Số ca tử vong do bệnh dại tăng đáng kể trong vài tháng trở lại đây. Để phòng ngừa bệnh dại, cách duy nhất là tiêm vaccine phòng dại. Nhiều người đặt câu hỏi bị chó mèo cắn và con vật đó đã tiêm phòng rồi thì người bị cắn có phải tiêm phòng không?
Theo TS. BS. Nguyễn Thị Thanh Hương, Trưởng Văn phòng chương trình dại, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, tiêm vaccine phòng dại là cách duy nhất để thoát khỏi căn bệnh nguy hiểm chết người này.
Bệnh dại lây truyền từ động vật sang người chủ yếu thông qua việc bị chó mèo cắn, cào, liếm hoặc tiếp xúc như chăm nuôi con vật bị dại.
Nhiều người có tâm lý chủ quan coi nhẹ vấn đề khi bị mèo cào. Tuy nhiên khoa học đã ghi nhận bệnh dại có thể truyền qua vết cào xước của mèo. Tuyến nước bọt làm lây lan bệnh dại từ con vật này sang con vật khác cũng như con người. Những vết cào xước của mèo bị dại lên người sẽ rất nguy hiểm, vì mèo thường có thói quen liếm móng vuốt của chúng.
Thời gian ủ bệnh của virus dại trong cơ thể người kể từ thời điểm bị tấn công có thể trong khoảng từ 5 ngày cho tới hơn 1 năm, mặc dù thời gian ủ bệnh trung bình khoảng 2 - 3 tháng.
100% trường hợp đã bị lên cơn dại sẽ dẫn đến tử vong, không có thuốc nào có thể cứu chữa được. Bởi vậy, cần sử dụng vaccine phòng dại càng sớm càng tốt ngay sau khi bị cắn để tạo miễn dịch chủ động giúp cơ thể ngăn chặn virus dại tấn công hệ thần kinh trung ương.
Có thể nói, vaccine phòng dại ra đời là bước tiến nhảy vọt của y học hiện đại cứu sống hàng triệu người trên thế giới thoát khỏi tử vong do bệnh dại.
1. Bị chó mèo cắn nhưng con vật được tiêm phòng thì người bị cắn có cần tiêm vaccine phòng dại không?
TS.BS Nguyễn Thị Thanh Hương: Tùy thuộc con vật đó đã được tiêm phòng dại cách đó bao lâu để các bác sĩ có thể ra quyết định tiêm hay không tiêm chủng cho người bị cắn. Theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Bộ Y tế, khi bị con vật (bao gồm cả động vật được tiêm phòng và chưa được tiêm phòng), người bị nạn cần phải được tiêm phòng vaccine phòng dại ngay và vừa tiêm vừa theo dõi con vật đó (nếu có thể). Nếu trong 10 ngày, con vật vẫn sống khỏe mạnh, bình thường thì người bị nạn có thể dừng tiêm chủng các mũi tiếp theo (phác đồ tiêm chủng đầy đủ là 5 mũi trong vòng 1 tháng kể từ mũi tiêm chủng đầu tiên).
Trên thực tế, việc bị con vật đã được tiêm phòng dại hàng năm cắn sẽ yên tâm hơn rất nhiều so với khi nó chưa được tiêm. Đối với các nước phát triển, tỷ lệ tiêm vaccine phòng dại ở động vật rất cao, lớn hơn 70%. Thậm chí, họ còn sử dụng vaccine phòng dại cho động vật hoang dã nên bệnh dại sẽ được kiểm soát tối đa.
Trong khi đó, tại Việt Nam, tỉ lệ tiêm vaccine phòng dại cho chó mèo còn thấp (20-30% tổng đàn) nên khả năng chúng mang mầm bệnh dại cao. Vì vậy, khi bị chó mèo cắn, tốt nhất bạn phải đến ngay cơ sở y tế để được bác sĩ khám và tư vấn. Việc bạn đã từng được tiêm vaccine phòng dại trước đó hay chưa thì việc xử lý và phác đồ tiêm sẽ khác nhau.
Bên cạnh đó, đối với các gia đình đang nuôi chó mèo, nên đưa con vật đi tiêm phòng dại. Bởi việc tiêm phòng dại cho chó mèo sẽ giảm được phần lớn nguy cơ lây truyền cho người, giảm số lượng chó mèo bị dại sẽ giảm được số người bị tai nạn do động vật cắn và tử vong do dại.
2. Có nên tiêm vaccine phòng dại trước khi bị chó mèo cắn không?
TS.BS Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết, vaccine phòng dại tế bào thế hệ mới áp dụng tiêm phòng như các loại vaccine dịch vụ khác, tức là người dân hoàn toàn có thể tiêm phòng trước phơi nhiễm (chưa bị chó, mèo cắn). Đặc biệt, một số đối tượng có nguy cơ cao nên chủ động tiêm vaccine phòng dại trước:
- Bác sĩ thú y
- Kiểm lâm
- Người giết mổ động vật
- Người đi du lịch đến các vùng dịch bệnh dại lưu hành được khuyến cáo tiêm chủng để bảo vệ an toàn...
3. Bị chó, mèo cắn bao lâu đi tiêm phòng thì có hiệu quả tốt nhất?
Khi bị chó mèo cắn được coi là một trường hợp điều trị dự phòng bệnh dại khẩn cấp. Nạn nhân cần được rửa ngay vết thương bằng nước và xà phòng (hoặc các chất như dầu gội – sữa tắm), bôi các chất sát khuẩn như cồn – cồn iot và đến ngay các điểm tiêm chủng gần nhất để được các bác sỹ tư vấn tiêm vaccine phòng dại và huyết thanh kháng dại.
Thời điểm tốt nhất là trong vòng 6 giờ đầu tiên sau khi bị chó mèo cắn. Tuy nhiên, nếu bạn không biết thông tin bị chó cắn phải tiêm vaccine dại dẫn đến việc bị trễ, thì nên đi tiêm ngay khi nhận thức được mức độ nguy hiểm của bệnh dại, TS.BS Nguyễn Thị Thanh Hương nhấn mạnh.
Ngoài ra, khi bị cắn, tuyệt đối không dùng các chất kích thích đắp vào vết thương như ớt bột, nước ép, nhựa cây, axit hoặc kiềm. Không băng bó, đắp thuốc kín vết thương.
Nguồn: suckhoedoisong