Ăn gì để giảm nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng

ngày 08/06/2021

Theo một khảo sát gần đây thì 64% người Việt Nam tin rằng chế độ ăn là yếu tố gây ung thư, ngược lại, chỉ có 39% người Úc tin vào điều này. Vậy có các bằng chứng khoa học nào đã chứng minh mối liên quan này. Đối với ung thư đại trực tràng, chế độ ăn lành mạnh và hoạt động thể chất nhiều đã được chứng minh là các yếu tố giúp làm giảm tần suất mắc bệnh. Các loại thức ăn như cá, axit béo chưa bão hòa (dầu ô lưu, dầu hạt cải, Omega-3), sữa, chất xơ, ngũ cốc nguyên hạt, tỏi, rau không chứa tinh bột, rau họ cải giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư đại trực tràng.

Một số loại thức ăn giúp giảm nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng

Ngược lại, chế độ ăn nhiều thịt đỏ, thịt đã qua xử lý (thịt nguội, thịt xông khói, xúc xích…), hút thuốc lá, uống nhiều rượu, thiếu vitamin D, ít vận động, ăn ít rau và trái cây, và chỉ số khối cơ thể (BMI) cao làm tăng khả năng mắc ung thư đại trực tràng. Và khi đã bị mắc ung thư đại trực tràng thì 07 loại thực phẩm sau đây cần tránh và không nên được sử dụng: thức ăn có độ đường cao (kẹo ngọt, nước ngọt..), thức ăn chứa nhiều chất béo bão hòa (thịt cừu, bơ, snack…), đồ chiên rán, đồ uống có ga, cà phê, rượu, thịt đã qua xử lý.

Một báo cáo từ dự án cập nhật liên tục (CUP) của Hoa kỳ xác định việc duy trì cân nặng hợp lý, tăng cường hoạt động thể chất (thông qua giải trí, nghề nghiệp và đi lại) và chế độ ăn uống điều độ có liên quan chặt chẽ đến giảm nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng. CUP khuyến cáo nên dùng thức ăn từ tự nhiên hơn là các thực phẩm chức năng, đặc biệt là thiếu vitamin D có liên quan đến tăng nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng. Một nhóm lớn các chuyên gia quốc tế đã thực hiện nghiên cứu tổng hợp (IARC) từ 800 các nghiên cứu dịch tễ về mối liên quan giữa việc tiêu thụ thịt đỏ và thịt đã qua xử lý. IARC đã xác định rằng thịt đỏ và thịt đã qua xử lý là tác nhân sinh ung thư đại trực tràng.

Một số loại thức ăn làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng

Hút thuốc lá đã được xác định là yếu tố nguy cơ của nhiều loại ung thư (ung thư phổi, khoang miệng, thực quản…). Tác động của hút thuốc lá đến ung thư đại trực tràng được xác định trên kết quả của nghiên cứu CPS-II. Nghiên cứu này thực hiện trên 1.184.657 người trên 30 tuổi cho thấy tỷ lệ tử vong do ung thư đại trực tràng cao nhất ở nhóm người đang hút thuốc, tiếp theo là ở nhóm người đã từng hút thuốc và thấp nhất ở nhóm người không hút thuốc. Nguy cơ bị ung thư đại trực tràng tăng lên ở nhóm hút thuốc hơn 20 năm (cả nam và nữ) so với nhóm không hút.

Uống rượu cũng là một yếu tố gây ra nhiều loại ung thư trong đó có ung thư đại trực tràng. Một phân tích gộp từ 61 nghiên cứu độc lập đã cho thấy mối liên quan giữa mức độ uống rượu với khả năng bị mắc ung thư đại trực tràng. So sánh với những người không hoặc rất ít uống rượu thì nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng của những người uống rượu mức độ trung bình (từ 12,6 đến 49,9 gram ethanol/ngày) là 21% và uống rượu mức độ nhiều (trên 50 gam ethanol/ngày) là 52%.

Vì vậy, để góp phần làm giảm nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng thì mọi người nên thực hiện chế độ ăn hợp lý, tăng cường hoạt động thể chất, bỏ thuốc lá và hạn chế tối đa sử dụng rượu.

Bác sỹ Phạm Thị Tuyết Nhung

Khoa Hóa trị và bệnh máu, Viện Ung thư, Bệnh viện TƯ Quân đội 108

Nguồn PetroTimes