Tẩm bổ khi mang thai, mẹ bầu suýt mất con

ngày 25/01/2022

Đái tháo đường thai kỳ khá phổ biến có thể gây nhiều tổn thương cho thai nhi đặc biệt là lưu thai ở các tháng cuối của thai kỳ.

Chị Nguyễn Thị Hiên (sinh năm 1987, trú tại Ân Thi, Hưng Yên) vẫn không thể nào quên khoảnh khắc con vừa chào đời đã phải thở oxy, hồi sức tích cực gấp do bé bị hạ đường huyết sơ sinh. Nguyên nhân là do mẹ bị đái tháo đường thai kỳ nhưng không biết.

Cách đây 10 năm sinh bé lớn gia đình không có điều kiện nên ăn uống không tốt, bé chào đời chỉ có 2,3 kg. Nuôi con nhẹ cân rất vất vả, bé lại hay ốm đau. Sau đó, chị Hiên và chồng cùng đi xuất khẩu lao động. Cuối năm 2020 trở về nước. Có điều kiện kinh tế tốt hơn nên mang bầu lần 2, vợ chồng chị Hiên đều chuẩn bị những gì tốt nhất cho con.

Chị Hiên thường xuyên tẩm bổ để mẹ tăng cân cho thai to. Chị luôn tâm niệm phải đẻ con to khỏe nuôi cho nhàn, rút kinh nghiệm từ bé lớn.

Trong suốt thời gian mang thai, chị Hiên chỉ tới phòng siêu âm gần nhà để siêu âm thai. Mỗi lần đi siêu âm, chị đều quan tâm xem con được bao nhiều gram. Khi bé được 34 tuần đã nặng tới 3,6 kg. Còn bản thân chị Hiên tăng 27 kg.

Hàng ngày, chị Hiên ăn rất nhiều mía, ăn bất cứ thứ gì chị thích, bánh mì chấm sữa… Nhưng những tuần cuối của thai kỳ, chị Hiên mệt, chân phù. Chị lên BV Sản Nhi Hưng Yên kiểm tra bác sĩ cho biết chị bị đái tháo đường thai kỳ phải theo dõi, tiêm insuline nhưng tình trạng vẫn chậm cải thiện.

Ảnh minh họa.

Ngày sinh con, đường huyết của bà mẹ vẫn cao bác sĩ lo lắng bé sẽ hạ đường huyết sơ sinh nên chuẩn bị sẵn ekip cấp cứu nhi bên cạnh bàn mổ của mẹ. Và đúng dự đoán, bé sinh ra được hơn 1 tiếng đã bị hạ đường huyết sơ sinh, nhiễm khuẩn sơ sinh phải hồi sức cấp cứu.

Ths. BS CKII. Diêm Thị Thanh Thủy - Trưởng khoa khám Sản tự nguyện – Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết đái tháo đường là tình trạng tăng đường huyết quá ngưỡng cho phép, có thể gặp ở tất cả mọi người. Tuy nhiên, đối tượng phụ nữ có thai hay gặp hơn, gọi là đái tháo đường thai kỳ.

Đái tháo đường thai kỳ có 2 loại: Một là người đã bị đái tháo đường rồi có thai thì gọi là đái tháo đường mang thai; Hai là người bắt đầu có thai mới bị đái tháo đường. Dấu hiệu đái tháo đường thai kỳ thường không rõ ràng, đến khi thấy dấu hiệu thì bệnh đã nặng, dấu hiệu hay gặp nhất là mất tim thai, dư ối,...

Mẹ bầu có nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ cao hơn bình thường nếu: Béo phì, tiền sử gia đình có người mắc tiểu đường thế hệ thứ nhất, tiền sử sinh con to trên 4 kg, tiền sử bất thường về dung nạp glucose, mang thai quá 35 tuổi, tiền sử lưu thai, hội chứng buồng trứng đa nang.

Theo Ths. BS Nguyễn Hương Trà – Phó phòng Kế hoạch tổng hợp - Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội ảnh hưởng của đái tháo đường thai kỳ lên thai nhi rất lớn. Nếu ở giai đoạn 3 tháng đầu: Tác động lên quá trình phát triển của phôi, thai gây nên sảy thai tự nhiên, thai lưu, và dị tât bẩm sinh (tỷ lệ 8-13%, cao gấp 2-4 lần so với nhóm không bị tiểu đường). Các dị tật thường gặp là tổn thương hệ thần kinh, tim, các mạch máu lớn, hệ xương, thận, tiết niệu.

Đặc biệt, bác sĩ Trà cho biết giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ: Hậu quả đầu tiên là gây thai lưu do không chịu được mức đường huyết tăng cao, dẫn đến em bé tử vong trong bụng mẹ. Thai lưu trong vòng 3-6 tuần cuối của thai kỳ.

Tăng tỷ lệ suy hô hấp, bệnh màng trong, xẹp phổi do ngăn cản quá trình hoàn thiện của phổi thai nhi. Tăng trưởng quá mức và thai to, dẫn đến sang chấn thai do đẻ khó, thai chậm phát triển trong tử cung. Sản phụ bị đái tháo đường thai kỳ còn bị thiểu ối - tình trạng nước ối ít hơn bình thường theo tuổi thai.

Để xác định đái tháo đường thai kỳ hay không, BS Thủy khuyến cáo thai phụ làm xét nghiệm phát hiện đái tháo đường thai kỳ ở tuần 24-28. Một số trường hợp thai phụ có nguy cơ cao hoặc có các dấu hiệu trên thì bác sĩ sẽ chỉ định làm xét nghiệm sớm hơn, khoảng 12-16 tuần.

Nếu kết quả tuần 12-16 chỉ ra không bị đái tháo đường thai kỳ K, thai phụ sẽ làm lại lần nữa ở tuần 24-28; nếu kết quả 12-16 tuần chỉ ra bị đái tháo đường thai kỳ, thai phụ sẽ được điều trị.

Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội thực hiện nghiệm pháp dung nạp đường huyết, trước khi uống 1 lượng đường thì thai phụ sẽ xét nghiệm máu lần 1, nếu kết quả bình thường thai phụ mới uống 1 lượng đường nhất định sau đó xét nghiệm máu tiếp; nếu kết quả bất thường thì thai phụ không uống đường nữa, kết luận đái tháo đường thai kỳ.

Nếu kết quả này bất thường, chuyển khám chuyên khoa nội tiết hoặc quản lý thai theo quy trình tiểu đường thai kỳ của Bệnh viện.

Nguồn: https://infonet.vietnamnet.vn/khoe-dep/suc-khoe/tam-bo-khi-mang-thai-me-bau-suyt-mat-con-403388.html