16 ngày cân não của 'đội đặc nhiệm' Chợ Rẫy ở tâm dịch Covid-19

ngày 10/08/2020

Lộp bộp... lộp bộp...

Âm thanh từ tiếng vỗ ngực ngắt quãng của bác sĩ Linh chen ngang tiếng tít tít đều đều phát ra từ máy đo điện tim ngay bên cạnh.

“Bệnh nhân bất tỉnh nên phải vỗ vỗ như vậy cho đờm long ra, phổi bệnh nhân sẽ không bị tắc”, bác sĩ Linh giải thích trong lúc dùng tay đập liên tục vào hai bên ngực trần của nam bệnh nhân 416.

Liền sau đó, anh lật miếng vải bông ở vết nhiễm trùng trên cổ bệnh nhân lên, ngón tay chạm vào miệng vết thương hở, giải thích về cách xử lý nhiễm trùng với đồng nghiệp qua lớp đồ bảo hộ trắng.

Trên chiếc giường bệnh chuyên dụng rộng chừng 1 m, người đàn ông 57 tuổi nằm bất động, đầu ngả hẳn sang trái, người chỉ phủ tấm chăn mỏng ngang bụng. Cạnh giường, chiếc máy ECMO chạy đều đều. Đây là bệnh nhân Covid-19 đầu tiên được phát hiện tại Đà Nẵng trong giai đoạn 2 của dịch, sau 99 ngày Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng.

Trưa 24/7, bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy, cùng 2 đồng nghiệp bay từ TP.HCM ra Đà Nẵng. Hành lý khi ấy chỉ có chiếc balo nhỏ, bên trong có mỗi bộ đồ.

Hôm đó, kết quả dương tính lần thứ 4 của bệnh nhân 416 như "tiếng chim báo bão" cho cuộc chiến chống đại dịch của Việt Nam. Ê-kíp phản ứng nhanh của Khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy, do bác sĩ Trần Thanh Linh dẫn đầu được Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cử ra Đà Nẵng hỗ trợ.

Nhiệm vụ ban đầu của ê-kíp là hội chẩn và chạy ECMO cho ca nhiễm này. Nhiệm vụ ấy đến nay vẫn chưa đổi, chỉ là số lượng tăng gấp mấy mươi lần. Chuyến công tác dự kiến dài 2 ngày của cả ê-kíp đến giờ vẫn chưa rõ ngày về.

“Khi bệnh nhân 416 được phát hiện, tôi nghĩ ra đây làm ECMO cho ca này thì hy vọng một ngày sau ổn định, các anh em (bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng - PV) có thể tự theo dõi. Tuy nhiên, 2 ngày sau, Bệnh viện Đà Nẵng bị phong tỏa”, bác sĩ Linh kể.

Việc đầu tiên cả ê-kíp làm khi biết tin phong tỏa là chạy nhanh đến siêu thị, mua vài bộ đồ để thay. Bao nhiêu dự định cá nhân đều bỏ dở, tâm trí mỗi người hòa vào đội ngũ với một kế hoạch duy nhất: Dập tắt "rốn dịch" Đà Nẵng.

Bệnh viện Đà Nẵng trở thành “Bạch Mai thứ hai” nhưng với quy mô rộng lớn hơn và lan nhanh sang các bệnh viện lân cận. Tính kết nối - vốn là lợi thế của các cơ sở y tế - nay trở thành “mặt trái”, khiến số ca nhiễm tăng mỗi ngày.

Ngành y tế Đà Nẵng vừa phải điều trị hàng trăm ca nhiễm Covid-19, vừa phải gánh lượng bệnh nhân từ 4 bệnh viện bị phong tỏa vì Covid-19 (Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi Chức năng, Bệnh viện Hoàn Mỹ).

Đội điều trị Covid-19 đặc biệt do Bộ Y tế thành lập, trong đó có ê-kíp Chợ Rẫy, được giao thêm trọng trách tìm cơ sở y tế phù hợp để làm nơi chuyên điều trị bệnh nhân Covid-19, đặc biệt là bệnh nhân nặng, nhằm giải tỏa áp lực cho 4 bệnh viện bị phong tỏa.

Sau khảo sát, Trung tâm Y tế Hòa Vang và Bệnh viện Phổi Đà Nẵng được chọn làm 2 cơ sở để xây dựng hệ thống điều trị này. Trung tâm Y tế Hòa Vang được giao cho ê-kíp của Bệnh viện Bạch Mai phụ trách, còn việc xây dựng đơn vị điều trị tích cực mới ở Bệnh viện Phổi Đà Nẵng là trách nhiệm của ê-kíp Bệnh viện Chợ Rẫy do bác sĩ Linh đứng đầu.

"Cử động 2 cái tay lên đi, cho cái tay này lên. Mở to mắt ra”, bác sĩ Linh nói với giọng nghiêm khắc rồi vỗ nhẹ vào hai bàn tay nắm hờ của bệnh nhân.

Nữ bệnh nhân miệng ngậm ống thở, mắt nhắm nghiền nhưng hai tay vẫn cử động khi nghe lời chỉ đạo của bác sĩ.

- “Từ từ khỏe tôi sẽ rút ống cho chị nha”, bác sĩ Linh động viên trong lúc lau những vết nhiễm trùng trên cơ thể bệnh nhân.

Sau bệnh nhân 416, người phụ nữ 61 tuổi này là bệnh nhân thứ hai phải chạy ECMO. Dù bệnh nhân có những chuyển biến tích cực sau khi được chạy ECMO, bác sĩ Linh thừa nhận đây là một trong số những bệnh nhân tiên lượng xấu. Không chỉ người này, trong 60 bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng (tính đến 7/8) thì có 12 ca nặng, trong đó có 4 ca được tiên lượng rất xấu do tình trạng bệnh lý nền phức tạp.

“Giọt nước tràn ly” là cụm từ được các bác sĩ tại đây lặp lại nhiều lần khi nói về nguyên nhân tử vong của các ca mắc Covid-19 ở giai đoạn dịch thứ 2.

“Nhiều người đặt ra câu hỏi tại sao bệnh nhân 91 nặng như vậy mà cứu được, trong khi đó bệnh nhân Đà Nẵng mình không cứu được. Như vậy là họ không hiểu rõ đặc thù của bệnh lý ở đây”, bác sĩ Linh tâm sự.

Là người giành giật sự sống cho bệnh nhân 91 - ca mắc Covid-19 nặng nhất giai đoạn 1, bác sĩ Linh phân tích bệnh nhân 91 trẻ (43 tuổi), chỉ bị béo phì. Sau khi nhập viện bệnh mới chuyển nặng, bệnh nhân bị nhiễm trùng “tái tới tái lui” nhưng gan, thận hoạt động bình thường, sức đề kháng tốt.

Còn các bệnh nhân tại Đà Nẵng có đặc điểm chung là nguồn lây nhiễm tại bệnh viện - nơi họ đang điều trị với bệnh lý nền có sẵn như suy thận mạn, tăng huyết áp, đái tháo đường, suy tim… và đa số là người cao tuổi. Nhiều bệnh nhân trước khi mắc Covid-19 đã điều trị tại đơn vị hồi sức, từng nhiễm trùng và có hệ miễn dịch suy giảm nên việc nhiễm thêm SARS-CoV-2 khiến tình trạng khó chồng khó.

“Bản thân bệnh lý nền của người bệnh khi chưa mắc Covid-19 đã có tiên lượng rất xấu. Việc mắc Covid-19 lại càng như ‘giọt nước tràn ly’ khiến tình hình thêm tồi tệ hơn”, bác sĩ Linh phân tích khi nói về số ca tử vong liên tục tăng những ngày gần đây.

Trong tình thế này, những trung tâm điều trị với hệ thống ICU hoàn chỉnh sẽ giúp Đà Nẵng vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.

“Vừa về đây, cả đội của Chợ Rẫy đứng ra chùi nhà. Chùi hết từ trên trần, chùi quạt. Ngay cả anh Linh cũng cầm giẻ đi lau chùi. Anh ấy kỹ lắm, xem các phòng mà không vừa ý là bắt lau chùi lại”, bác sĩ Nguyễn Quốc Huy, Trưởng khoa Hồi sức Tích cực, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, kể những ngày đầu tiên khi “đội đặc nhiệm” 13 người của Bệnh viện Chợ Rẫy vào hỗ trợ. Đó là ngày 3/8.

Những ngày đó là giai đoạn chạy đua của ê-kíp Bệnh viện Chợ Rẫy và các bác sĩ tại đây. Mục tiêu là trong vòng 5 ngày, họ phải xây dựng 12 phòng bệnh đạt tiêu chuẩn của một phòng ICU (săn sóc tích cực) khi chưa có hệ thống oxy trung tâm, chưa có hệ thống khí nén, các phòng bệnh chưa được phân luồng một chiều để tránh lây nhiễm chéo.

Mới hơn một tuần trước (31/7), cả Khoa Hồi sức Tích cực này vẫn còn vang tiếng đục, đẽo, khoan, lắp. Chỉ trong vòng 3 ngày, toàn bộ hệ thống bơm xy-lanh điện, oxy khí nén đã được lắp đặt, phòng ốc được sửa sang, trang thiết bị mới được chuyển tới. Đội lắp đặt vừa rời đi, tất cả bác sĩ chia nhau lau chùi, dọn dẹp… để mau chóng đón bệnh nhân Covid-19 vào điều trị.

“Phải cùng chung tay như vậy, làm ngày làm đêm mới giải quyết được chứ sáng tối mình đều nhận thông tin từ các cơ sở y tế khác nói rằng bệnh nhân nặng quá, bệnh nhân đang nguy kịch khiến anh em rất sốt ruột, cần phải đưa vào hoạt động ngay chứ không thể nào giải quyết nguồn bệnh nhân nặng hiện nay tại Đà Nẵng”, bác sĩ Linh chia sẻ.

Vậy là chỉ trong 5 ngày, Khoa Hồi sức Tích cực của Bệnh viện Phổi Đà Nẵng trở thành một cơ sở có các phòng ICU đạt tiêu chuẩn với đầy đủ thiết bị từ máy theo dõi, máy thở đến máy ECMO, hệ thống oxy khí nén…Trong vòng 3 ngày kể từ khi khu này được xây dựng, đã có 12 bệnh nhân Covid-19 nặng được chuyển từ Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện 199, Bệnh viện Vinmec… về đây.

Sau khi đã giải được bài toán vật chất, bác sĩ Linh tiếp tục phải giải thêm bài toán nhân lực cho khu điều trị. 12 phòng ICU với công suất 24 giường bệnh của khu điều trị này sẽ cần tối thiểu 10 bác sĩ và ít nhất 24 điều dưỡng chuyên về mặt hồi sức. Chưa kể tới hộ lý và nhân viên kiểm soát nhiễm khuẩn, vệ sinh bề mặt cũng cần ít nhất 2-3 người mỗi lực lượng. Như vậy là cần khoảng 40 người.

Dù khoa có 5 bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy, 8 bác sĩ của Bệnh viện Đà Nẵng, thực tế chỉ 4 người trong số này có chuyên môn về ICU. Lực lượng điều dưỡng cũng thiếu rất nhiều, một người phải gồng gánh 5-6 bệnh nhân.

Ngoài ra, số lượng bệnh nhân nặng ở Đà Nẵng ngày càng tăng, trong khi Khu Hồi sức Tích cực của Bệnh viện Phổi Đà Nẵng - nơi chuyên điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng - chỉ còn 9 giường trống và sẽ nhanh chóng được lấp đầy. Bệnh viện tiếp tục lắp đặt thêm một hệ thống ICU tại Khoa Nội 3 nhằm tăng khả năng điều trị bệnh nhân nặng.

Bác sĩ Linh phân tích giải pháp tốt nhất là đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, vừa hiệu quả, vừa bền vững. Các bác sĩ chuyên về ICU sẽ liên tục trực xoay vòng để đảm bảo luôn có người xử lý tình huống chuyên môn cao. Đồng thời, vừa hỗ trợ, vừa đào tạo để giải bài toán nhân lực đáp ứng cho hệ thống ICU.

Ngày 8/8 đánh một dấu mốc mới cho cuộc chiến chống dịch giai đoạn 2 của Đà Nẵng. Kế hoạch làm sạch 3 “tâm dịch của tâm dịch” ở Đà Nẵng đi được 1/3 chặng đường. Bệnh viện C Đà Nẵng - nơi phát hiện bệnh nhân Covid-19 đầu tiên của giai đoạn 2 - được gỡ phong tỏa.

Với nhiệm vụ kép là vừa cứu chữa bệnh nhân Covid-19, vừa chăm sóc cả những bệnh nhân không nhiễm Covid-19, các khu điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng và Trung tâm Y tế Hòa Vang là lời giải cho bài toán của Đà Nẵng.

“Làm sao thiết lập xong các trung tâm là hoàn thiện, có thể thở phào. Nếu không có những cơ sở ấy (trung tâm ICU) thì rất khó có thể chống dịch”, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh Nguyễn Trọng Khoa - Đội trưởng Đội điều trị Covid-19 đặc biệt tại Đà Nẵng chia sẻ.

Giải xong bài toán ICU, nhân lực là cái khó tiếp theo được Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh đặt ra. Tỷ lệ ca nặng nhiều với bệnh lý nền đa dạng khiến cuộc chống dịch khó càng thêm khó, đòi hỏi huy động tổng lực chuyên gia về lĩnh vực hồi sức cấp cứu và các phương tiện vật tư liên quan.

Ngoài Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, hàng trăm nhân lực từ các đơn vị như Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung Ương, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cùng các đoàn từ Bình Định, Hải Phòng… liên tục đổ về Đà Nẵng chi viện cho tâm dịch. Những nhân lực y tế giỏi nhất nước đang hướng về Đà Nẵng.

"Chưa bao giờ có một lực lượng hùng hậu như vậy để tập trung chăm sóc, điều trị bệnh nhân nặng tại Đà Nẵng", ông Khoa nhận định. Vị phó cục trưởng thông tin thêm: "Hiện, chỉ còn dưới 300 bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, không có bệnh nhân dương tính Covid-19. Áp lực đối với bệnh viện này đã giảm đi rất nhiều".

21h ngày 7/8 - 3 tiếng trước giờ Bệnh viện C Đà Nẵng gỡ phong tỏa, tiếng hát “Niềm tin chiến thắng” đồng thanh hòa vào tiếng nhạc vang vọng trên đường Hải Phòng. Những ánh đèn flash thắp sáng 5 dãy hành lang bên trong Bệnh viện C.

Đúng 0h ngày 8/8, sau 14 ngày cách ly, cánh cổng trước cổng chính Bệnh viện C được mở lại trong tiếng vỗ tay của các nhân viên y tế. Bảng thông báo “bệnh viện hết lệnh phong tỏa và có thể tiếp nhận bệnh nhân” được đặt trước cổng Bệnh viện C, mở ra một giai đoạn chiến đấu mới cho tâm dịch này. Lời bài hát "Niềm tin chiến thắng" dường như vẫn còn vang vọng giữa màn đêm.

"Tôi sẽ hát cho những niềm tin hiện lên rạng ngời

Tôi sẽ hát cho ngọn lửa mãi vẫn cháy trong tim

Hạnh phúc sẽ đến với tôi và sẽ đến cho mọi người

Hát về một ngày mai tươi sáng rạng ngời".


Nguồn: Báo Zing