Quay cuồng trong giá rét kỷ lục

ngày 22/02/2022

Hà Nội cũng như miền Bắc đang trải qua đợt rét kỷ lục, nhiệt độ phổ biến 7 - 9 độ C, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt cũng như lao động sản xuất của người dân.

Vất vả mưu sinh

Sáng 21/2, nhiệt độ tại Hà Nội xuống mức 8 độ C, dù trời không mưa, song cái lạnh căm căm khiến cho những ai phải lưu thông trên đường hoặc đi làm đều cảm thấy rùng mình. Điều dễ nhận thấy trên đường phố Thủ đô trong ngày đầu tuần là hình ảnh người đi đường đội mũ, quàng khăn, đeo găng tay, mặc áo khoác dày, thậm chí nhiều người mặc cả áo mưa để chống rét, dù trời tạnh ráo.

Nông dân huyện Mê Linh thu hoạch rau màu trong mưa giá rét. Ảnh: Phạm Hùng

Từ 6 giờ sáng, trên đường Nguyễn Trãi, chị Nguyễn Thị Lan, trú tại Thanh Xuân (Hà Nội) bắt đầu công việc quét dọn vỉa hè, đường phố. Chị Lan chia sẻ: “Tôi phải đi làm sớm mới xong phần việc được giao. Ngày nào cũng vậy, mùa Hè hay mùa Đông, tôi đều phải cố gắng đi làm để có thu nhập. Nhưng năm nay rét quá, sáng đi làm, cầm vào cây chổi mà tay chân như đông cứng”. Với tuyến đường phố được giao, chị Nguyễn Thị Lan phải làm việc từ sáng sớm ngoài trời giá lạnh đến tận chiều muộn. Trong cái lạnh cắt da, cắt thịt, chị đưa những đường chổi nhanh hơn để tự làm nóng cơ thể.

Ra Hà Nội mưu sinh đã được 4 năm với nghề thu gom phế liệu, chị Lê Thúy Hà, quê ở Thanh Hóa miệt mài với công việc trong giá rét 8 độ C. Để giữ ấm cho cơ thể, chị Hà khoác thêm cho mình bộ áo mưa. “Tôi bắt đầu công việc từ 10 giờ tối, đến giữa buổi sáng ngày hôm sau. Đi giờ này, mới có phế liệu, đi ban ngày họ chọn hết không còn gì để thu gom. Rét lắm nhưng vẫn phải cố gắng, sức khỏe tôi yếu, không làm nghề này thì chẳng biết chọn nghề gì khác” - chị Lê Thúy Hà tâm sự.

Dọc tuyến đường Phạm Ngọc Thạch, nhiệt độ xuống thấp, kèm theo những cơn gió buốt, hình ảnh của những người làm nghề xe ôm vẫn xuất hiện khá nhiều. Ông Lưu Văn Hùng (65 tuổi, trú tại Đống Đa, Hà Nội) với dáng người nhỏ bé, vẫn ngồi chờ khách. Ông bắt đầu công việc từ 7 giờ đến 18 giờ hàng ngày. Ngồi chờ khách ngoài đường, với ông những ngày giá lạnh này thật chẳng dễ dàng gì.

Ông Lưu Văn Hùng cho biết, ngày ấm áp, may mắn hơn được vài chuyến, thu nhập khoảng 200.000 đồng. Mấy ngày qua, giá lạnh cộng với dịch bệnh Covid-19 khiến, người dân ít đi xe ôm.

“Cả ngày hôm qua tôi mới đi được một chuyến 50.000, hôm nay thì ế quá. Trời rét buốt nhưng là lao động chính, tôi phải chịu khó bươn chải mới có tiền lo cho gia đình” - ông Lưu Văn Hùng vừa co người vừa xuýt xoa chia sẻ.

Làm công việc rửa xe, mỗi ngày anh Nguyễn Văn Hiệp (trú tại Hà Đông, Hà Nội) dành hầu hết thời gian làm việc với nước, xà phòng và bùn đất. Đôi bàn tay trần, tiếp xúc trực tiếp với nước lạnh làm anh đỏ ửng lên. Anh Hiệp chia sẻ: “Hôm nay, tạnh mưa khách đến rửa xe đông, nước lạnh khiến tay cứng đơ. Từ sáng tôi rửa gần chục cái xe, rét lắm chứ nhưng phải cố gắng bù lại mấy ngày mưa không có khách”.

Nông dân đứng ngồi không yên

Không chỉ những người lao động mưu sinh trong TP, ở các vùng ngoại thành, bà con nông dân cũng đứng ngồi không yên khi nhiệt độ giảm sâu những ngày qua. Sáng 21/2, dưới cái rét như cắt da, cắt thịt, tại vùng sản xuất rau an toàn xã Song Phương (huyện Hoài Đức), rất nhiều nông dân đã ra đồng từ sớm để chăm bón rau màu.

Chị Nguyễn Thị Miến ở xã Song Phương canh tác 6 sào rau chia sẻ: “Rét đậm, rét hại khiến chúng tôi không khỏi lo lắng vì đây là nguồn thu nhập chính của gia đình. Cách đây 4 ngày, tôi đã mua nilon với chi phí hơn 400.000 đồng để che cho rau tránh mưa rét kéo dài. Dù chỉ vài ngày nữa là đến ngày thu hoạch nhưng do gặp thời tiết giá rét khắc nghiệt nên mẫu mã rau, màu sắc sẽ kém hơn so với thời tiết bình thường và chắc chắn chất lượng và giá bán cũng giảm đi một phần”.

Nhiều nông dân cũng chia sẻ, do đã có kinh nghiệm từ nhiều năm trước nên với diện tích trồng rau ăn lá như: Cải xanh, xà lách, hành tỏi, rau mùi… đều được che chắn bằng nilon cẩn thận. Do được cảnh báo đây là đợt rét kỷ lục, hầu hết hộ trồng rau chủ động chi thêm một khoản mua nilon và làm khung căng luống.

Mưa rét những ngày qua cũng khiến cho công việc nhà nông thêm phần vất vả. Bà Đặng Thị Dung (ở xã Đốc Tín, huyện Mỹ Đức) cho hay: “Mấy ngày qua, ngày nào tôi cũng thăm đồng, xẻ bớt nước để bảo đảm lúa mới cấy không bị ngập. Nghe thông tin dự báo đợt rét này còn kéo dài nên tôi cũng chưa vội bón phân đạm cho lúa”.

Khảo sát của phóng viên trong ngày 21/2 cho thấy, tại các huyện có diện tích lúa đã gieo cấy, nông dân thường xuyên thăm đồng, chủ động điều tiết nước để giữu ấm chân lúa mới cấy. Đối với những diện tích chưa gieo cấy, bà con duy trì việc tạm ngừng gieo cấy và tiếp tục chăm sóc mạ.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật Hà Nội Lê Xuân Trường cho biết, qua kiểm tra thực tế sản xuất trong chiều 21/2, tại một số huyện có một số ít diện tích mạ bị chết chòm, chưa có thiệt hại về rau màu. Tuy nhiên, vài ngày tới, thời tiết có nắng trở lại chắc chắn một số diện tích rau màu sẽ bị ảnh hưởng như: Nghẹt rễ, thối gốc, rũ lá…

Bệnh viện chủ động phòng, chống rét cho bệnh nhân

Theo nhiều bệnh viện (BV) ở Hà Nội, thời tiết chuyển lạnh kéo dài khiến tình trạng bệnh nhân nhập viện gia tăng, đặc biệt ở những người cao tuổi, người có bệnh nền, trẻ nhỏ. Tại BV E, trung bình mỗi ngày, Khoa Cấp cứu của BV tiếp nhận từ 80 - 100 bệnh nhân, trong đó bệnh nhân đột quỵ não và tim mạch chiếm tỷ lệ cao. Đặc biệt, những ngày gần đây, khi thời tiết rét đậm, độ ẩm cao, tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ tăng từ 10 - 15% ở người lớn tuổi.

Bác sĩ Lý Đức Ngọc - Phó trưởng Khoa Nội Tim mạch người lớn, Trung tâm Tim mạch, BV E cho biết, mỗi ngày khoa tiếp nhận 10 - 15 bệnh nhân mắc các bệnh lý về tim mạch, trong đó có 2 - 3 ca nhồi máu cơ tim cấp. Tuy nhiên, từ dịp Tết Nguyên đán đến nay, khi nhiệt độ lạnh sâu, số ca nhồi máu cơ tim tăng lên gấp đôi. Tỷ lệ bệnh nhân nhập viện nặng tăng 5 - 10% so với ngày bình thường, có những ca không kịp chờ xét nghiệm phải đi phẫu thuật ngay, bởi với bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp nếu qua thời gian vàng thì hậu quả có thể tử vong ngay trên bàn mổ vì không được tái thông mạch kịp thời.

Bác sĩ Nguyễn Thành Nam - Giám đốc Trung tâm Nhi khoa, BV Bạch Mai lưu ý, thời tiết như hiện nay, trẻ em rất dễ mắc các bệnh lý hô hấp, trong đó có Covid-19. Chính vì vậy, vai trò của cha mẹ, thầy, cô giáo rất quan trọng trong việc hướng dẫn trẻ những biện pháp phòng, chống nhiễm bệnh, nhất là sau khoảng thời gian dài trẻ sinh hoạt trong nhà, ít tiếp xúc với môi trường xung quanh.

Theo bác sĩ Nguyễn Thành Nam, cùng với biện pháp tiêm phòng, trẻ em cần được bổ sung dinh dưỡng hợp lý để tăng cường sức đề kháng, tập luyện nhằm tránh thừa cân béo phì, kiểm soát tốt các bệnh mãn tính, tránh nhiễm lạnh, bảo đảm thông khí tốt trong môi trường sống, học tập, vệ sinh bàn tay thường xuyên, sử dụng khẩu trang khi tiếp xúc với người khác…

Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, các BV trên địa bàn Hà Nội đã chủ động phòng chống rét cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Nhiều BV đã trang bị thêm quạt sưởi, máy sưởi ấm, nước nóng, che chắn kín gió... để giúp người bệnh, người nhà bệnh nhân chống rét.

Liên quan đến vấn đề này, TS Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, để chủ động phòng chống rét cho người bệnh, Sở Y tế đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống rét đậm, rét hại tại đơn vị. Đồng thời, các cơ sở khám, chữa bệnh cần tăng cường tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho cán bộ nhân viên, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân cách chăm sóc sức khỏe mùa lạnh.

"Sở Y tế yêu cầu từng đơn vị đảm bảo cơ số thuốc điều trị, cơ số thuốc cấp cứu, sẵn sàng đội cấp cứu cơ động hỗ trợ tuyến dưới ứng phó, khắc phục hậu quả do mưa rét gây ra. Đồng thời tăng cường kiểm soát đối với người mắc các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, tim mạch, hô hấp... đặc biệt ở người già và trẻ em." - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà

Nguồn: https://kinhtedothi.vn/quay-cuong-trong-gia-ret-ky-luc.html