Mẹ stress chỉ vì con mắc căn bệnh mà trẻ nào mới đi lớp cũng gặp

ngày 05/11/2020

Mẹ stress chỉ vì con mắc bệnh mà trẻ nào mới đi lớp cũng gặp

Hội chứng nhà trẻ

“Trước con ở nhà với bà, bé không ốm nhiều như bây giờ. Cách đây 4 tháng, chị cho con đi mẫu giáo. Nhưng từ đó đến nay, không tháng nào con đi học đủ. Có tháng còn nghỉ liền 2 tuần. Lý do chỉ vì lúc thì tiêu chảy, khi thì viêm phế quản, viêm tai, khi khác thì sốt. Vợ chồng cứ phải thay nhau nghỉ. Mà nghỉ mãi không được, lấy đâu ra mà ăn”, chị Minh Anh than phiền.

Con ốm đau nhiều khiến chị Minh Anh cảm thấy strees trầm trọng thậm chí có những lần dỗ con không được chị đã không kiềm chế đánh con không tiếc tay. Chị bảo, “nói ra thì thấy mình không ra gì, nhưng thú thực lắm lúc tôi ghét con bé lắm. Nó làm tôi mệt mỏi triền miên”.

Theo các bác sĩ, tình trạng trẻ mới đi học hay mắc các bệnh lý nhiễm trùng hô hấp trên bao gồm cảm lạnh, viêm tai thứ phát… như trường hợp con chị Minh Anh khá phổ biến.

Bs Phí Xuân Thi, bác sĩ chuyên khoa Nhi bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh cho biết, ước tính trẻ em trung bình bị từ 6 đến 8 đợt bị nhiễm trùng hô hấp trên do virus mỗi năm.

“Điều đó có nghĩa là một số trẻ bị nhiều lần hơn, và một số trẻ thì ít hơn. Có vẻ tần suất trẻ ở nhà trẻ bị nhiễm trùng nhiều hơn vì trẻ tiếp xúc với nhiều người hơn và nhiều vi trùng hơn. Trẻ cũng có thể mắc 1 đến 2 đợt viêm dạ dày ruột (gastroenteritis) bao gồm nôn mửa hoặc tiêu chảy mỗi năm”, BS Xuân Thi nhận định.

Qua quá trình thăm khám, BS Thi nhận thấy những trẻ ở nhà càng lâu thì càng ít bị nhiễm trùng hơn. Ngược lại, vào thời điểm trẻ bắt đầu đi học mẫu giáo, những trẻ đi nhà trẻ có vẻ ít ốm hơn những trẻ ở nhà (không đi nhà trẻ).

“Nói cách khác, con bạn có khả năng bị ốm nhiều vào một thời điểm nào đó trong thời kỳ đầu đời của mình, vì vậy nếu không xảy ra trong những năm đầu đi nhà trẻ thì có khả năng xảy ra khi trẻ đi học mẫu giáo và lớp một”, BS Xuân Thi nhấn mạnh.

Cách nào giúp trẻ khỏe mạnh khi mới đi học

BS Xuân Thi cũng cho biết thêm, mặc dù cha mẹ thường khó chịu khi đứa trẻ bị ốm liên tục. Nhưng điều này cũng đừng làm bố mẹ quá lo lắng nếu trẻ đang ở nhà trẻ, lớn và phát triển bình thường, và không bị bất kỳ bệnh lý nhiễm trùng nghiêm trọng nào (như viêm phổi hoặc các bệnh lý nhiễm trùng khác cần nhập viện).

“Trong trường hợp này, trẻ không gặp bất cứ vấn đề gì với hệ thống miễn dịch của mình. Bố mẹ không nên quá lo lắng”, BS Xuân Thi cho biết.

Bởi vì, giữ trẻ ở nhà không phải là một sự lựa chọn. Đến độ tuổi theo quy định trẻ phải được đi học, đến trường… đó là quyền và lợi ích của trẻ. Tuy nhiên, bố mẹ có thể hỗ trợ để con có sức đề kháng tốt, khỏe mạnh để việc đến trường không còn gặp khó khăn.

Theo đó, để có một cơ thể có sức đề kháng tốt BS Xuân Thi khuyến cáo các bậc phụ huynh nên cho trẻ đi tiêm phòng cúm hàng năm, và tiêm đầy đủ các loại vaccin khác theo lịch tiêm chủng.

“Không cho trẻ mút ngón tay hoặc sử dụng vú giả khi trẻ lớn, vì ngón tay hoặc núm vú giả chứa nhiều vi khuẩn, và con đường tốt để lây các bệnh lý nhiễm trùng. Dạy trẻ thường xuyên rửa tay khi trẻ lớn hơn”, BS Xuân Thi nói.

Quan trọng nhất, cha mẹ hãy hiểu nhiễm trùng thì thường gặp, phổ biến ở trong 1 đến 2 năm đầu tiên của trẻ ở nhà trẻ và không nên quá lo ngại. Nếu không may trẻ bị ốm, hãy gọi cho bác sĩ của bạn để tìm ra giải pháp và hành động tốt nhất.

Tuy nhiên, nếu trẻ bị viêm tai tới 8 lần trở lên, hơn 2 lần viêm xoang nặng, từ hai lần viêm phổi nặng… trong năm hoặc từ hai tháng trở lên điều trị ít hiệu quả với thuốc kháng sinh, gia đình có tiền sử suy giảm miễn dịch nguyên phát… thì các bậc phụ huynh nên đưa con đến viện để được khám và thực hiện các xét nghiệm về các vấn đề miễn dịch.


Nguồn: Báo Infonet