Chế độ ăn giúp người bệnh ung thư đại tràng nâng cao thể trạng

ngày 23/05/2024

Ngoài việc tuân thủ điều trị ung thư đại tràng thì chế độ dinh dưỡng có vai trò quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, quá trình điều trị và khả năng phục hồi của người bệnh.

1. Tầm quan trọng của chế độ ăn cho người bệnh ung thư đại tràng

Ung thư đại tràng là u xuất hiện ở phần ruột già có khả năng phát triển tại chỗ, xâm lấn ra các cơ quan xung quanh hoặc di căn đến các cơ quan ở xa khác.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu cho thấy những nhóm đối tượng dễ mắc ung thư đại tràng bao gồm: Yếu tố di truyền; người tuổi trên 50; người bị viêm loét đại tràng mạn tính; người có polyp đại tràng…

Đặc biệt, lối sống thiếu lành mạnh, chế độ dinh dưỡng không hợp lý như: Béo phì, thừa cân; Ăn ít trái cây và rau xanh; Ăn ít chất xơ và nhiều chất béo; Ăn nhiều loại thịt đỏ; Uống rượu bia, hút thuốc lá… cũng là nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại tràng.

Các chuyên gia y tế cũng nhận định, một chế độ ăn uống không lành mạnh có thể gây viêm hệ thống và kháng insulin đồng thời dễ làm thay đổi hệ vi sinh vật đường ruột, do đó làm tăng nguy cơ ung thư, trong đó có ung thư ở đại tràng.

Chế độ ăn giúp người bệnh ung thư đại tràng nâng cao thể trạng- Ảnh 1.

Chế độ ăn nhiều thịt chế biến sẵn làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng.

Việc chẩn đoán sớm ung thư đại tràng có ý nghĩa quyết định đến sự thành công của điều trị. Khi được chẩn đoán mắc ung thư đại tràng, ngoài việc tuân thủ điều trị thì chế độ dinh dưỡng có vai trò quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, quá trình điều trị và khả năng phục hồi của người bệnh.

Theo ThS.BS Trần Đức Cảnh, Bệnh viện K Trung ương, ung thư đại tràng nếu phát hiện ở giai đoạn sớm, tỷ lệ điều trị thành công của bệnh có thể lên đến hơn 90%. Ngoài ra, để phòng ngừa ung thư đại tràng, chúng ta cần thay đổi lối sống khoa học hơn bằng cách: Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên. Ăn uống lành mạnh, bổ sung nhiều rau xanh, chất xơ, hoa quả vào thực đơn hàng ngày. Đồng thời hạn chế đồ ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn cay nóng, đồ ăn muối chua, nhiều gia vị, đồ chế biến sẵn…

Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, mặc dù chưa có bằng chứng rõ ràng về một chế độ ăn cụ thể có thể giúp giảm nguy cơ tái phát ung thư ở đại tràng hay không nhưng một số nghiên cứu cho thấy, những người sống sót sau ung thư đại trực tràng ăn chế độ ăn nhiều rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, thịt gà và cá có thể sống lâu hơn những người ăn chế độ ăn nhiều đường tinh chế, chất béo, thịt đỏ hoặc thịt chế biến sẵn.

2. Các dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể người bệnh ung thư đại tràng

Cung cấp đầy đủ dưỡng chất

Việc cung cấp đầy đủ dưỡng chất cần thiết sẽ giúp cơ thể người bệnh ung thư có đủ năng lượng để chống chọi với bệnh tật và phục hồi sau phẫu thuật, xạ trị hoặc hóa trị. Ăn đủ chất cũng giúp tăng cường hệ miễn dịch; giảm nguy cơ thiếu hụt vitamin và khoáng chất, những yếu tố có thể làm suy yếu sức khỏe và khiến bệnh nặng thêm.

Để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng trong quá trình điều trị ung thư, Hiệp hội Ung thư lâm sàng Hoa Kỳ khuyến nghị người bệnh ung thư cần đảm bảo được cung cấp đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng cần thiết bao gồm: protein (chất đạm), carbohydrate, chất béo, vitamin, khoáng chất và nước.

Chất đạm

Chất đạm cung cấp năng lượng và giúp cơ thể phục hồi. Các nguồn thực phẩm giàu đạm tốt và dễ hấp thu bao gồm: Thịt nạc, ức gà, cá, trứng, sữa chua, các loại đậu…

Chất xơ và chất chống oxy hóa

Nghiên cứu cho thấy, các thực phẩm có nguồn gốc thực vật chứa nhiều chất xơ và chất chống oxy hóa có khả năng bảo vệ và phục hồi DNA bị tổn thương của cơ thể.

Chất chống oxy hóa giúp bảo vệ cơ thể và trung hòa các gốc tự do gây hại cho tế bào nên có thể làm giảm nguy cơ tế bào đột biến do bị hư hại và trở thành ung thư.

Nhiều loại vitamin, khoáng chất trong rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và đậu cũng giúp sản xuất, phục hồi DNA và kiểm soát sự phát triển của tế bào. Một số loại thực phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến các loại ung thư, cụ thể như thực phẩm thực vật có chứa nhiều chất xơ có thể làm giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng.

Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ (JAMA) đã tìm thấy bằng chứng cho thấy việc tăng lượng chất xơ sau khi chẩn đoán ung thư ruột kết mang lại cho bệnh nhân những lợi ích bao gồm cải thiện tỷ lệ sống sót. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng cứ thêm 5g chất xơ mà một người nào đó ăn mỗi ngày, họ sẽ giảm 22% tỷ lệ tử vong do ung thư đại trực tràng và giảm 14% tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân.

Chất béo lành mạnh

Chất béo rất quan trọng vì chúng cung cấp năng lượng, duy trì sự phát triển của tế bào, ổn định huyết áp, giúp cơ thể hấp thụ chất dinh dưỡng.

Các nguồn thực phẩm giàu chất béo tốt cho người bệnh ung thư đại tràng bao gồm: Dầu ô liu, quả bơ, các loại hạt (hạnh nhân, óc chó, hạt chia...); Cá béo (cá hồi, cá thu, cá ngừ…).

Vitamin và khoáng chất

Bổ sung vitamin và khoáng chất thông qua chế độ ăn uống giúp người bệnh ung thư đại tràng tăng cường hệ miễn dịch, chống lại nhiễm trùng, hỗ trợ quá trình điều trị. Một số loại thực phẩm giúp tăng hiệu quả của các phương pháp điều trị ung thư như vitamin C, E, D, canxi, kẽm, beta-carotene và selen…

Nguồn thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất tốt cho người bệnh ung thư đại tràng bao gồm: Các loại rau củ quả chứa nhiều loại vitamin và khoáng chất khác nhau; Sữa và các sản phẩm từ sữa cung cấp canxi, vitamin D và protein; Thịt nạc cung cấp kẽm, sắt, vitamin B12.

Lưu ý: Để giảm những triệu chứng khó chịu trong ăn uống khi điều trị ung thư, người bệnh nên chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày để đảm bảo lượng thức ăn cộng lại cung cấp đủ lượng calo cơ thể cần. Nên uống đủ nước mỗi ngày. Nếu nước không ngon miệng, hãy bổ sung thêm chất lỏng vào thức ăn và đồ uống khác như ăn súp, uống trà, sữa, nước ép trái cây…

Chế độ ăn giúp người bệnh ung thư đại tràng nâng cao thể trạng- Ảnh 3.

Thực phẩm giàu chất xơ và chất chống oxy hóa tốt cho người bị ung thư đại tràng.

3. Những thực phẩm không tốt cho người bệnh ung thư đại tràng

Thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa

  • Các loại thịt đỏ.
  • Thực phẩm chế biến sẵn: xúc xích, thịt xông khói, lạp xưởng...
  • Đồ ăn nhanh: thịt nướng, gà rán, khoai tây chiên, hamburger...
  • Bơ, kem, phô mai…

Thực phẩm chứa nhiều đường

  • Soda, nước ngọt có gas.
  • Bánh, kẹo, mứt, kem.
  • Nước trái cây đóng hộp.

Thực phẩm sinh hơi, khó tiêu

  • Đậu nành.
  • Rau bắp cải.
  • Măng.
  • Nội tạng động vật.

Rượu, bia, thuốc lá

Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, rượu có ảnh hưởng đến nguy cơ tái phát ung thư đại trực tràng hay không thì vẫn chưa rõ ràng nhưng uống rượu có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư đại trực tràng, đặc biệt là ở nam giới. Vì vậy, tốt nhất là người bệnh không nên uống rượu.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, những người sống sót sau ung thư đại trực tràng hút thuốc có nhiều khả năng tử vong vì ung thư (cũng như do các nguyên nhân khác). Để phòng ngừa bất kỳ ảnh hưởng nào đến nguy cơ ung thư đại trực tràng, việc bỏ thuốc còn mang lại nhiều lợi ích sức khỏe khác.

Nguồn: suckhoedoisong