Bộ Y tế khuyến cáo người dân không ra đường

ngày 26/03/2020

Sáng 26/3, Bộ Y tế tiếp tục ghi nhận thêm 7 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc Covid-19 ở nước ta lên 148 trường hợp. Như vậy, trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận thêm 14 trường hợp mắc mới, có 10 ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh và 1 ca là bác sĩ bị lây bệnh từ người đang được điều trị cách ly (11 ca này không có nguy cơ lây lan ra cộng đồng), 3 ca có thời gian sống trong cộng đồng.

Rất đông người dân Hà Nội đứng bên ngoài ở phủ Tây Hồ. Ảnh: Phương Lâm.

Trước tình hình này, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không ra đường, nếu không có việc thực sự cần thiết.

Những người trên 60 tuổi cần ở nhà toàn bộ thời gian. Bởi đây là đối tượng có nhiều nguy cơ bệnh sẽ diễn biến nặng nếu mắc Covid-19.

Người dân cần thông báo cho chính quyền và công an sở tại về những người nhập cảnh vào Việt Nam (kể cả công dân Việt Nam và nước ngoài) từ 8/3 đến nay không thực hiện cách ly.

Các địa phương chấp hành nghiêm quy định tạm thời dừng hoạt động tại các điểm vui chơi, giải trí; xử phạt nghiêm khắc đối với những trường hợp vi phạm.

Hiện, nhiều tỉnh, thành đồng loạt đóng cửa quán karaoke, massage... để chống dịch Covid-19.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, nhận định nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 ở nơi đông người rất cao, đặc biệt trong không gian chật chẹp như quán bar, các buổi tiệc, hội nghị,... Lượng virus trong cơ thể người bệnh phát tán ra môi trường ít hay nhiều phụ thuộc vào từng giai đoạn. Với những người đã có biểu hiện ho thì virus phát tán sẽ càng nhiều.

Vì vậy, bác sĩ Khanh khuyến cáo người dân nếu không biết cách bảo vệ bản thân và cộng đồng sẽ có nguy cơ lây nhiễm cao. Việc hạn chế đi lại, tụ tập nơi đông người rất quan trọng.

"Một người nhận thức được mình có khả năng mắc Covid-19 biết tự cách ly, phòng ngừa trong gia đình sẽ hạn chế rất tốt việc lây nhiễm ra ngoài môi trường. Loại virus này chỉ lây từ người sang người. Nếu ta ngăn chặn được nguồn đó, những người xung quanh không thể lây nhiễm", ông nói.

Cũng theo vị chuyên gia này, khi người dân nâng cao ý thực, dịch bệnh lây lan chậm, được kiểm soát tốt, các y bác sĩ sẽ có đủ thời gian để chăm sóc cho bệnh nhân, đặc biệt là trường hợp nặng. Khi quá nhiều người mắc bệnh trong cùng một thời điểm, bệnh viện quá tải, đồng nghĩa ca bệnh nặng cũng tăng lên, việc chăm sóc và điều trị sẽ khó khăn hơn.

Đồng quan điểm, TS Phạm Bá Hiền, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV của Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, cho biết quán bar, karaoke hay chùa chiền, nhà thờ là những nơi mọi người có khoảng cách tiếp xúc rất gần với nhau.

Đặc biệt, những nơi như quán bar, karaoke thường có không khi sôi động, mọi người trò chuyện, nhảy, hát, nếu có trường hợp mắc Covid-19, giọt bắn từ họ có cơ hội phát tán rất nhiều. Vì vậy, nguy cơ lây nhiễm cao.

Việc lây nhiễm xảy ra những nơi đông người như trên rất nguy hiểm. Những đối tượng tiếp xúc với F0 là F1, F2 không được phát hiện và cách ly sớm sẽ tăng nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng, khó kiểm soát dịch.

Trước tình trạng không ít người vẫn chưa có ý thức bảo vệ bản thân khi đến nơi đông người, bác sĩ Hiền cho rằng cần tuyên truyền nhiều hơn nữa đến nhân dân. Vận động các tổ chức, gia đình, cá nhân nâng cao ý thức trong việc khử trùng, đeo khẩu trang nơi công cộng để ngăn ngừa lây lan dịch bệnh. "Mỗi cá nhân không ý thức, ngăn ngừa ngay từ đầu thì nguy cơ lây lan virus sẽ rất lớn, theo cấp số nhân, không kiểm soát nổi", BS Hiền nhận định.


Nguồn: Báo Zing