụn nhọt, vảy ở tai và các bộ phận khác.

Bệnh phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Điều trị bệnh bằng cách hạ nhiệt và lau khô, bôi thuốc mỡ khi bị kích ứng và xuất hiện vết sưng hoặc vảy. Người bệnh nếu phát ban không hết trong 3-4 ngày cần nhập viện điều trị.

Cholesteatoma

Đây là một loại u nang da, thường nằm ở tai giữa và xương chũm trong hộp sọ. Bệnh do bẩm sinh hoặc nhiễm trùng tai mạn tính. Nang phát triển hoặc bị nhiễm trùng có thể ảnh hưởng đến cấu trúc của tai, thính giác và cơ mặt.

Triệu chứng của u nang da này có thể gồm: nghe kém một bên tai, chảy dịch tai, chóng mặt, cảm giác đầy và áp lực trong tai.

Ung thư da

Mặc dù hiếm gặp nhưng vảy trong tai có thể là dấu hiệu của ung thư da (ung thư biểu mô tế bào đáy và tế bào vảy). Tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời và bức xạ, tuổi cao, hút thuốc có thể làm tăng nguy cơ ung thư da.

Các triệu chứng khác của ung thư da tai có thể gồm: vết sưng trắng như ngọc trai phát triển chậm ở tai, tai loét đau hoặc chảy máu, mất thính giác, chóng mặt hoặc liệt mặt. Nếu một người bị đóng vảy trong tai mà không thuyên giảm trong 4 tuần thì nên đến bác sĩ để kiểm tra.

Nên thường xuyên làm sạch những vị trí bị vảy trong tai bằng xà phòng và nước ấm rồi vỗ nhẹ cho khô. Mọi người cần tránh chà xát hoặc gãi quá mức, tránh chọc bất cứ thứ gì vào tai và rửa sạch bằng nước ấm, luôn giữ tay sạch sẽ khi bôi thuốc.

Nguồn: VnExpress