Cuộc tiếp xúc gần với bệnh nhân và bác sĩ công an điều trị Covid-19

ngày 13/08/2020

Chúng tôi là Phạm Ngôn và Đoàn Nguyên, phóng viên Zing. Sau nhiều lần thuyết phục lãnh đạo Bệnh viện 199 Đà Nẵng, nhóm được vào nơi điều trị Covid-19.

Toàn bộ hành lang đều dựng bảng báo “Khu cách ly, không được vào”. Sau khi mặc đồ bảo hộ kín mít, một nhân viên y tế dẫn tôi vào sâu phía trong. Nơi này, các bác sĩ đang ngày, đêm chăm sóc bệnh nhân. Môi trường ở đây hoàn toàn khác với bên ngoài. Mọi người tuyệt đối tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.

Được cảnh báo nguy cơ khi tiếp xúc gần với các trường hợp F1, tôi cẩn trọng dùng trang phục bảo hộ, hạn chế cự ly khi tác nghiệp với các đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh cao. Tôi chọn giải pháp chụp ảnh qua kính ở hầu hết các khung hình.

Tại đây, tôi được nghe y, bác sĩ kể lại đã hơn 2 tuần trôi qua họ chưa được về nhà. Họ ngày đêm chuyên tâm chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân.

Với 480 cán bộ, chiến sĩ, trong đó có 94 bác sĩ, bệnh viện đang khám và điều trị cho hơn 460 người. Trong số này 454 người thuộc diện F1, F2. 12 ca dương tính Covid-19 mới được chuyển qua các đơn khác để điều trị.

Theo chân một nhân viên, tôi đến tầng 9 của Bệnh viện 199. Tại đây, các giường bệnh đều kín người.

Lúc này, bác sĩ, thiếu tá Lê Thị Xuân (41 tuổi, Phó trưởng khoa Y học Nhiệt đới - Bệnh viện 199) cùng đồng nghiệp đang khám bệnh cho 2 cô gái.

Thấy chúng tôi đưa máy ảnh chụp, nữ bác sĩ ngạc nhiên: “Chúng tôi làm nghề thì sống chung với người bệnh. Còn mấy anh, không sợ à”?

Đã quá nửa tháng, chị Xuân cũng như các đồng nghiệp trong khoa chưa một lần về thăm nhà. Dù nỗi nhớ gia đình, nhớ con không lúc nào vơi, chị tạm gác lại để chuyên tập trung vào công việc.

Trung tá Trương Xuân Hùng (Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Bệnh viện 199) cho biết số lượng bệnh nhân tăng từng ngày nên đội ngũ cán bộ, y tá và bác sĩ phải làm việc 24/24h, không kể ngày hay đêm.

Cũng tại Khoa Y học Nhiệt đới, tôi gặp trung úy Nguyễn Hoài Thương (31 tuổi, cán bộ điều dưỡng). Nữ trung úy cho biết tháng 3/2011, sau khi tốt nghiệp ngành điều dưỡng, chị được nhận vào Bệnh viện 199 công tác.

Chị Thương mới sinh em bé được 9 tháng tuổi. Gần một năm nay, chồng chị, một sĩ quan quân đội, cũng phải vào Phú Quốc (Kiên Giang) làm nhiệm vụ nên hai vợ chồng phải nhờ người thân trông con. "Tôi rất nhớ con", chị chia sẻ.

Chào chị Hoài Thương, tôi đi tiếp những phòng điều trị khác theo sự chỉ dẫn của một nhân viên y tế. Nơi đó, tôi thấy nhiều bệnh nhân Covid-19 đã dần hồi phục sức khỏe, có thể đi lại và ăn uống, tâm lý họ cũng khá thoải mái.

Trung tá Hà Quang Phương, Trưởng khoa Y học Nhiệt đới, nói với chúng tôi rằng thật đáng mừng là việc khám, chăm sóc sức khỏe của các trường hợp F1 có bệnh lý nền tại đây khá hiệu quả, chưa có diễn biến xấu.

“Với chúng tôi, ngoài nhiệm vụ của một bác sĩ, mọi người còn là chiến sĩ công an nên tất cả vẫn là tinh thần lạc quan, tự tin chiến thắng dịch bệnh”, trung tá Phương nói.

Trong khu vực cách ly đặc biệt để điều trị bệnh nhân, các y, bác sĩ thực hiện các biện pháp bảo hộ nghiêm ngặt. Họ mặc đồ bảo hộ, đeo khẩu trang và dùng cả nón có tấm chắn giọt bắn.

Mọi hoạt động thăm khám, điều trị cho bệnh nhân đều phải đảm bảo nguyên tắc vừa điều trị, vừa chống sự lây lan của dịch bệnh.

Rời khu vực điều trị cách ly, chúng tôi đến nơi những chiến sĩ thầm lặng nghỉ ngơi. Nơi ngả lưng của họ chính là những chiếc giường y tế thường dùng cho bệnh nhân. Giấc ngủ khá vội, hễ có việc là họ bật dậy, bất kể ngày đêm.

Y, bác sĩ thường dùng tạm mì gói, bánh ngọt trong lúc làm nhiệm vụ vì thời gian rất hạn hẹp.

Một nữ điều dưỡng tranh thủ gọi điện thoại về cho người thân sau ca trực. Chỉ 15 phút sau, chị mặc trang phục bảo hộ vào phía trong nơi điều trị vì có bệnh nhân yêu cầu hỗ trợ.

Trưởng khoa Hà Quang Phương nói rằng dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Cuộc chiến sắp tới còn dài, đè nặng lên vai những chiến sĩ công an mặc áo blouse trắng.

Rời nơi này, điều chúng tôi không thể quên là hình ảnh những bác sĩ công an mồ hôi nhễ nhại trong bộ đồ bảo hộ kín người, hy sinh hầu hết các nhu cầu cá nhân để tập trung cho nhiệm vụ. Công việc của họ luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ trước virus SARS-CoV-2.

Nguồn: Báo Zing