F0 điều trị tại nhà kiểm soát oxy máu thế nào để phát hiện sớm suy hô hấp?

ngày 11/01/2022

Có những người mắc Covid-19 dù nồng độ oxy máu thấp nhưng lại không có bất cứ triệu chứng nào. Vì thế, bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân Covid-19 cần đo SpO2 đều đặn để phát hiện sớm nguy cơ này.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết bệnh viện hiện đang điều trị hơn 120 bệnh nhân Covid-19, trong đó một số trường hợp gặp tình trạng thiếu hụt oxy thầm lặng.

Thiếu oxy trong máu là một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất của bệnh nhân Covid-19. Nhiều trường hợp diễn biến rất nhanh, khiến cho việc điều trị trở nên khó khăn. Theo bác sĩ Cấp, điều nguy hiểm là một số bệnh nhân hoàn toàn không có dấu hiệu thiếu oxy nên khi vào viện đã nguy kịch.

Điều trị bệnh nhân Covid-19 tại cơ sở y tế - Ảnh: Gia Khiêm

"Có những bệnh nhân mất cảm giác khó thở, dù nồng độ oxy máu giảm nhưng không cảm nhận được, chỉ đến khi mệt lả, ngất xỉu mới phát hiện nguy cơ này. Có những bệnh nhân Covid-19 đang khỏe mạnh, không biểu hiện triệu chứng bỗng dưng mệt lả, ngất xỉu, da tím tái... do nồng độ oxy máu bỗng dưng tụt xuống 60-70%, suy hô hấp"- bác sĩ Cấp lưu ý.

Bác sĩ Cấp cho biết SpO2 ở người bình thường là 94-100%. Ở bệnh nhân Covid-19 bị viêm phổi, mức oxy chỉ còn 60-70%, thậm chí 50%, đe dọa suy hô hấp, dẫn đến tử vong.

Để kiểm soát tình trạng thiếu oxy ở bệnh nhân Covid-19, theo bác sĩ Cấp, lý tưởng phải có xét nghiệm, phát hiện tổn thương phổi sớm hơn trước khi tụt oxy trong máu và can thiệp trong giai đoạn đó. Các bất thường trên phim CT, xét nghiệm sẽ phát hiện trước khi xuất hiện tụt oxy máu 2 ngày. Tuy nhiên điều này không khả thi với việc điều trị số lượng lớn bệnh nhân Covid-19 như hiện nay, bắt buộc phải tiếp cận điều trị khi có dấu hiệu tụt oxy máu.

"Với việc điều trị F0 trong cộng đồng như hiện nay, theo dõi F0 nhẹ ít triệu chứng tại nhà, tốt nhất là tất cả các bệnh nhân cần được theo dõi SpO2. Vì nếu không theo dõi chủ động, đến khi bệnh nhân thấy mệt lả, thậm chí ngất xỉu sẽ là khá muộn"- bác sĩ Cấp khuyến cáo.

Do đó, các F0 điều trị tại nhà cần chủ động trang bị máy đo SpO2. Trong trường hợp không có sẵn, người bệnh cần kết nối với y tế cơ sở để được khám, đánh giá chỉ số oxy máu hàng ngày.

F0 điều trị tại nhà mỗi ngày cần chủ động đo 1-2 lần theo hướng dẫn. Nếu có các hiện tượng sau cần kết nối ngay với y tế cơ sở để được đưa đi bệnh viện điều trị:

- Chỉ số SpO2 dưới 95%.

- Nhịp thở khi thư giãn nhiều hơn 24 lần/phút.

- Cảm thấy ngực bó thắt, khi hít sâu thấy đau tăng lên trong ngực.

- Thấy khó thở, hụt hơi khi vận động, mệt lả không nói được đủ câu.

- Lẫn lộn về thời gian, địa điểm. Không nhớ rõ mình đang ở đâu, không biết lúc này là mấy giờ.

- Thấy da xanh, môi nhợt nhạt.

- Không tự cầm được cốc nước, không tự đi hay tự ăn uống được.

- Lạnh đầu ngón tay, ngón chân.

"Nếu mỗi người dân tự trang bị máy SPO2, F0 dùng một lần rồi bỏ không sẽ rất lãng phí. Lý tưởng nhất là xây dựng các "ATM" như "ATM oxy", "ATM máy SPO2 , mỗi địa phương, khu vực nên có cơ số nhất định máy này để cho các F0 mượn điều trị, khi khỏi lại phân bổ cho các F0 khác để tránh lãng phí"- ông đề xuất.

Nguồn: http://nld.com.vn/suc-khoe/f0-dieu-tri-tai-nha-kiem-soat-oxy-mau-voi-f0-the-nao-de-phat-hien-som-suy-ho-hap-20220111102447108.htm