Ngày 14/9, lãnh đạo Cục Quản lí Dược (Bộ Y tế) cho biết, Bộ Y tế sẽ đề xuất với Chính phủ để có cơ chế đặc thù đối với việc mua sắm, dự trữ một số loại thuốc hiếm đảm bảo nhu cầu điều trị.
Đề xuất thành lập kho thuốc hiếm
Trước thực tế tại Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) và nhiều bệnh viện lớn thiếu các thuốc giải độc, Bộ Y tế cho biết đang hướng dẫn các bệnh viện đặt đơn hàng, Cục Quản lí Dược sẽ tìm nguồn cung.
Theo các chuyên gia y tế thuốc giải độc thuộc các thuốc quan trọng nhưng thường là rất hiếm, thuộc danh mục thuốc hiếm, có nhu cầu sử dụng rất ít và chỉ sử dụng theo chỉ định đặc biệt ở một số cơ sở y tế. Các thuốc này không sẵn có về nguồn cung ứng trên phạm vi toàn thế giới.
Vì vậy tại Nghị định số 54/2017 của Chính phủ và Thông tư số 26/2019 của Bộ Y tế quy định, hướng dẫn về thuốc hiếm và nhập khẩu đối với thuốc hiếm, thuốc cho nhu cầu điều trị đặc biệt của cơ sở khám chữa bệnh.
“Để có thể đảm bảo có các thuốc hiếm phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh, các cơ sở khám chữa bệnh phải hết sức chủ động và có kế hoạch kịp thời trong việc xác lập nhu cầu, phối hợp chặt chẽ với cơ sở cung ứng, cơ sở nhập khẩu thuốc”, đại diện Cục Quản lí Dược nói.
Nhiều loại thuốc dùng cho điều trị bệnh nhân trúng độc Việt Nam không dự trữ
PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, tình trạng thiếu một số thuốc giải độc thuộc danh mục thuốc hiếm không chỉ diễn ra tại Bệnh viện Bạch Mai mà ở nhiều bệnh viện khác trong cả nước.
Sau khi rà soát lại và thống kê các thuốc hiếm tại Bệnh viện Bạch Mai cho thấy, nhiều khi cả năm không có bệnh nhân nào liên quan đến sử dụng thuốc này, nhưng có khi đột xuất lại có nhiều ca bệnh.
“Các thuốc hiếm, như: huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia, thuốc giải độc cho người bị ngộ độc clostridium botulinum, giải độc cho bệnh nhân ngộ độc asen, thủy ngân... hiện chưa có kho hay trung tâm nào dự trữ cố định. Trong khi đó các công ty nhập khẩu kinh doanh cũng rất ít khi nhập khẩu dự trữ sẵn”, PGS.TS Đào Xuân Cơ thông tin.
Theo Thông tư 26/2021/TT-BYT, thuốc giải độc là thuốc hiếm. Do đó, sau khi bệnh viện lập đơn hàng khẩn cấp, Cục Quản lí Dược sẽ giải quyết trong vòng 24-72 giờ tùy theo sự sẵn có của mặt hàng. Cục Quản lí Dược đang hướng dẫn bệnh viện khẩn trương lập đơn hàng, tìm kiếm nguồn cung để bổ sung cho người bệnh.
Năm 2020, khi xảy ra ngộ độc hàng loạt liên quan đến pate Minh Chay, do không có sẵn loại thuốc giải độc này, Bệnh viện Bạch Mai đã báo cáo Bộ Y tế.
Được sự giúp đỡ của Bộ Y tế, Cục Quản lí Dược, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Thái Lan, WHO tại Việt Nam, Bệnh viện mới mua được 2 lọ thuốc giải độc đặc hiệu Clostridium botulinum từ Thái Lan về Việt Nam với giá 8.000 USD/lọ.
Ngay từ thời điểm đó, Bệnh viện Bạch Mai đã kiến nghị Nhà nước phải có cơ chế đưa thuốc giải độc này vào danh mục thuốc “mồ côi”, thuốc hiếm, đồng thời phải có kho dự trữ và điều phối thuốc hiếm quốc gia, khi có bệnh nhân thì điều phối cho cả nước.
Hiện bệnh viện đã giao cho các chuyên gia đầu ngành thống kê lại nhu cầu thuốc hiếm, thuốc giải độc; đồng thời bệnh viện cũng đã có văn bản kiến nghị Bộ Y tế, đề xuất thành lập kho dự trữ các thuốc hiếm. Kho dự trữ này có thể đặt ở một trong số bệnh viện có đơn vị điều trị chống độc ở 3 miền để sẵn sàng điều phối đến các bệnh viện toàn quốc khi có người bệnh cần sử dụng.
Về phía Cục Quản lí Dược, ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng cho biết đã hướng dẫn Bệnh viện Bạch Mai để thực hiện việc xác định nhu cầu, liên hệ với các cơ sở nhập khẩu để lập đơn hàng nhập khẩu. Khi nhận được đơn hàng nhập khẩu thuốc cho nhu cầu điều trị đặc biệt của cơ sở khám chữa bệnh, Cục Quản lí dược luôn ưu tiên giải quyết.
Được biết hiện Cục Quản lí Dược đã cấp giấy phép nhập khẩu một số huyết thanh kháng nọc rắn cho nhu cầu điều trị đặc biệt của các bệnh viện nhưng chưa thấy có đề nghị đối với huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia.
Trước đó, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ về tình trạng thiếu một số thuốc giải độc, gây ảnh hưởng điều trị người bệnh.
Cụ thể bệnh nhi nam T.Q.T. (Bắc Ninh) hôn mê, liệt rất nặng do rắn cạp nia cắn. Theo các bác sĩ, vì thiếu thuốc giải độc, những bệnh nhân bị rắn độc cắn như thế này có thể phải thở máy từ 2 tuần đến một tháng. Trong khi nếu có thuốc, chỉ cần 2-3 ngày, bệnh nhân có thể ra viện.
Trung tâm Chống độc cũng điều trị cho 2 trẻ được chẩn đoán là ngộ độc asen - một loại chất rất độc. Hai bệnh nhi đã được sử dụng 2 loại thuốc giải độc đơn giản nhưng thuốc này lại có tác dụng phụ nhiều và gây dị ứng. Hiện Trung tâm này không còn thuốc hiếm nào để thải asen ra khỏi cơ thể.
Sắp có vắc xin sởi, DPT miễn phí cho trẻ
Liên quan thông tin về thiếu vắc xin sởi và vắc xin DPT (bạch hầu, ho gà, uốn ván) trong chương trình tiêm chủng mở rộng miễn phí cho trẻ em, ngày 14/9, PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết tình trạng thiếu vắc xin bắt đầu từ tháng 8.
Cụ thể, đây là hai vắc xin trong nước, cung ứng theo đơn đặt hàng để các đơn vị sản xuất. Trong đó, vắc xin sởi do Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế (POLYVAC) sản xuất; vắc xin DPT của Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế (IVAC) sản xuất.
Theo PGS.TS Dương Thị Hồng, các nhà cung cấp này đều có sẵn vắc xin trong kho song không thể tiến hành mua bán, cung ứng do vướng mắc các thủ tục theo quy định hiện hành. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng đã báo cáo Bộ Y tế và đang nỗ lực phối hợp với Bộ Tài chính để sớm hoàn tất các thủ tục nhằm cung ứng kịp thời vắc xin cho địa phương.
Nguồn: tienphong.vn