Tính đến chiều 7/7, tỉnh Đắk Nông đã ghi nhận 26 trường hợp dương tính với bạch hầu. Trong đó, huyện Krông Nô 11 ca, huyện Đăk Glong 13 ca, huyện Đăk Rlấp 2 ca. Có 2 trường hợp đã tử vong là ở thôn 6, xã Quảng Hòa và Cụm 12, xã Đắk R’măng (đều thuộc huyện Đắk GLong).
Các ca bệnh hiện nay đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đăk Nông và Trung tâm y tế huyện Krông Nô. Hiện sức khỏe các bệnh nhân cơ bản đã ổn định.
Theo bác sĩ Hà Văn Hùng, Phó giám đốc Sở Y tế Đăk Nông, qua kiểm tra, ngành y tế Đăk Nông nhận thấy, các điểm bùng phát dịch đều là những vùng trũng về tiêm chủng; vùng dân tộc thiểu số di cư từ phía Bắc vào, các ca mắc bạch hầu chủ yếu là trẻ từ 9 đến 13 tuổi. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Sở Y tế Đắk Nông triển khai thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch; Chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tăng cường khám, phát hiện sớm các trường hợp bệnh bạch hầu, cách ly kịp thời các trường hợp mắc, khoanh vùng xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lan rộng và kéo dài.
Lý giải về dịch bệnh bạch hầu bùng phát và lây lan như hiện nay, bác sĩ Hà Văn Hùng cho biết: "Dịch bệnh đang xảy ra chủ yếu đối với đồng bào Mông, hầu hết họ sống ở vùng sâu, vùng xa rất cách biệt, sự hiểu biết của người dân về vấn đề tiêm chủng rất thờ ơ. Một vấn đề nữa là về vấn đề vệ sinh, dịch bạch hầu thường xảy ra vào mùa mưa, ẩm lạnh như hiện nay, nếu nhà cửa không sạch sẽ, thông thoáng thì sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Khi xảy ra dịch thì rất cách xa trung tâm nên nguồn lực y tế gặp nhiều trở ngại từ con người, trang thiết bị cho đến vật tư để hỗ trợ, chứ y tế tại chỗ nhiều nơi chưa đủ điều kiện để chống dịch"./.