Chỉ thực và 6 bài thuốc trị bệnh đường tiêu hóa

ngày 22/12/2021

Chỉ thực thuộc nhóm thuốc hành khí, được sử dụng điều trị bệnh đường tiêu hóa trong y học cổ truyền Trung Quốc từ lâu đời.

1. Nguồn gốc của vị thuốc chỉ thực

Chỉ thực là quả non tự rụng của một số loại cây thuộc họ cam quýt - Rutaceae.

Tên khoa học: Citrus aurantium L.

Quả sau khi hái về rửa sạch loại bỏ tạp chất, ủ mềm thái phiến phơi khô thì gọi là sinh chỉ thực. Chỉ thực nên để lâu càng tốt, cho nên còn được gọi là trần chỉ thực. Chỉ thực phiến nếu đem sao với cám cho hơi vàng thì gọi là sao chỉ thực. Nếu sao tồn tính thì gọi là chỉ thực thán.

Sinh chỉ thực có tác dụng phá khí trệ tiêu trưởng mãn, làm khoan khoái lồng ngực. Chỉ thực sao qua thì làm ấm tính hàn cho nên bất luận do hàn hay do nhiệt, đều có thể ứng dụng. Chỉ thực sao đen là làm giảm tính hàn, đưa thuốc vào huyết phận, lại có công dụng cầm máu khoan trung, thường dùng chữa chứng khí trệ lại kèm có ra máu.

2. Tác dụng của vị thuốc chỉ thực

Chỉ thực vị đắng cay hơi chua tính hàn, lợi về kinh tỳ vị. Có công năng phá khí tiêu thực, hóa đàm, chữa các chứng tích trệ ở bên trong, hòn khối tích lại gây đau, kiết lỵ, trướng bụng, đau bụng, táo bón, ăn không ngon, mất ngủ chóng mặt, đại tiện không thông, đàm trệ khí trở ở lồng ngực sinh ra các chứng đau tức ngực, sa dạ dày, sa tử cung... Dùng dưới dạng sắc uống hoặc làm thuốc hoàn tán. Liều dùng 4-12g/ngày. Dùng ngoài không kể liều lượng, rang nóng đắp.

Kiêng kỵ: Phụ nữ có thai, tỳ vị hư yếu không dùng chỉ thực.

Quả non của một số loại cây thuộc họ cam quýt cho vị thuốc chỉ thực

3. Bài thuốc từ chỉ thực3.1 Chỉ thực đạo trệ hoàn

Thành phần: Đại hoàng 1 lạng, chỉ thực 5 tiền, lục khúc 5 tiền, phục linh 3 tiền, hoàng cầm 3 tiền, hoàng liên 3 tiền, bạch truật 3 tiền, trạch tả 2 tiền (Theo Trung y phương dược lâm sàng).

Cách dùng: Các vị trên tán bột mịn, hồ hoàn viên. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 15g với nước ấm.

Công dụng: Tiêu đạo tích trệ, thanh lợi thấp nhiệt. Trị các chứng thấp nhiệt tích trệ trường vị, đau bụng, đại tiện bí kết hoặc tiết tả, tiểu tiện vàng sẻn, rêu lưỡi vàng, mạch trầm hữu lực.

Phương giải: Trong bài đại hoàng, chỉ thực công hạ tích trệ; hoàng liên, hoàng cầm táo thấp thanh nhiệt; phục linh, trạch tả lợi thấp nhiệt; lục khúc tiêu thực hòa trung; bạch truật kiện tỳ táo thấp. Hợp dược bài thuốc có tác dụng tiêu trừ thấp nhiệt tích trệ làm cho công năng vận hóa của tỳ vị được khôi phục.

3.2 Mộc hương đạo trệ hoàn

Thành phần: Đại hoàng 1 lạng, chỉ thực 5 tiền, lục khúc 5 tiền, phục linh 3 tiền, hoàng cầm 3 tiền, hoàng liên 3 tiền, bạch truật 3 tiền, trạch tả 2 tiền, mộc hương 2 tiền, tân lang 3 tiền (Theo Trung y phương dược lâm sàng).

Cách dùng: Các vị trên tán bột mịn hòa với nước chưng thành bánh, hoàn viên. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 15 gam với nước ấm.

Công dụng: Tiêu đạo tích trệ, giáng khí, thanh lợi thấp nhiệt. Chữa các chứng thấp nhiệt tích trệ trường vị, ăn uống không tiêu hoắc loạn bất an.

Phương giải: Trong bài đại hoàng, chỉ thực công hạ tích trệ hoàng liên; hoàng cầm táo thấp thanh nhiệt; phục linh, trạch tả lại thấp nhiệt; lục khúc tiêu thực hòa trung; bạch truật kiện tỳ táo thấp; mộc hương giáng khí chỉ thống; tân lang tiêu đạo sáp trường. Hợp dược bài thuốc có tác dụng hạ khí, tiêu trừ thấp nhiệt tích trệ làm cho công năng vận hóa của tỳ vị được khôi phục.

Vị thuốc chỉ thực kiện tỳ vị

3.3 Chỉ truật hoàn

Thành phần: Chỉ thực 1 lạng, bạch truật 3 lạng (Theo Y phương tập giải).

Cách dùng: Các vị tán bột mịn, hồ hoàn viên. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 15g với nước lá sen.

Công dụng: Kiện tỳ vị, tiêu bĩ mãn. Chữa các chứng tỳ vị hư nhược không vận hóa được, ẩm thực đình trệ, phúc trướng bĩ mãn, đại tiện đường tiết hoặc bất sướng.

Phương giải: Bạch truật kiện tỳ vị, chỉ thực tiêu bĩ mãn; bạch truật dùng lượng nhiều gấp 3 chỉ thực lại dùng hà diệp (lá sen) hòa dưỡng vị khí, giúp cho tỳ vị tăng cường vận hóa được ẩm thực đình trệ, tâm hạ bĩ mãn. Dùng bổ mà tiết khí, dùng tiêu mà không tổn thương chính khí.

3.4 Khúc mạch chỉ truật hoàn

Thành phần: Chỉ thực 1 lạng, bạch truật 3 lạng, mạch nha 1 lạng, thần khúc 1 lạng (Theo Y phương tập giải).

Cách dùng: Các vị sao giòn tán mịn tinh, hồ hoàn viên. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 15g với nước lá sen.

Công dụng: Kiện tỳ, tiêu cốc thực. Chữa các chứng ăn uống khó tiêu, tâm phúc trướng mãn.

Phương giải: Bạch truật kiện tỳ vị; chỉ thực tiêu bĩ mãn; bạch truật dùng lượng nhiều gấp 3 chỉ thực lại dùng hà diệp để hòa dưỡng vị khí, giúp cho tỳ vị tăng cường vận hóa được ẩm thực đình trệ, tâm hạ bĩ mãn nghĩa là dùng bổ mà tiết khí, dùng tiêu mà không tổn chính khí. Phối hợp với mạch nha, thần khúc để tiêu thực.

3.5 Quất bán chỉ truật hoàn

Thành phần: Chỉ thực 1 lạng, bạch truật 3 lạng, bán hạ chế 1 lạng, quất bì 1 lạng (Theo Y phương tập giải).

Cách dùng: Các vị sao giòn tán mịn tinh, hồ hoàn viên. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 15g với nước lá sen.

Công dụng: Kiện tỳ, hóa đàm. Chữa các chứng tỳ hư, đàm tích, ăn uống không tiêu, khí trệ, bĩ muộn, ậm ạch khó thở, người mệt mỏi.

Phương giải: Bạch truật kiện tỳ vị, chỉ thực tiêu bĩ mãn, quất lý khí, bán hạ chỉ ẩu. Phối hợp quất bì, bán hạ tiêu đàm. Hợp dược bài thuốc có tác dụng kiện tỳ hóa đàm, tiêu tích, tiêu bĩ.

3.6 Hương sa chỉ truật hoàn

Thành phần: Chỉ thực 1 lạng, bạch truật 3 lạng, sa nhân 1 lạng, mộc hương 1 lạng (Theo Y phương tập giải)

Cách dùng: Các vị tán mạt, hồ hoàn viên. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 15g với nước lá sen.

Công dụng: Kiện tỳ, phá khí, hành trệ, khai vị tỉnh thực. Chữa các chứng tỳ hư khí trệ, ăn uống không tiêu, đầy trướng, đại tiện phân lỏng, ậm ạch khó tiêu, khó chịu, người mệt mỏi.

Phương giải: Bạch truật kiện tỳ vị, chỉ thực tiêu bĩ mãn, mộc hương hành khí, giáng khí, sa nhân ôn trung tán hàn, kiện vị.

Những bài thuốc trên đây giúp độc giả tham khảo để có thêm thông tin. Nếu muốn hiểu tường tận độc giả cần có sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa y học cổ truyền.

TTND BS Trần Văn Bản

Nguồn: https://suckhoedoisong.vn//chi-thuc-va-6-bai-thuoc-tri-benh-duong-tieu-hoa-169211221001604977.htm