Hiệu lực của 8 loại vaccine Covid-19 được phê duyệt tại Việt Nam

ngày 20/09/2021

Các loại vaccine Covid-19 do Bộ Y tế phê duyệt đều đảm bảo an toàn, hiệu quả và đã được kiểm định chất lượng.

Tính đến ngày 19/9, Bộ Y tế đã phê duyệt có điều kiện 8 loại vaccine Covid-19, gồm AZD1222 (do AstraZeneca, Anh, sản xuất), Sputnik V (Viện Nghiên cứu Gamaleya, Nga, sản xuất), Vero Cell (Sinopharm, Trung Quốc, sản xuất) và Comirnaty (Pfizer và BioNTech, Đức, điều chế), Janssen (Johnson & Johnson sản xuất), Spikevax (Moderna, Mỹ, sản xuất), Hayat Vax (CNBG) và Abdala (Công ty AICA Laboraries, Base Business Unit (BBU) AICA - Cuba).

Hiệu lực bảo vệ

Sputnik V của Nga là loại vaccine đầu tiên được cấp phép trên thế giới. Viện Nghiên cứu Gamaleya công bố kết quả cho thấy Sputnik V có hiệu lực tới 91,6% sau hai liều tiêm. Kết quả thử nghiệm sơ bộ được công bố trên tạp chí The Lancet cho thấy vaccine này có hiệu lực 91,4%.

Sau tiêm, 98% tình nguyện viên sản sinh kháng thể chống lại virus SARS CoV-2. Tỷ lệ hiệu lực của Sputnik V thấp hơn hai loại vaccine của Pfizer-BioNTech và AstraZeneca và cao hơn CoronaVac do Trung Quốc phát triển.

Theo New York Times, ngày 9/11/2020, Công ty Pfizer (trụ sở tại New York, Mỹ) và Công ty BioNTech (của Đức) đã làm nên lịch sử khi thông báo kết quả nghiên cứu cho thấy vaccine Covid-19 của họ hiệu lực tới 91,3%, vượt xa mong đợi. Đây là vaccine đầu tiên trên thế giới đạt tới hiệu lực này trong thời điểm công bố nghiên cứu.

Trong khi đó, vaccine của Moderna là loại đầu tiên tại Mỹ thử nghiệm lâm sàng trên người. Ngày 16/11/2020, công ty sản xuất thông báo kết quả thử nghiệm giai đoạn 3 trên người với hiệu lực bảo vệ lên tới 94,1%, cao hơn nhiều so với dự kiến của các chuyên gia.

Vaccine của AstraZeneca bắt đầu thử nghiệm từ tháng 1/2020. Nó được thử nghiệm trên 65.000 người tại Brazil, Nam Phi, Anh, Mỹ, Ấn Độ... Theo dữ liệu do đơn vị sản xuất công bố, hiệu lực ngừa Covid-19 của vaccine này là 76%, trong vòng 22-90 ngày sau khi tiêm một liều duy nhất.

Ngoài ra, nó có hiệu lực 100% đối với bệnh nặng và nhập viện. Dữ liệu tạm thời trước đó cho thấy hiệu lực của vaccine này là 70,4% trong các thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn.

Tuy nhiên, một số lo ngại xuất hiện xung quanh vaccine này khi Chính phủ Nam Phi buộc phải dừng việc tiêm chủng vào ngày 7/2 vì nó kém hiệu lực với biến chủng mới B.1.351.

Tài liệu của WHO cho thấy vaccine một liều Janssen cho hiệu lực 85,4% trong việc giảm bệnh nặng và 93,1% trong giảm nguy cơ nhập viện sau 28 ngày tiêm. Nó cũng giúp ngăn ngừa mắc Covid-19 độ vừa và nặng 66,9%.

Trong khi đó, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), trong các thử nghiệm lâm sàng, vaccine này chứng minh hiệu lực 66,3% ngăn ngừa mắc Covid-19. Người tiêm được bảo vệ tốt nhất sau 2 tuần tiêm chủng. Không ai mắc Covid-19 sau 4 tuần tiêm vaccine Janssen.

Theo nghiên cứu được thực hiện ở Abu Dhabi, vaccine Hayat Vax có hiệu lực 100% trong việc ngăn ngừa tử vong, giảm 93% tỷ lệ nhập viện, bệnh nặng. Đây cũng là loại vaccine Covid-19 duy nhất được sử dụng ở Abu Dhabi, trước khi Pfizer được giới chức nước này phê duyệt vào tháng 2.

Trong khi đó, ngày 30/12/2020, Cục Quản lý Dược Trung Quốc cấp phép sử dụng Vero Cell có điều kiện với vaccine này và công bố hiệu lực bảo vệ đạt 79,34%; tỷ lệ sinh kháng thể trung hòa là 99,52%.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận vaccine này có hiệu lực 79% trong việc giảm nguy cơ mắc Covid-19, nhập viện. Kết quả dựa trên thử nghiệm giai đoạn 3 đa quốc gia, sau 14 ngày kể từ khi tiêm đủ 2 liều.

Abdala được Tập đoàn Dược BiCubaFarma khẳng định có hiệu lực chống lại nCoV tới 92,28% trong các thử nghiệm lâm sàng. Điều này khiến nó được xếp ngang hàng với các loại vaccine hiệu lực nhất hiện nay như BioNTech/Pfizer và Moderna.

Về tác dụng phụ, trên thực tế, tất cả vaccine khi tiêm chủng đều có thể gây phản ứng từ nhẹ tới nặng, tùy theo cơ địa mỗi người. Các nghiên cứu đều cho thấy tất cả vaccine đều có khả năng gây tác dụng phụ, gồm tại chỗ (đau, sưng tấy, ngứa vết tiêm), toàn thân (đau đầu, mệt mỏi, sốt, ớn lạnh, đau cơ, buồn nôn)... Đây là những phản ứng thông thường và sẽ hết sau vài ngày.

Đa dạng công nghệ sản xuất

Dựa trên cách thức hoạt động, 8 loại vaccine Covid-19 được Bộ Y tế phê duyệt có thể chia thành 4 công thức điều chế.

Vaccine mRNA: BNT162b2 (Pfizer/BioNTech) và mRNA-1273 (Moderna).

Vaccine mRNA là hoạt động dựa trên cơ chế dạy các tế bào cơ thể người tạo ra một loại protein hoặc một phần của protein, có nhiệm vụ kích hoạt phản ứng miễn dịch bên trong cơ thể. Kết quả của phản ứng miễn dịch này là kháng thể, bảo vệ chúng ta không bị nhiễm bệnh nếu virus thực sự xâm nhập vào cơ thể người.

Vaccine mRNA sẽ hướng dẫn cho các tế bào cơ thể người sản xuất những "mảnh" vô hại mang tên protein đột biến. Loại này được tìm thấy trên bề mặt của SARS-CoV-2.

Khi vaccine mRNA được tiêm vào cơ thể, chúng sẽ nằm trong hệ miễn dịch, kích thích tế bào tạo ra các mảnh protein đột biến nói trên. Cuối cùng, tế bào sẽ phá vỡ các mRNA và loại bỏ chúng.

Đây cũng là cơ chế mà vaccine Covid-19 BNT162b2 (của Pfizer/BioNTech) và mRNA-1273 (của Moderna) hoạt động. Tuy nhiên, các phân tử mRNA rất mỏng manh, nhanh chóng phân rã khi để ở nhiệt độ phòng (khoảng 20 độ C).

Một nhân viên khu công nghệ cao Tân Thuận, quận 7, TP.HCM được tiêm vaccine Covid-19. Ảnh: Quỳnh Danh.

Vaccine dựa trên vector virus không có khả năng sao chép: Sputnik V (Viện Nghiên cứu Gamaleya), Jansen và AZD1222 (AstraZeneca).

Để kích hoạt phản ứng miễn dịch, giúp chống lại các bệnh truyền nhiễm, cách cổ điển của nhiều loại vaccine là đưa lượng vector virus hoặc vi khuẩn đã bị bất hoạt, suy yếu (adenovirus) vào cơ thể. Đây cũng là nền tảng hoạt động của vaccine Sputnik V và AstraZeneca.

Adenovirus ở vaccine của AstraZeneca là ChAdOx1, của Sputnik V là Ad5/Ad26, của Janssen là Ad26. Khi adenovirus được tiêm vào người, protein đột biến sẽ kích hoạt phản ứng miễn dịch.

Theo The New York Times, nền tảng này được đánh giá chắc chắn hơn hai vaccine sử dụng mRNA. DNA không mỏng manh như RNA, do đó, lớp áo protein của adenovirus dai hơn, giúp nó bảo vệ vật chất di truyền bên trong tốt hơn.

Cũng vì thế, Sputnik V, AZD1222, Janssen không phải bảo quản trong điều kiện nhiệt độ khắt khe như Pfizer/BioNTech hay Moderna. Nó có hạn sử dụng kéo dài ít nhất 6 tháng khi được bảo quản lạnh ở 2-8 độ C.

Vaccine virus bất hoạt: Vero Cell, Hayat Vax

Theo New York Times, để tạo ra vaccine, các nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Sinh phẩm Bắc Kinh thu thập ba biến chủng nCoV từ các bệnh nhân Trung Quốc. Sau đó, chúng được nuôi trong tế bào thận khỉ tại bể phản ứng sinh học để chọn ra biến chủng có tốc độ nhân lên nhanh nhất.

Các nhà khoa học trộn virus bất hoạt với hợp chất bổ trợ giúp kích thích miễn dịch phản ứng với vaccine. Khi vào cơ thể, nCoV dạng bất hoạt không thể gây bệnh cho con người và bị tế bào trình diện kháng nguyên của hệ miễn dịch nuốt chửng.

Theo The National News, vaccine Hayat Vax là phiên bản Vero Cell được sản xuất tại UAE với cùng công thức.

Abdala là vacccine Covid-19 thứ 8 được Bộ Y tế phê duyệt. Ảnh: NBC News.

Vaccine protein: Abdala

Vaccine do Cuba phát triển không phải là vaccine vector và cũng không hoạt động với công nghệ mRNA. Thay vào đó, nó là một loại vaccine protein.

Điều này có nghĩa là nó mang một phần protein đột biến mà virus sử dụng để liên kết với các tế bào của con người, từ đó tạo ra các kháng thể trung hòa ngăn chặn quá trình liên kết này.

Theo các trang thông tin y khoa PubMed Precision Vaccinations, vaccine của Cuba là vaccine tiểu đơn vị, được điều chế chỉ dựa trên một phần kháng nguyên của miền liên kết thụ thể (RBD) của SARS-CoV-2 tăng đột biến protein. Các nhà khoa học đã sử dụng nấm men Pichia pastoris là miền liên kết thụ thể.

Mỗi liều vaccine có 50 mcg vaccine protein tái tổ hợp chứa vùng liên kết với thụ thể (RBG) của virus SARS-CoV-2, bào chế ở dạng hỗn dịch tiêm bắp. Vaccine được đóng gói hộp 10 lọ, mỗi lọ chứa 10 liều, mỗi liều 0,5 ml.

Nguồn: https://zingnews.vn/hieu-qua-cua-8-loai-vaccine-covid-19-duoc-phe-duyet-tai-viet-nam-post1264486.html