Aspirin dự phòng bệnh tim mạch, kê đơn cần dựa trên lợi ích và nguy cơ của từng người bệnh

ngày 20/01/2022

Một đánh giá mới đây cho thấy, các bác sĩ khi kê đơn aspirin để ngăn ngừa bệnh tim mạch không chỉ đơn thuần dựa trên tuổi tác...mà cần dựa trên tỷ lệ lợi ích và nguy cơ của từng người bệnh.

1. Kê đơn aspirin cần cân nhắc bằng chứng giữa lợi ích và rủi ro của người bệnh

Hướng dẫn gần đây của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ đã hạn chế dùng aspirin (ASA) trong phòng ngừa ban đầu bệnh tim mạch (CVD) cho bệnh nhân <70 tuổi và hướng dẫn gần đây nhất của Nhóm Đặc nhiệm dịch vụ Dự phòng Hoa Kỳ khuyến cáo hạn chế dùng aspirin đối với người dưới <60 tuổi.

Tuy nhiên một nghiên cứu mới lại cho thấy, việc kê đơn aspirin phòng ngừa bệnh tim mạch cần đánh giá giữa lợi ích và rủi ro trên từng bệnh nhân, chứ không phải tuổi tác.

TS Kyungmann Kim, Đại học Wisconsin-Madison và các đồng nghiệp đã tiến hành phân tích các tài liệu một cách hệ thống để xác định các thử nghiệm ngẫu nhiên, mù đôi có đối chứng giả dược giai đoạn 3 về aspirin trong phòng ngừa ban đầu bệnh tim mạch (CVD).

Dựa trên bốn thử nghiệm đã xác định và sáu thử nghiệm từ ATT (The Antithrombotic Trialists - các nhà thử nghiệm chống huyết khối), các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng aspirin làm giảm 13% CVD có ý nghĩa thống kê, với những lợi ích tương tự được thấy ở các độ tuổi lớn hơn trong mỗi thử nghiệm. Với> 10% nguy cơ tuyệt đối đối với bệnh tim mạch, lợi ích của aspirin nói chung vượt trội hơn nguy cơ chảy máu (tác dụng phụ của thuốc) đáng kể.

Quan điểm của AAT là, các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cần đánh giá lâm sàng cá nhân trong việc kê đơn aspirin phòng ngừa sơ cấp CVD. Điều này cần dựa trên bằng chứng là cân nhắc tất cả các lợi ích và rủi ro tuyệt đối trên người bệnh thay vì tuổi tác. Chiến lược này sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cho nhiều bệnh nhân hơn.

Cân nhắc dùng aspirin ngừa bệnh tim mạch cần cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro…

2. Aspirin là thuốc gì?

Aspirin là một salicylate, hoạt động bằng cách làm giảm các chất gây đau, sốt, và viêm trong cơ thể.

Aspirin được sử dụng để điều trị đau và giảm sốt hoặc viêm; đôi khi được sử dụng để điều trị hoặc ngăn ngừa các cơn đau tim, đột quỵ, hoặc đau thắt ngực…

Aspirin chỉ nên được sử dụng phòng ngừa CVD dưới sự kê đơn và giám sát của bác sĩ.

3. Những ai không nên dùng aspirin?

- Không nên sử dụng aspirin ở người bị rối loạn chảy máu như bệnh máu khó đông, tiền sử chảy máu dạ dày hoặc ruột gần đây, hoặc nếu bị dị ứng với NSAID (thuốc chống viêm không steroid)…

- Không dùng aspirin cho trẻ em hoặc thanh thiếu niên bị sốt, các triệu chứng cúm hoặc thủy đậu. Vì salicylat có thể gây ra hội chứng Reye, một tình trạng nghiêm trọng và đôi khi gây tử vong ở trẻ em.

- Để đảm bảo dùng thuốc này an toàn, người bệnh cần cho bác sĩ biết nếu có: Hen suyễn hoặc dị ứng theo mùa; viêm loét dạ dày; bệnh gan; bệnh thận; chảy máu hoặc rối loạn đông máu; bệnh gout; hoặc là bệnh tim, tăng huyết áp hoặc suy tim sung huyết.

- Dùng aspirin trong giai đoạn cuối thai kỳ có thể gây chảy máu cho mẹ hoặc con trong khi sinh.Cho bác sĩ biết nếu bạn đang mang thai hoặc dự định có thai.

- Aspirin có thể đi vào sữa mẹ và có thể gây hại cho em bé bú, không nên cho con bú trong khi sử dụng thuốc này.

Không nhai thuốc đối với viên nén tác dụng kéo dài.

4. Cách dùng aspirin an toàn

Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc, và tuân theo các khuyến cáo sử dụng trên nhãn (hoặc chỉ định của thày thuốc). Không tự ý tăng hoặc giảm liều dùng.
Uống cùng với thức ăn nếu aspirin làm rối loạn dạ dày.
Đối với viên nhai, cần nhai thuốc trước khi nuốt.
Không nghiền, nhai, bẻ, hoặc mở viên thuốc bao tan trong ruột hoặc viên giải phóng chậm, kéo dài. Nuốt toàn bộ viên thuốc với nước.
Nếu bạn cần phẫu thuật, hãy nói trước với bác sĩ phẫu thuật rằng bạn đang sử dụng thuốc này. Bạn có thể phải ngừng sử dụng nó trong một thời gian ngắn.
Không sử dụng aspirin nếu bạn ngửi thấy mùi giấm nồng nặc trong chai, vì thuốc có thể không còn đảm bảo chất lượng, không còn hiệu quả điều trị.

Các triệu chứng khi dùng quá liều thuốc có thể bao gồm đau dạ dày, nôn mửa, tiêu chảy, các vấn đề về thị lực hoặc thính giác, thở nhanh hoặc chậm hoặc lú lẫn.

5. Những điều cần tránh khi dùng aspirin

Tránh uống rượu khi đang dùng aspirin, vì uống nhiều rượu bia có thể làm tăng nguy cơ xuất huyết dạ dày.
Nếu người bệnh đang dùng thuốc aspirin để ngăn ngừa đau tim hoặc đột quỵ, hãy tránh dùng cả ibuprofen (một thuốc chống viêm không steroid- NSAID). Ibuprofen có thể làm cho thuốc aspirin kém hiệu quả hơn trong việc bảo vệ tim và mạch máu của người dùng.
Hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc cảm lạnh, dị ứng hoặc giảm đau nào, vì nhiều loại thuốc bán không cần đơn cho các tình trạng trên có chứa aspirin hoặc NSAID. Dùng một số sản phẩm có cùng hoạt chất hoặc cùng NSAID có thể dẫn đến tình trạng dùng quá nhiều loại thuốc này. Kiểm tra nhãn để xem liệu thuốc có chứa aspirin, ibuprofen, ketoprofen, naproxen hoặc NSAID hay không.

6. Tác dụng phụ của aspirin

Các tác dụng phụ phổ biến của aspirin có thể bao gồm:

Đau bụng, ợ chua
Buồn ngủ
Nhức đầu nhẹ…

Các dấu hiệu của phản ứng dị ứng với aspirin cần cấp cứu:

Nổi mề đay
Khó thở
Sưng mặt, môi, lưỡi hoặc cổ họng…
Ngừng sử dụng thuốc này và gọi cho bác sĩ ngay nếu bạn có:
Ù tai, lú lẫn, ảo giác, thở nhanh, co giật;
Buồn nôn, nôn hoặc đau dạ dày nghiêm trọng;
Phân có máu hoặc nhầy, ho ra máu hoặc chất nôn trông giống như bã cà phê;
Sốt kéo dài hơn 3 ngày;
Hoặc sưng, đau kéo dài hơn 10 ngày.

7. Đề phòng tương tác thuốc bất lợi

Các loại thuốc có thể tương tác với aspirin, bao gồm thuốc theo đơn, thuốc không kê đơn, vitamin và các sản phẩm thảo dược...

Hãy hỏi bác sĩ trước khi sử dụng aspirin nếu người bệnh dùng:

Thuốc chống trầm cảm như citalopram, escitalopram, fluoxetine (Prozac), fluvoxamine, paroxetine, sertraline (zoloft), trazodone hoặc vilazodone.
Dùng bất kỳ loại thuốc nào trong số này với NSAID có thể khiến bạn dễ bị bầm tím hoặc chảy máu.
Hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ xem liệu bạn có thể sử dụng thuốc này an toàn nếu bạn cũng đang sử dụng bất kỳ loại thuốc nào sau đây:
Thuốc làm loãng máu (warfarin, coumadin), hoặc các thuốc khác được sử dụng để ngăn ngừa cục máu đông;
Các salicylat khác…

DS. Nguyễn Thu Giang

Nguồn: https://suckhoedoisong.vn//aspirin-du-phong-benh-tim-mach-ke-don-can-dua-tren-loi-ich-va-nguy-co-cua-tung-nguoi-benh-169220120141605362.htm