Dinh dưỡng đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình điều trị bệnh ung thư gan. Người bệnh ung thư gan cần lưu ý gì trong ăn uống?
1. Vai trò của dinh dưỡng với người ung thư gan
Ung thư gan là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất trên toàn thế giới. Đây là loại ung thư mà các tế bào ác tính phát sinh từ các mô trong gan.
Trong cơ thể chúng ta, gan có chức năng rất quan trọng giúp lọc các độc tố có hại khỏi máu. Thêm vào đó gan còn chịu trách nhiệm bài tiết mật, chất cần thiết trong quá trình tiêu hóa. Khi bị ung thư gan, chức năng gan suy giảm, điều này có tác động xấu đến cơ thể người bệnh.
Một trong những cách tốt nhất để làm chậm sự tiến triển của bệnh, giúp bảo vệ gan trước những tổn thương của thuốc điều trị, xạ trị giúp người bệnh cải thiện thể lực, nhanh chóng hồi phục là duy trì một chế độ dinh dưỡng lành mạnh, hợp lý. Chế độ dinh dưỡng đúng sẽ giúp làm giảm gánh nặng cho gan và còn tạo điều kiện để tái tạo tổ chức gan, ngăn ngừa sự hủy hoại thêm tế bào gan.
Chán ăn và sụt cân là hai trong số những biểu hiện thường gặp nhất ở những người mắc ung thư gan, khiến người bệnh thường bị suy dinh dưỡng làm giảm phản ứng của cơ thể đối với các phương pháp điều trị ung thư. Một chế độ dinh dưỡng phù hợp sẽ góp phần tăng thêm thể lực, sức đề kháng nâng cao hiệu quả điều trị bệnh. Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc kéo dài cuộc sống và cải thiện chất lượng sống cho người bệnh ung thư gan.
2. Chế độ ăn uống cho người ung thư gan
Người bệnh ung thư gan phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong quá trình điều trị. Chính vì thế việc xây dựng một chế độ ăn cho người ung thư gan hỗ trợ giúp tăng cơ hội hồi phục sức khỏe trong quá trình điều trị là vô cùng cần thiết. Vậy người ung thư gan nên ăn gì và kiêng gì?
Dưới đây là một số lưu ý trong chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân để quá trình điều trị trở nên thuận lợi hơn:
Những thực phẩm người ung thư gan nên ăn
- Ăn nhiều trái cây và rau quả tươi: Loại thực phẩm này chứa nhiều vitamin và khoáng chất thiết yếu cho cơ thể, giúp tăng cường hệ thống miễn dịch. Ngoài ra, trong trái cây và rau quả tươi giàu chất chống oxy hóa, giúp chống lại bệnh tim mạch, đột quỵ, ngăn ngừa ung thư. Nguồn chất xơ dồi dào trong rau xanh và hoa quả giảm táo bón.
Một số loại trái cây tốt cho bệnh ung thư gan: Dâu tây, cam, ớt chuông đỏ… Một số loại rau nên ăn: Bí, cà rốt và bắp cải, bông cải xanh…
- Sữa và sữa chua: Trong thực đơn chế độ ăn cho người ung thư gan không thể bỏ qua các sản phẩm từ sữa và sữa chua. Đây là nguồn cung cấp protein có giá trị sinh học cao, các khoáng chất và vitamin cần thiết cho cơ thể, lợi khuẩn từ sữa chua giúp tiêu hóa tốt và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
- Ngũ cốc nguyên hạt: Các loại ngũ cốc là những carbohydrate quan trọng cung cấp cho cơ thể, giúp sản sinh glucose – nguồn năng lượng cho các tế bào. Một số ngũ cốc nên ăn: Gạo lứt, yến mạch, ngô, vừng... các loại hạt giàu chất béo như: Hạt điều, macca, hạnh nhân…là nguồn cung cấp các acid béo chưa no quan trọng.
- Trà: Trà xanh và đen là một nguồn polyphenols, một nhóm các chất chống oxy hóa có thể giúp ngăn chặn sự phân chia và di căn của các tế bào ung thư.
- Thịt trắng: Các nghiên cứu khác nhau trên thế giới đều khẳng định việc tiêu thụ các loại thịt trắng thay cho thịt đỏ sẽ giúp cơ thể chống chọi với bệnh ung thư gan tốt hơn. Các loại thịt trắng như thịt gà, vịt, ngan… sẽ giúp chống chọi với bệnh ung thư gan tốt hơn.
Lưu ý trong quá trình chế biến thực phẩm tươi sống, nên chế biến các món ăn dưới dạng hấp, luộc để dễ tiêu hóa, hạn chế lượng dầu mỡ.
- Chia nhỏ bữa ăn: Người bệnh có thể chia nhỏ các bữa ăn mỗi ngày, thay vì 3 bữa lớn. Mỗi bữa ăn cách nhau từ 2-3 giờ với thực phẩm dễ tiêu hóa và lành mạnh. Ăn các bữa ăn nhỏ thường xuyên hơn trong ngày giúp gan và đường tiêu hóa hoạt động nhịp nhàng, không phải làm việc quá sức.
Lưu ý khi chế biến món ăn: Chế biến thực phẩm dạng luộc, hấp, ít mùi vị, mềm lỏng, dễ tiêu hóa như cháo, súp, sinh tố trái cây…
Những thực phẩm người bệnh ung thư gan nên tránh
- Thực phẩm giàu chất béo: Nên cố gắng tránh xa các thực phẩm chứa chất béo càng nhiều càng tốt. Việc tiêu thụ quá nhiều thực phẩm giàu chất béo có thể khiến cho gan mệt mỏi trong quá trình tiêu hóa thức ăn. Do đó, cần loại bỏ các món chiên, xào, rán… có nhiều dầu trong chế độ ăn cho người ung thư gan. Người mắc ung thư gan cần tránh các loại thịt béo như thịt bò, thịt cừu và thịt lợn nhiều mỡ…
- Thực phẩm chứa lượng muối cao: Tuyệt đối tránh xa các thực phẩm chứa hàm lượng muối cao, bởi hàm lượng muối cao trong cơ thể sẽ tích tụ dịch trong gan của bệnh nhân, từ đó góp phần làm trầm trọng thêm các triệu chứng ung thư gan. Do đó, trong thực đơn của người bệnh nên chế biến chế độ ăn gồm các món ăn nhạt.- Thực phẩm chế biến sẵn: Vì gan chịu trách nhiệm giải độc nên bệnh nhân ung thư gan nên tránh thực phẩm chế biến sẵn (thịt xông khói, xúc xích, giăm bông, mì ăn liền, nước ngọt có ga...) và thực phẩm có nhiều hóa chất để giảm tải và giải độc cho gan.
- Tránh rượu và đồ uống có cồn, có ga: Các loại đồ uống này cần được loại bỏ khỏi thực đơn khi mắc ung thư thư gan bởi chúng sẽ khiến gan phải làm việc căng thẳng, trong khi đó gan cũng đang bị bệnh cần được nghỉ ngơi.
3. Một số vấn đề người bệnh ung thư gan thường gặp và cách khắc phục
- Nôn, buồn nôn: Ngậm gừng trước khi ăn 30 phút, chế biến thức ăn dưới dạng luộc, hấp. Ăn thêm bánh mì nướng, bánh quy vào các bữa phụ để giảm cảm giác buồn nôn.
- Đầy bụng, chướng bụng, ăn không tiêu: Bổ sung các loại nước cháo gạo, nước gừng, bổ sung thêm sữa chua vào bữa phụ.
- Chán ăn: Chia nhiều bữa nhỏ trong ngày, chế biến hợp khẩu vị người bệnh, đa dạng món và trình bày món ăn bắt mắt. Nên bổ sung thêm các sản phẩm dinh dưỡng cao năng lượng trong thời kỳ này.
- Sốt cao: Uống nhiều nước, đặc biệt các loại nước bù điện giải; tăng cường các thức uống nhiều vitamin C như cam, bưởi ép, sữa chua… Ăn các loại thức ăn mềm, lỏng như súp, bún, phở, cháo… Sử dụng các gia vị có tính kháng khuẩn như tỏi, hạt tiêu, gừng, tía tô, rau diếp cá…
Chú ý, khi người bệnh không ăn được hoặc ăn uống thông thường không đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng thì phải có các phương pháp hỗ trợ nuôi dưỡng hoặc nuôi dưỡng thay thế.
Nguồn: suckhoedoisong