Bảy ngày rơi xuống vực ở Yên Tử, bà Nguyễn Thị Bích Liên, 59 tuổi, ăn cây dương xỉ, bới rác tìm nước thừa trong chai nhựa để uống.
Cây dương xỉ
Vậy loại cây dương xỉ có tác dụng gì?
Cây dương xỉ có tên khoa học là Microsorum Pteropus, thuộc họ Polypodiaceae, có nguồn gốc từ châu Á. Loài cây này mọc ở các khu vực nhiệt đới, cận nhiệt đới. Tại Việt Nam, dương xỉ mọc nhiều ở ven bìa rừng, bờ suối, chân tường ẩm thấp,...
Dương xỉ thuộc dạng cây thân thảo, gần như nó không có thân, có chiều cao trung bình từ 15 – 30cm và rộng khoảng 15 – 20cm. Dương xỉ có lá kép mọc thành từng cụm, dài khoảng 20 đến 35cm, hình dáng tựa như hình của chiếc lược, thon nhọn ở đầu.
Hiện có hơn 12.000 loài dương xỉ với kích thước khác nhau, từ những loài thân lá nhỏ đến những cây khổng lồ cao hơn 40 feet ... Trong đó, có 3 loại dương xỉ phổ biến được trồng làm cảnh ở nước ta, gồm: dương xỉ cảnh, dương xỉ thân gỗ và dương xỉ thủy sinh.
Trong đông y, dương xỉ cũng là một loài thảo dược, trị bong gân, thận hư, đau lưng hay suy yếu khí huyết, lang ben, bạch biến, bạch đới, tiểu són; các bệnh về tiêu chảy, giúp cầm máu, chữa phong hàn thấp,...
Trao đổi với phóng viên, TS. Ngô Đức Phương, Viện trưởng Viện thuốc nam cho rằng dương xỉ là loại cây cơ bản không độc, có thể người phụ nữ đã căn cứ vào yếu tố này để lựa chọn loại cây này để ăn.
“Để sống sót sau 7 ngày ngoài năng lượng thì quan trọng nhất là nguồn nước.
Nhịn ăn có thể vài tuần tới cả tháng là bình thường nhưng nhịn nước chỉ được một vài ngày. Ở Yên Tử vừa rồi nếu bà ấy biết ăn dương xỉ, lấy nước uống thì quan trọng nhất ở đây là bà ấy chịu được lạnh. Bởi về lý thuyết nếu cơ thể bị đói khát, mất nhiệt đặc biệt tình trạng này lại gặp ở người cao tuổi thì nguy cơ tử vong rất cao”, TS Ngô Đức Phương cho hay.
Với kinh nghiệm nhiều năm đi rừng tìm các cây thuốc nam, TS Ngô Đức Phương cho biết trong rừng rất nhiều nguy hiểm: rắn rết, mưa lũ bất chợt, cây đổ rơi đè, ngã, đá lăn, ăn phải cây độc, bị lạnh, bị đói, khát..
Do đó, nếu không may bị lạc, hoặc ngã ở trong rừng, TS Ngô Đức Phương chia sẻ kinh nghiệm lúc này người bị nạn phải thực sự bình tĩnh tìm theo dòng suối (để có nước uống, xuôi dần sẽ xuống được nơi an toàn, có dân, có làng,...).
Đối với các loại lá cây trong rừng có thể ăn, TS Ngô Đức Phương chia sẻ, cơ bản cây độc rất ít, lượng độc thường cũng không đủ gây chết do đó có thể nhấm các loại lá cây.
“Cứ cây nào chua thì không bao giờ độc. Các loại dương xỉ cũng ít khi độc (chỉ có điều nó hơi dai, xơ). Hoặc tìm thấy cây chuối rừng là 1 giải pháp cực tốt: lấy nước từ thân, ăn thân non, ăn củ”, TS Ngô Đức Phương cho hay.
Ngoài ra, người gặp nạn có thể tìm nước bằng cách lấy ở cây chuối, dây gắm, dây chạc chìu (nếu có dao), củ cốt cắn,...
Một nguyên tắc để đảm bảo an toàn khi đi rừng nên đi theo nhóm, đoàn. Nếu không may bị lạc thì nên ngồi im 1 chỗ chờ người đến tìm, cứu. Càng đi lung tung càng dễ bị lạc và xa điểm xuất phát, khi đó mọi người khó tìm.
“Trong trường hợp có lửa thì cần đốt lửa, đặc biệt vào buổi tối vừa giữ ấm cơ thể vừa đuổi thú và mọi người dễ phát hiện”, TS Ngô Đức Phương cho hay.
Trước đó, vào 9h10 ngày 3/5, sau khi nghe tiếng kêu cứu phát ra từ dưới vực, cán bộ Ban Quản lý khu di tích vườn quốc gia Yên Tử đã tìm kiếm, cứu được bà Liên.
Bà Liên kể, ngày 27/4, bà một mình bắt xe từ Hà Nội xuống Hạ Long để lấy thuốc, sau đó lên Yên Tử, lễ Phật tại chùa Đồng. Đây cũng là lần đầu bà đi Yên Tử. Khi đi xuống, bà bị tụt huyết áp nên ngồi nghỉ gần lan can chùa. Lúc đứng lên đi tiếp, bà bị choáng và ngã xuống vực sâu khoảng 30m.
Kêu cứu nhưng không ai nghe thấy, điện thoại rơi mất trong lúc ngã, bà Liên tìm cách trèo lên nhưng lại bị rơi xuống đoạn nữa. Do mặc áo mưa, lại có cây đỡ nên bà không bị thương.
Để cầm cự, bà ăn bánh gạo và cơm cháy có sẵn trong túi đồ mang theo, mỗi ngày chỉ bẻ một miếng nhỏ ăn. Ngoài ra, bà ăn lá cây dương xỉ ở xung quanh, nước thì bới trong rác và những chai nước bị du khách vứt xuống.
Đến sáng 3/5, nghe thấy có tiếng người nói chuyện ở phía trên, bà Liên kêu cứu và được cứu sống.
Chùa Đồng nằm trên đỉnh cao nhất dãy Yên Tử (1.068 m), được khởi dựng từ thời Hậu Lê với tên gọi Thiên Trúc Tự; năm 2007 chùa mới được đúc hoàn toàn bằng đồng nguyên chất. Khu vực bà Liên gặp nạn là vực sâu, cách đỉnh chùa Đồng khoảng 50m, thường có gió to, mây mù.
Nguồn: https://infonet.vietnamnet.vn/khoe-dep/suc-khoe/la-cay-duong-xi-nguoi-phu-nu-song-sot-sau-7-ngay-roi-vuc-yen-tu-an-co-tac-dung-gi-cach-ung-pho-khi-bi-lac-o-trong-410175.html