Tăng mạnh người cách ly, xét nghiệm diện rộng có chỉ định các trường hợp nghi ngờ

ngày 10/12/2020

Ảnh minh họa: Internet

8 ngày không ghi nhận ca mắc cộng đồng

Tính đến 18h ngày 09/12: Việt Nam có tổng cộng 693 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay: 553 ca.

- Tính từ 18h ngày 08/12 đến 18h ngày 09/12: 4 ca mắc mới, đều là các ca nhập cảnh được cách ly ngay.

Ngày 09/12/2020 là ngày thứ 08 liên tiếp không ghi nhận ca mắc ở cộng đồng.

Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 21.485, trong đó:

- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 161

- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 17.192

- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 4.132.

Tình hình điều trị: Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19: - BN1317 được công bố khỏi bệnh.

Đến thời điểm này nước ta đã chữa khỏi 1.225 bệnh nhân/ 1.381 bệnh nhân COVID-19

Tiểu ban Điều trị cũng cho biết đến thời điểm này nước ta không còn trường hợp bệnh nhân COVID-19 nào nặng.

Tính đến thời điểm này trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2: 10 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 9 ca, số ca âm tính lần 3 là 4 ca.

Số ca tử vong liên quan đến COVID-19 ở nước ta đến nay là 35 ca, đây là những bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền nặng, bao gồm tại Đà Nẵng (31 trường hợp), Quảng Nam (03) và Quảng Trị (01)

Xét nghiệm trên diện rộng có chỉ định đối với tất cả các trường hợp nghi ngờ

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam vừa qua, TP. HCM đã phát hiện sớm được ổ dịch bệnh lây lan từ tiếp viên hàng không và đã thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, về cơ bản dịch đã được khống chế.

Vấn đề cơ bản là đã phát hiện được nguồn lây nhiễm (F0) và các trường hợp tiếp xúc gần (F1), (F2) để tiến hành cách ly, khoanh vùng và dập dịch.

Theo ông Phu, trong lúc này, tiếp tục tiến hành truy vết để phát hiện các trường hợp nghi ngờ lây nhiễm nếu còn, xét nghiệm trên diện rộng có chỉ định đối với tất cả các trường hợp nghi ngờ nhằm tìm ra những trường hợp có thể bị lây bệnh; đồng thời tiến hành khoanh vùng những địa bàn theo điều tra dịch tễ và tiến hành các biện pháp dập dịch quyết liệt tại những ổ dịch.

Với các biện pháp này có thể dịch sẽ sớm được dập tắt và không bùng phát. Tuy vậy, chúng ta cũng không thể chủ quan vì có thể có những ổ dịch khác xâm nhập từ nước ngoài vào trước đó mà chúng ta không biết, vẫn có khả năng lây lan vì người nhiễm COVID-19 có những trường hợp không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ trong cộng đồng mà người nhiễm không đến cơ sở y tế để xét nghiệm nên chúng ta không phát hiện được và có khả năng lây lan.

Vì vậy, hơn lúc nào hết, cần triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch trong điều kiện bình thường mới (trong lúc chúng ta vẫn phải thực hiện mục tiêu kép: Vừa làm kinh tế vừa phòng chống dịch). Chúng ta phải tiến hành xét nghiệm triệt để những ca nghi ngờ vào các phòng khám, bệnh viện cũng như tại cộng đồng vì có thể đó là những ca chỉ điểm để phát hiện được ổ dịch tại cộng đồng (nếu có).

Đối với người dân, không nên lo lắng quá nhưng không được chủ quan lơ là, phải thực hiện tốt khuyến cáo 5K của Bộ Y tế và tuân thủ các chỉ đạo về công tác phòng chống dịch của chính quyền địa phương.


Nguồn: Báo Tiền Phong