Trước tình hình dịch bệnh bạch hầu đang lan rộng tại khu vực Tây Nguyên và các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, ngày 9-7, đoàn công tác của Bộ Y tế do Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long làm Trưởng đoàn đã vào trực tiếp kiểm tra và có buổi làm việc 7 tỉnh đang có dịch bệnh này.
Theo báo cáo từ Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, từ đầu năm đến nay, riêng 4 tỉnh Tây Nguyên (Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Gia Lai) đã ghi nhận 66 trường hợp mắc bạch hầu. Các trường hợp mắc bệnh chủ yếu là người trên 7 tuổi (chiếm 85%), đa số không được tiêm vaccine phòng bạch hầu đủ mũi, đúng lịch.
Đáng chú ý, trong 53 ca đầu tiên mắc bệnh thì có tới 25 ca không có biểu hiện triệu chứng (người lành mang trùng, phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc). Ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng phân tích, việc có tới gần 50% ca bệnh không có triệu chứng, chứng tỏ bệnh bạch hầu đã lưu hành trong cộng đồng, nguy cơ lây bệnh từ người này sang người khác qua tiếp xúc là rõ ràng.
Thông tin cụ thể hơn về tình hình dịch bệnh bạch hầu tại địa phương, bà Trần Thị Nga - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết, hầu hết ca bệnh bạch hầu ở tỉnh này xuất phát từ người lớn. Điều khó khăn hiện nay là ý thức và sự phối hợp của người dân trong phòng chống dịch bạch hầu còn hạn chế.
Đại diện Sở Y tế Quảng Ngãi cho biết, năm 2019, toàn tỉnh có 31 ca mắc bạch hầu, 2 ca tử vong. Tuy nhiên sau khi triển khai chiến dịch tiêm vaccine diện rộng thì từ tháng 11-2019 đến nay không có ca mắc.
Trước thực tế như vậy, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, để phòng chống dịch bạch hầu hiệu quả ở khu vực Tây Nguyên, điều quan trọng là phải làm tốt công tác truyền thông phòng chống bệnh bằng hình thức phù hợp để thay đổi hành vi, bởi ở đây người dân tộc thiểu số chiếm đa số, lại sống rải rác.
Phát biểu kết luận buổi làm việc với 7 tỉnh, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo chung của Bộ là làm thế nào để dập tắt dịch trong thời gian nhanh nhất, đảm bảo tính bền vững trong thời gian tiếp theo. Đặc biệt, bệnh bạch hầu có vaccine phòng nên phải nhanh chóng triển khai biện pháp ngăn chặn ngay, không để lây lan rộng.
Về giải pháp trước mắt, ông Long đề nghị triển khai chiến dịch tiêm vaccine trên quy mô lớn mà 4 tỉnh đầu tiên là Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Đắk Lắk – những địa phương có ca bệnh, sau đó là Lâm Đồng, Quảng Ngãi, Quảng Nam.
Dự kiến sẽ có khoảng hơn 10 triệu liều vaccine cung cấp cho 4 địa phương này với hơn 4,7 triệu người được tiêm vaccine. Theo đó, toàn bộ trẻ từ 2 tháng tuổi trở lên sẽ được tiêm phòng. Với trẻ 2-3-4 tháng thì tiêm vaccine 5 trong 1 đang tiêm rộng rãi, trên 7 tuổi thì tiêm vaccine Td (chứa thành phần uốn ván, bạch hầu).
Ngay trong chiều 9-7, Bộ Y tế phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai đã phát động Chiến dịch phòng, chống dịch bạch hầu tại 4 tỉnh khu vực Tây Nguyên là Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Nông.