Thực phẩm giúp bổ não cho F0 khỏi bệnh

ngày 25/04/2022

Một chế độ ăn lành mạnh sẽ giúp phục hồi cơ thể, cải thiện trí nhớ, ngăn chặn sa sút trí tuệ, đẩy nhanh quá trình phục hồi của não sau Covid-19.

Theo chuyên trang y khoa Medical News Today, Covid-19 có thể ảnh hưởng đến chức năng nhận thức thần kinh và có thể làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ.

Chứng sa sút trí tuệ là hội chứng làm tổn thương các tế bào não và ảnh hưởng đến chức năng nhận thức của não, dẫn đến khó ghi nhớ, suy nghĩ và tập trung.

Một nghiên cứu của Đại học Oxford cũng đã phát hiện ra rằng Covid-19 có thể khiến não co lại, giảm chất xám ở các vùng kiểm soát cảm xúc và trí nhớ, đồng thời làm hỏng các vùng kiểm soát khứu giác.

“Nhớ nhớ, quên quên” hậu Covid-19

Sau khi khỏi Covid-19, một số ít người có tình trạng thiếu tập trung, suy giảm trí nhớ, hay quên, đây có thể là những sương mù não hậu Covid-19.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một trong các triệu chứng hậu Covid-19 kéo dài thường gặp là chứng sương mù não, nhận thức kém, đọc chậm, giảm trí nhớ ngắn hạn, thay đổi tâm trạng.

Sương mù não hậu Covid-19 có thể làm cản trở tới công việc cũng như học tập của người bệnh. Ảnh: Healthdigest.

Sương mù não (brain fog) là thuật ngữ được sử dụng để mô tả cảm giác mơ hồ về tinh thần, ảnh hưởng theo nhiều cách khác nhau. Theo Huff Post, sương mù não hậu Covid-19 tác động nghiêm trọng tới khả năng suy nghĩ rõ ràng của một người nào đó.

Một số bệnh nhân mắc chứng sương mù não cho biết họ không thể tập trung hoặc suy nghĩ rõ ràng. Một số khác rơi vào tình trạng “nhớ nhớ, quên quên” hoặc mất nhiều thời gian hơn để làm các công việc hàng ngày.

Thậm chí, biểu hiện khó tập trung chú ý, khó ghi nhớ mọi thứ hoặc cảm thấy kiệt quệ về mặt tinh thần thường xuyên xảy ra.

Trong hầu hết trường hợp, chứng sương mù não sẽ biến mất sau vài tuần hay vài tháng mà không cần điều trị. Nhưng ở một số bệnh nhân, nó có thể tồn tại lâu hơn.

Ăn gì tốt cho não?

WHO cho biết hiện nay chưa có liệu pháp điều trị bằng thuốc cụ thể với những người mắc hậu Covid-19. Tuy nhiên, việc chăm sóc toàn diện bao gồm cả phục hồi chức năng có thể có tác dụng đối với người mắc các hội chứng này.

Trong đó, một chế độ ăn lành mạnh sẽ giúp phục hồi cơ thể, cải thiện trí nhớ, đẩy nhanh quá trình phục hồi của não. Bổ sung một số thực phẩm sau sẽ có tác dụng tốt cho não bộ của bạn:

1. Bổ sung Axit béo omega-3 từ cá béo: Theo Tiến sĩ Jaycie Loewen (nhà khoa học thần kinh lâm sàng đã nhận bằng Tiến sĩ Khoa học thần kinh tại Đại học Utah) một chế độ ăn giàu đường, chất béo bão hòa hoặc nhiều calo có hại cho chức năng thần kinh vì chúng làm tăng mức độ căng thẳng oxy hóa và cản trở các chức năng nhận thức.

Axit béo omega-3 có trong các loại cá béo rất cần thiết để hỗ trợ chức năng tế bào thần kinh. Ảnh: Maplewood Senior Living.

Ngược lại, một số loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng sẽ giúp não bộ hoạt động trơn tru. Axit béo omega-3 rất cần thiết để hỗ trợ chức năng tế bào thần kinh và đóng vai trò trong việc duy trì sức khỏe não bộ trong suốt cuộc đời.

Axit béo omega-3 có nhiều trong các loại cá béo như cá hồi, cá mòi, cá thu, cá trích…một số loại hạt như hạt lanh, hạt chia, đậu nành...

2. Các loại quả mọng: Việt quất, dâu tây, mâm xôi hay các loại quả mọng khác được chứng minh có liên hệ với sự làm chậm suy giảm tinh thần, tăng khả năng ghi nhớ hay tập trung.

Nghiên cứu tại Đại học Tufts, Hoa Kỳ cho thấy rằng quả việt quất có hiệu quả trong việc cải thiện chứng mất trí nhớ ngắn hạn, bảo vệ bộ não của chúng ta khỏi sự thoái hóa và căng thẳng.

Quả việt quất có chứa nhiều vitamin C, vitamin K và chất xơ, hàm lượng axit gallic cao, đồng thời đây cũng một trong những thực phẩm giàu chất chống oxy hóa anthocyanin. Các chất này thúc đẩy đại não sử dụng đường góp phần tăng cường hoạt động truyền thông tin giữa các tế bào não, đồng thời hỗ trợ các tế bào não chống lại độc tố.

3. Súp lơ: Súp lơ là nguồn cung cấp vitamin K tuyệt vời, có tác dụng tăng cường chức năng nhận thức và cải thiện trí não.

Các nhà nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng trong súp lơ có chứa nhiều hợp chất glucosinolate, nó có thể làm chậm sự phân hủy chất dẫn truyền thần kinh Acetylcholine.

Đây là chất mà chúng ta cần để hệ thống thần kinh trung ương hoạt động tốt, giữ cho bộ não và trí nhớ của chúng ta nhạy bén. Các loại rau họ cải khác cũng giàu glucosinolate như cải xoăn, bắp cải và cải Brussels...

4. Quả hạch và hạt: Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dịch tễ học Hoa Kỳ cho thấy rằng bổ sung đủ lượng vitamin E sẽ tạo ra lớp màng bảo vệ giúp não tránh khỏi các tác hại trước sự hoạt động của gốc tự do và bệnh suy giảm trí nhớ.

Sử dụng quả hạch và hạt có tác dụng cải thiện nhận thức và ngăn ngừa bệnh thoái hóa thần kinh. Ảnh: Alsonspharmacy.

Các loại hạt như hạnh nhân, óc chó, hạt điều, macca…là một nguồn cung cấp vitamin E tuyệt vời. Không những thế nó còn cung cấp các chất béo lành mạnh, chất chống oxy hóa có khả năng cải thiện nhận thức và ngăn ngừa bệnh thoái hóa thần kinh.

5. Socola đen và các thực phẩm làm từ cacao: Các hợp chất có trong socola đen giúp tăng cường trí nhớ, kéo dài sự tập trung, tăng tốc độ phản ứng.

TS.BS Anthony Komaroff, Trường Y Harvard (Mỹ), cho biết socola đen và các thực phẩm làm từ cacao có chứa flavonoid, một loại chất chống oxy hóa. Chất chống oxy hóa đặc biệt quan trọng đối với sức khỏe của não. Các flavonoid trong cacao có thể khuyến khích sự phát triển tế bào thần kinh và mạch máu trong các bộ phận của não liên quan đến trí nhớ.

Nguồn: https://zingnews.vn/thuc-pham-giup-bo-nao-cho-f0-khoi-benh-post1310989.html