Thói quen ăn tiết canh lợn: Nguy hại khôn lường

ngày 28/09/2022

Hiện nay, nhiều người bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn do ăn thực phẩm chưa chín, nhất là tiết canh đang trở thành tình trạng đáng báo động.

Chuyên gia y tế cảnh báo, người dân không nên chủ quan vì bệnh có thể gây tử vong nếu điều trị muộn. Để phòng bệnh, người dân không ăn thịt lợn bệnh, thịt lợn sống, tiết canh, nội tạng chưa nấu chín và đặc biệt không ăn thịt lợn ốm, chết…

Cấp cứu vì ăn tiết canh lợn

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TP ghi nhận 3 ca mắc liên cầu khuẩn lợn (tăng 2 ca so với cùng kỳ năm 2021).

Bệnh nhân mắc liên cầu lợn đang được điều trị ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư. Ảnh: Đặng Thanh

Gần đây nhất, trên địa bàn TP đã ghi nhận 1 bệnh nhân nam (60 tuổi) ở Giáp Ngọ, Chúc Sơn, Chương Mỹ mắc liên cầu khuẩn lợn. Hàng ngày bệnh nhân là người thường xuyên nấu ăn trong gia đình. Trong vòng 14 ngày trước khởi phát bệnh nhân không ăn lòng lợn, tiết canh, không tham gia giết mổ lợn, gia đình không chăn nuôi lợn.

Ngày 2/9, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng sốt cao, đau đầu, đau mỏi toàn thân, không nôn, chưa điều trị gì. Đến 21 giờ ngày 3/9, bệnh nhân kích động, khó tiếp xúc, nằm tư thế cò súng, cứng gáy, được gia đình đưa vào Bệnh viện (BV) Quân y 103, kết quả xét nghiệm dương tính Streptococcus suis (liên cầu khuẩn lợn) ngày 8/9/2022.

Trước đó, vào cuối tháng 8, nam công nhân 48 tuổi quê xã Cao Viên, huyện Thanh Oai đi ăn tiết canh lòng lợn ở một quán ăn tại phố Đồng Hoàng, Đồng Mai, quận Hà Đông. 2 ngày sau, người đàn ông này sốt cao, đi khám tại trạm y tế. Nhận thấy người bệnh đau đầu nhiều, giảm nhận thức, các nhân viên y tế tại đây đã chuyển ngay bệnh nhân lên BV Quân y 103. Kết quả xét nghiệm dịch não tủy, nuôi cấy phát hiện bệnh nhân dương tính Streptococcus Suis.

Cũng vào cuối tháng 8, BV T.Ư Quân đội 108 đã tiếp nhận và phẫu thuật điều trị cho một nam bệnh nhân (38 tuổi), sinh sống ở vùng cao, bị nang sán nội tủy ngang đốt sống C7.

Trước đó, người đàn ông này thấy tê yếu hai chân, bệnh tiến triển nặng đến khi bí tiểu tiện, liệt gần như hoàn toàn hai chân, người nhà mới đưa bệnh nhân đến BV T.Ư Quân đội 108. Bệnh nhân có thói quen ăn gỏi, ăn đồ sống. Sau phẫu thuật, bệnh nhân có những tiến triển về vận động và cảm giác hai chân.

Bệnh diễn biến nặng rất nhanh

TS Nguyễn Khắc Hiếu - Khoa Ngoại thần kinh, BV T.Ư Quân đội 108 cho biết, tại Khoa, mỗi năm đều tiếp nhận và xử lý phẫu thuật nhiều ca ký sinh trùng hệ thần kinh T.Ư trong đó có nang sán ở tủy sống. Bệnh lý ký sinh trùng là một bệnh có thể chữa khỏi, tuy nhiên nếu tổn thương ở các vị trí quan trọng của thần kinh T.Ư như não, tủy sống sẽ dẫn đến những tổn thương thần kinh nặng nề, chẩn đoán khó khăn, được điều trị cơ bản cũng khó hồi phục được hoàn toàn.

“Do đó, người dân cần giữ vệ sinh tay chân, hạn chế thói quen ăn sống, ăn gỏi. Đây là con đường đưa mầm bệnh ký sinh trùng vào trong cơ thể. Khi có biểu hiện triệu chứng, cũng cần được thăm khám điều trị sớm bởi các bác sĩ chuyên khoa về truyền nhiễm, thần kinh nếu có nghi ngờ” - TS Nguyễn Khắc Hiếu khuyến cáo.

Theo Bộ Y tế, bệnh liên cầu khuẩn lợn do Streptococcus Suis (S.suis) gây nên. Biểu hiện lâm sàng chủ yếu là viêm màng não, xuất huyết, viêm phổi, viêm cơ tim và viêm khớp. Những người bị bệnh nặng có thể tử vong do độc tố vi khuẩn gây sốc nhiễm khuẩn, viêm nội tâm mạc, suy đa phủ tạng, nhiễm khuẩn huyết... Bệnh diễn biến nhanh, tỷ lệ tử vong có thể lên tới 7%.

Theo thống kê, đặc biệt từ BV Bệnh nhiệt đới T.Ư, đa số bệnh nhân mắc liên cầu lợn có ăn tiết canh lợn. Các ca mắc còn lại do ăn nem chạo sống, tiếp xúc, giết mổ lợn bệnh. Nhiều bệnh nhân cho biết "chỉ mổ lợn thôi cũng nhiễm bệnh". Chi phí điều trị bệnh này tốn kém, thời gian điều trị kéo dài, di chứng để lại thường nặng nề, nguy cơ tử vong khi đã biến chứng rất cao.

Theo bác sĩ Phạm Văn Phúc - Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, BV Bệnh nhiệt đới T.Ư, liên cầu khuẩn lợn là loại vi khuẩn gram dương, thường cư trú ở đường hô hấp trên như mũi, đường tiêu hóa và sinh dục của lợn. Vi khuẩn này có khả năng gây bệnh cho lợn và người.

Bệnh liên cầu lợn lây truyền qua các tổn thương, trầy xước trên da của những người giết mổ, chế biến và ăn thịt lợn bệnh chưa nấu chín. Người nhiễm liên cầu lợn có thể bị nhiễm trùng, nhiễm độc tiêu hóa, sốt, xuất huyết, viêm màng não. Khi trở nặng, bệnh gây sốc nhiễm khuẩn, rối loạn đông máu, suy hô hấp, suy đa tạng dẫn tới tử vong.

Đáng chú ý, bệnh liên cầu lợn diễn biến nặng rất nhanh. Chỉ vài giờ sau khi có triệu chứng đau bụng, buồn nôn, nôn hoặc nổi các ban trên người. Điều trị bệnh liên cầu lợn cũng rất khó khăn, người bệnh thường phải nằm ở khoa hồi sức tích cực trong vài tuần. Thậm chí, nếu nhập viện khi đã nặng, bệnh nhân có nguy cơ bị hoại tử da, tay, mặt và di chứng nặng trên cơ thể như điếc tai, ngón tay phải cắt cụt.

Để phòng nhiễm liên cầu khuẩn lợn, Bộ Y tế khuyến cáo, người dân không nên ăn tiết canh, nội tạng lợn, các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín; không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề… Ngoài ra, người dân không được mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn bệnh, lợn chết; tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết theo đúng quy định. Người dân cũng không nên mua thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.

"Bệnh liên cầu lợn diễn biến cực kỳ nhanh chóng, gây sốc nhiễm khuẩn, hôn mê và suy đa tạng. Người nhiễm bệnh liên cầu lợn gồm 3 thể nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ hoặc kết hợp cả hai. Tùy từng thể mà bệnh diễn biến nặng hay nhẹ, có trường hợp ngay từ đầu nhiễm khuẩn đã nặng." - Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, PGS.TS Trần Đắc Phu

Nguồn: kinhtedothi.vn