Đậu mùa khỉ: Bóng ma khó lường từ quá khứ

ngày 18/06/2022

Theo đài NPR, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang xem xét việc đặt một cái tên mới cho đậu mùa khỉ (ĐMK) - căn bệnh tuy cũ nhưng đang lan rộng với hành vi khác hẳn.

Ngoài những lo ngại liên quan đến sự kỳ thị nhắm vào vùng lưu hành truyền thống của căn bệnh - Trung và Tây Phi - một nhóm gồm 29 nhà sinh vật và nhà nghiên cứu cho biết đợt bùng phát hiện tại không có mối liên hệ rõ ràng với châu Phi.

Trước đó, nhiều quốc gia đã nghi ngại bệnh này thực ra đã lan truyền âm thầm từ trước chứ không phải vừa nhập cảnh bởi những người trở về từ châu Phi.

Một bài phân tích đăng tải bởi chuyên san khoa học Science Insider lật lại nguồn gốc của virus ĐMK: Đó là một cái tên viết sai dành cho một virus được phát hiện vào năm 1958 trên khỉ nhưng vật chủ tự nhiên thực sự là các loài gặm nhấm và động vật có vú cỡ nhỏ.

Lần đầu tiên bệnh được xác định ở người là vào năm 1970, ở Congo. Qua hơn nửa thế kỷ, căn bệnh đột ngột trở nên "bất thường so với cách nó từng hoạt động trong quá khứ", như lời của Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus.

Tiêm ngừa vắc-xin đậu mùa khỉ cho đối tượng nguy cơ ở Montreal – Canada. Ảnh: REUTERS

Giải mã nguyên nhân vẫn là thử thách. Các nhà nghiên cứu đã bắt đầu giải trình tự gien các mẫu virus để tìm hiểu các đột biến có thể khiến căn bệnh khác biệt về độc lực và cách lây lan so với chủng gốc. Nhưng đó là công việc tốn nhiều công sức.

Với hơn 200.000 cặp base, bộ gien của virus ĐMK lớn gấp 7 lần so với SARS-CoV-2 và gấp 20 lần so với HIV. Tin mừng là virus ĐMK là virus ADN, nên nó có cơ chế sửa chữa di truyền tốt hơn virus ARN như SARS-CoV-2 và cũng vì thế nó sẽ thay đổi chậm hơn, ít đột biến hơn.

Sau một loạt trấn an rằng virus này có nguy cơ thấp với cộng đồng, WHO gây bất ngờ tại cuộc họp báo ngày 14-6 khi tuyên bố sẽ họp khẩn vào tuần sau để xem xét khả năng tuyên bố ĐMK là PHEIC - tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng toàn cầu, một động thái thúc đẩy các quốc gia thành viên phải hoạt động tích cực hơn nữa, nâng mức cảnh báo dịch bệnh. Covid-19 là một PHEIC điển hình.

Cùng ngày, một hướng dẫn về tiêm chủng vắc-xin ĐMK cũng được WHO ban hành. Cũng như nhiều cơ quan y tế thế giới khác, họ vẫn giữ quan điểm chưa cần tiêm chủng rộng rãi nhưng nên dùng vắc-xin để dự phòng sau phơi nhiễm cho người tiếp xúc với bệnh nhân và dự phòng trước phơi nhiễm cho nhân viên y tế tham gia điều trị hoặc xét nghiệm.

Cập nhật mới nhất của WHO đã loại bỏ lằn ranh vùng lưu hành - ngoài vùng lưu hành, thống kê chung số ca bệnh toàn cầu là 3.100 ca, dự kiến tiếp tục tăng nhanh.

Nguồn: nld.com.vn