Mai Phương có bầu 3 tháng, mẹ chồng tay xách nách mang bao nhiêu đồ ở quê lên thăm con dâu. Trong đó, món được bà nâng niu, chú trọng nhất nhưng lại khiến Mai Phương phát nôn ọe, ngán ngẩm nhất là món trứng ngỗng. Mẹ chồng Mai Phương biết con dâu mang thai con gái nên mang theo 9 (trai 7 vía, gái 9 vía) quả trứng ngỗng bắt con dâu ăn đủ 9 quả để cho con thông minh.
Ngày đầu tiên Mai Phương luộc 2 quả nhưng ăn được 1 quả, cô đã muốn nôn vì lòng đỏ thì quá ngấy còn lòng trắng thì rất chát. Thấy Phương như vậy, mẹ chồng Phương luôn mồm càu nhàu con dâu là "ích kỷ, không biết vì con".
Đang trong lúc bầu bì, khó ở, lại bị ép ăn trứng ngỗng rất khó ăn, Phương đành lên tiếng cự lại mẹ chồng. Hai mẹ con lời qua tiếng lại thành to tiếng. Mẹ chồng uất ức xách túi bỏ về quê với suy nghĩ con dâu vừa không biết vì đứa con trong bụng, vừa không tôn trọng mẹ chồng, không biết tiếc công sức bà đi lặt từng nhà ở quê mới gom đủ số trứng ngỗng, nâng niu suốt chặng đường tàu xe từ quê mang ra cho con. Còn con dâu thì mệt mỏi vì đã đang thai nghén khó chịu, mẹ chồng còn ép ăn những thứ vừa chát, vừa bứ.
Vậy trứng ngỗng có thực sự tốt cho bà bầu như mọi người nghĩ?
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trứng ngỗng là loại thực phẩm chứa nhiều loại dưỡng chất đa dạng gồm: Protein, lipid, canxi, photpho, sắt, vitamin A, vitamin B1, Vitamin B2, các khoáng chất có lợi khác đối với cơ thể. Kinh nghiệm dân gian cho rằng mẹ bầu ăn trứng ngỗng, mắt con sẽ to tròn và thông minh, có làn da trắng hồng và khỏe mạnh. Bên cạnh đó, theo quan niệm dân gian cho rằng bà bầu ăn trứng ngỗng sẽ giúp đuổi tà ma. Theo đó, nếu mẹ mang thai bé gái nên ăn 9 quả trứng ngỗng, nếu mang thai bé trai nên ăn 7 quả.
Nhưng thực ra trứng ngỗng không có tác dụng kỳ diệu ấy. Cho đến nay trên thế giới cũng chưa có một công trình nghiên cứu hoặc một tài liệu nào ghi chép khi mang thai ăn trứng ngỗng sẽ sinh con khỏe mạnh, thông minh.
Về giá trị dinh dưỡng trứng ngỗng kém xa trứng gà. Theo đó, trứng ngỗng có 13,5% chất protein, 13,2% lipid, 0,33mg% vitamin A, 0,10mg% vitamin B1, 0,30mg% vitamin B2, 0,1mg% vitamin PP… So với trứng gà, trứng ngỗng có tỷ lệ protein thấp hơn (tỷ lệ protein trong trứng gà toàn phần là 14,8%) nhưng lại có lượng lipid cao hơn (tỷ lệ lipid trong trứng gà là 11,6%). Hàm lượng các vitamin trong trứng ngỗng cũng thua trứng gà, đặc biệt là vitamin A rất cần cho phụ nữ có thai. Hàm lượng vitamin A trong trứng ngỗng chỉ bằng một nửa so với trứng gà (0,33mg% so với 0,70mg% trong trứng gà). Do đó các nhà dinh dưỡng khuyên phụ nữ có thai nên tẩm bổ bằng trứng gà thay cho trứng ngỗng sẽ tốt hơn rất nhiều.
Ngoài ra, trứng ngỗng có nhiều cholesterol và giầu lipid là những chất không có lợi cho sức khỏe phụ nữ có thai. Chị em có thể bị béo phì và mắc chứng cholesterol máu cao nếu lạm dụng những thực phẩm giầu lipid và cholesterol như trứng ngỗng.
Theo TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng viện Dinh dưỡng Quốc gia, muốn sinh con khỏe mạnh, trí não phát triển, khi có thai người mẹ cần ăn uống đủ chất, trong đó trứng gà là một trong những thực phẩm quí. Trong trứng gà thành phần các chất protein, lipid, glucid, protid, các vitamin và chất khoáng có tỷ lệ hợp lý, giúp bồi dưỡng cơ thể rất tốt.
Tuy nhiên, chất protid có trong trứng gà rất bổ nhưng nó chỉ được cơ thể chuyển hóa và hấp thu hoàn toàn sau khi đã được nấu chín. Nếu trứng còn sống, ngoài nguy cơ cao nhiễm các vi khuẩn vi rút (vì ống dẫn trứng của gà mái nối liền với hậu môn, do đó trứng gà và phân đều được đưa ra ngoài qua đường hậu môn. Vì vậy có rất nhiều vi khuẩn và trứng của các loài ký sinh trùng bám vào vỏ trứng), kết cấu protein bền vững rất khó hấp thu trong dạ dày và tá tràng. Mặt khác, trứng gà sống không được hấp thu sẽ bị phân hủy ở đại tràng, quá trình này sản sinh ra các độc tố như amin, phênon, amoniac… gây tổn thương gan.