Các trại giảm cân như 'địa ngục' ở Trung Quốc

ngày 15/06/2023

Tại các trại giảm cân, học viên phải tập thể dục từ 5 đến 7 giờ mỗi ngày, công khai cân nặng trên bảng tổng kết và chỉ được ăn một hộp sữa chua mỗi tối nếu không đạt mục tiêu.

Mùa hè đến gần, những mẩu quảng cáo quen thuộc lại tràn ngập khắp mạng xã hội Trung Quốc: trại giảm cân hứa hẹn thay đổi thân hình ngoạn mục trong vòng vài tuần. Những đoạn quảng cáo này đặt hình ảnh của người mẫu mảnh mai, bên cạnh người thừa cân, béo phì, ám chỉ tiêu chuẩn "mình hạc xương mai" vốn phổ biến tại Trung Quốc. Hầu hết trại kêu gọi phụ nữ trẻ ăn ít đi, tập thể dục nhiều hơn để có thể khoác lên những bộ cánh quyến rũ.

Tuy nhiên, cái chết bi thảm của một cô gái 22 tuổi, tên Cuihua vừa qua đã bóc trần mặt tối của các "địa ngục" giảm cân này. Với mục tiêu giảm 100 kg, cô tham gia một trại luyện tập ở Thiểm Tây và ghi lại hành trình của mình. Sau một thời gian, Cuihua cảm thấy khó chịu, mệt mỏi và phải vào bệnh viện. Đến 9/6, cô qua đời.

Đây chỉ là một trong nhiều trường hợp giảm cân bằng cách cực đoan của phụ nữ Trung Quốc. Các chương trình luyện tập cường độ cao trở nên phổ biến trong những năm gần đây. Chuyên gia liên tục cảnh báo về các hiểm họa và tác động lâu dài của chúng.

Chế độ tập luyện khắc nghiệt, thiếu dinh dưỡng và chỉ chú trọng đến ngoại hình có thể gây ra những rủi ro đối với sức khỏe thể chất và tinh thần. Chương trình tập luyện, ăn uống đại trà, thiếu cá nhân hóa không giải quyết được các thói quen lối sống bền vững.

Nguyên nhân các trại giảm cân mọc lên như nấm là tiêu chuẩn về hình thể ở Trung Quốc. Khẩu hiệu "thử thách mùa hè" trở thành xu hướng trên mạng xã hội, trong đó phụ nữ thường xuyên chia sẻ những bức ảnh tạo dáng ở bãi biển, với những bộ áo tắm quyến rũ.

Trên ứng dụng Xiaohongshu, hashtag liên quan đến chủ đề này thu hút 4,6 triệu lượt xem. Trong đó, nhiều bài đăng và video ủng hộ cách tiếp cận bền vững hơn đối với sức khỏe. Các cuộc thảo luận nhấn mạnh tầm quan trọng của việc áp dụng thói quen tập thể dục, ăn uống lành mạnh và ưu tiên thể chất cốt lõi hơn là "vẻ đẹp ngoại hình".

Tuy nhiên, những lời kêu gọi này dường như là chưa đủ với những phụ nữ ước mơ vóc dáng mảnh dẻ.

Chỉ quan tâm đến cân nặng

Liu Guanfu, quản lý trại tại DFFIT, cho biết mùa hè là thời gian kinh doanh cao điểm trong năm. Theo anh, các cơ sở này được lập ra để "giúp đỡ bậc cha mẹ đang lo lắng đối phó với tình trạng béo phì ở thanh thiếu niên".

Những trại huấn luyện tương tự nằm rải rác khắp Trung Quốc, với lời mời gọi có cánh và hàng loạt quảng cáo trên mạng. "Ai lại không muốn mình trông đẹp hơn, khoe cơ thể trong những bộ váy và giành chiến thắng ở những thử thách hình thể mùa hè", một huấn luyện viên tại cơ sở Thượng Hải nói.

Trong những tin nhắn trực tiếp với học viên của mình, họ đốc thúc bằng tông giọng khẩn trương: "Đã 5 tháng rồi, bạn không định luyện tập sao? Khi nào bạn mới bắt đầu. Mùa hè là mùa để mặc váy. Đã đến lúc kiểm soát cân nặng bản thân. Khi nào bạn mới bắt đầu hành trình trở thành một nữ thần?".

Tại một trại DFFIT ở Thượng Hải, mục tiêu duy nhất của học viên và các huấn luyện viên là sự thay đổi số đo hình thể. Mỗi ngày, họ được yêu cầu hoàn thành tối thiểu 5 đến 7 giờ tập aerobic. DFFIT công khai số đo của học viên trên các bảng tổng kết, nhấn mạnh tầm quan trọng của cân nặng.

"Để khuyến khích học viên luyện tập chăm chỉ hơn, chúng tôi dùng số cân nặng họ giảm được trong ngày để thi đấu xếp hạng. Người giảm được nhiều cân nhất được ăn một bữa tùy thích gọi là cheat meal", huấn luyện viên của trại cho biết. Các bữa ăn như vậy thường là bánh kẹp thịt hoặc gà rán.

Các học viên cũng được yêu cầu tải một ứng dụng nội bộ, ghi lại những thay đổi về cân nặng hàng ngày để theo dõi sự tiến bộ của chính họ và so sánh với những người khác.

DFFIT tự hào có ký túc xá lớn, sân bóng rổ ngoài trời, tòa nhà đào tạo toàn diện được phân khu, có sức chứa tới hàng trăm học viên. Trong phòng aerobic, hàng chục máy tập xếp sát nhau, chỉ để lại lối đi hẹp.

Ở sảnh chính, một loạt biểu ngữ giới thiệu quá trình biến đổi của từng học viên, hiển thị rõ tên, hình ảnh, cân nặng và thời gian giảm cân. Chúng thu hút sự chú ý của người xem, đặc biệt khi thấy nhiều người giảm thành công từ mức hơn 100 kg.

Những hình ảnh kiểu "trước - sau" này đặc biệt có tác động khi đăng tải trên mạng xã hội. Vào năm 2022, một phụ nữ tên Wang Zhaojun đã gây chú ý sau khi giảm thành công hơn 150 kg trong 18 tháng tại trại DFFIT ở Diêm Thành, phía đông tỉnh Giang Tô.

Amy Yao, 29 tuổi, là một trong số nhiều phụ nữ đã đăng ký trại huấn luyện sau khi bị cám dỗ bởi những quảng cáo như vậy. Cô nặng khoảng 105 kg, khó khăn khi đáp ứng nhu cầu thể chất trong công việc nhiếp ảnh gia. Cô cũng thường bị chế giễu vì cân nặng của mình trong suốt những năm tháng thiếu niên. Cha Yao thậm chí gợi ý cô phẫu thuật thu nhỏ dạ dày.

Sau hai tháng chăm chỉ luyện tập theo chương trình, Yao giảm 14 kg. Nhưng đây không phải thành tích tốt đối với huấn luyện viên của cô. Cô cho biết các trại giảm cân thường ưu tiên học viên có thân hình ban đầu quá khổ, bởi sự biến đổi của họ mang lại kết quả ấn tượng và danh tiếng cho trung tâm.

Tại hàng ngàn trại giảm cân trên khắp đất nước, phụ nữ như Yao là mục tiêu chính. Nhiều người giảm cân vì tự ti, số khác muốn trông đẹp hơn trước những dịp quan trọng. Điểm chung của họ là chỉ chú ý đến số cân nặng.

Chen Zujian, một huấn luyện viên có sáu năm kinh nghiệm tại hai trại giảm cân khác nhau, cho biết hơn 90% khách hàng của anh hiện là phụ nữ nặng từ 50 đến 75 kg. Họ có tiêu chuẩn cao và luôn muốn trông xinh đẹp. Nếu số cân nặng không nhanh chóng thay đổi trong vài ngày, họ thường cảm thấy thất vọng. Nhiều người đứng lên cân ngay lập tức sau các buổi tập, tối sầm mặt mũi nếu thấy cân nặng không suy chuyển.

Chen Chu, Chuyên gia Dinh dưỡng Thể thao từ Hiệp hội Dinh dưỡng Thể thao Quốc tế (CISSN) lo ngại về chế độ tập luyện trong các trại này. Ông cho biết học viên thường không có thói quen tập luyện từ trước, dễ kiệt sức khi được yêu cầu tập thể dục 5 tiếng mỗi ngày. Theo ông, đây là thời lượng quá dài, ngay cả với các vận động viên chuyên nghiệp.

Chế độ ăn kiểu bỏ đói

Theo Yao, nếu các học viên không đạt được mục tiêu cân nặng đề ra, họ bị cắt giảm khẩu phần ăn, chỉ được cung cấp một hộp sữa chua 350ml mỗi tối. Dù vậy, trong nhiều đoạn quảng cáo trên mạng xã hội, các trại khẳng định thức ăn cho học viên được chuyên gia dinh dưỡng tính toán và chuẩn bị. Điều họ không đề cập là khẩu phần ăn của tất cả học viên đều giống nhau, bất chấp sự khác biệt về chiều cao và cân nặng.

Sau khi xem xét thực đơn mẫu do một trại giảm cân hàng đầu cung cấp, Wang Jialu, chuyên gia dinh dưỡng tại Bệnh viện Renji trực thuộc Trường Y khoa Đại học Giao thông Thượng Hải, bày tỏ sự lo lắng. Theo bà, chế độ ăn kiêng "nhìn chung là tốt" vì chúng cung cấp nhiều loại thực phẩm như thịt, rau, ngũ cốc, trái cây, đậu nành và nấm. Tuy nhiên, lượng thịt, cá, sữa duy trì cả tuần dường như không đủ. Chế độ này có thể khiến nhiều người bị sốc.

Theo bà, thực đơn nên được thiết kế riêng, phù hợp với trao đổi chất của từng học viên.

"Thật nguy hiểm khi bạn đốt rất nhiều calo nhưng không ăn đủ trong một thời gian dài. Sau hai ba tuần, bạn sẽ chết đói. Cơ thể bạn sẽ không hiểu và thích nghi kịp, tỷ lệ trao đổi chất giảm gây ra nhiều vấn đề", bà nói.

Theo Chen, cách giảm cân chỉ tập trung vào kết quả này là không bền vững, vì nó khiến một số người ăn nhiều hơn để bù đắp. Điều này khiến họ phải quay lại trại hết lần này đến lần khác vì cân nặng tăng, giảm liên tục.

Yao đã cố gắng hết sức để hình thành thói quen ăn uống mới trong trại. Nhưng khi trở về nhà và dùng bữa cùng gia đình trước một bàn đầy bánh, cơm và mì, cô gần như không thể kiềm chế được.

Giống với nhiều học viên đã rời trại, Yao nhanh chóng tăng lại số cân nặng ban đầu. Lần này, cô quyết định không quay trở lại trại huấn luyện nữa. Nhưng khác với Yao, một số người sẵn sàng sống chung với chế độ ăn uống và tập thể dục cực đoan đến khi kiệt sức. Theo bà Chen, các hậu quả để lại rất khôn lường.

"Không có con đường tắt nào để đi đến giảm cân. Nó là kết quả tự nhiên của những thói quen lành mạnh, nhất quán hàng ngày", bà nói.

Chuyên gia dinh dưỡng Wang Jialu đồng tình với ý kiến này. Bà cho biết giảm cân quá nhanh có thể dẫn đến tăng cân không kiểm soát trong thời gian ngắn, khiến nhiều người bị rối loạn nội tiết tố.

Nguồn: VnExpress