Dấu hiệu khẩn cấp phải nhập viện
Theo BS. Bùi Trọng Nghĩa - Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, khi có sốt, người bệnh nên đi khám bệnh để được chẩn đoán phù hợp, có bệnh sốt xuất huyết hay không.
Tùy mức độ bệnh và kết quả các xét nghiệm, người bệnh sẽ được chỉ định nhập viện hoặc được hướng dẫn dùng thuốc, theo dõi và chăm sóc tại nhà.
Bất cứ thời điểm nào trong ngày, người bệnh sốt xuất huyết cần nhập viện ngay nếu có các biểu hiện sau:
- Vật vã, bứt rứt hoặc lừ đừ, li bì.
- Tay chân lạnh.
- Đau bụng, nôn ói nhiều (Nôn ói 3 lần/giờ hoặc 4 lần trong vòng 6 giờ)
- Chảy máu răng, máu mũi, ói ra máu, tiêu phân đen.
Cần tránh những điều sau
Sốt xuất huyết Dengue không có thuốc đặc trị, nằm viện chủ yếu để theo dõi phát hiện và xử trí các biến chứng nặng của bệnh. Người bệnh sốt xuất huyết cần nghỉ ngơi, hạn chế vận động, uống nhiều nước ít nhất 2 lít/ ngày, ăn mềm dễ tiêu, không ăn uống thức ăn có màu đỏ và đen. Cần tránh không thực hiện những điều sau đây:
1. Uống thuốc giảm đau
Khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên của sốt xuất huyết như đau nhức mình mẩy, đau cơ, khớp, đau đầu đa phần mọi người thường tự ý mua thuốc giảm đau về dùng, trong đó có 2 loại là aspirin và ibuprofen.
Hai loại thuốc này sẽ làm cho tình trạng chảy máu ở người bệnh trầm trọng hơn, có thể xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng.
2. Uống thuốc hạ sốt dồn dập
Bệnh nhân sốt xuất huyết thường sốt cao và liên tục, nhiệt độ hầu như lúc nào cũng từ 39 – 40 độ C, nên người nhà rất lo lắng với vì tâm lý muốn hạ sốt nhanh nên người bệnh dùng thuốc hạ sốt dồn dập liên tục.
Sử dụng thuốc hạ sốt phải dung cách nhau ít nhất từ 4-6 giờ. Nếu dùng quá liều sẽ gây suy gan, rối loạn đông máu nguy hiểm tính mạng.
3. Cạo gió
Đối với nhiều người, cạo gió như một chiếc chìa khóa đa nặng sử dụng cho rất nhiều loại bệnh. Trong bệnh sốt xuất huyết, người bệnh dễ bị chảy máu hoặc bầm da do tình trạng rối loạn đông máu. Cạo gió làm vỡ các mạch máu tạo ra nhiều mảng bầm máu gây nguy hiểm tính mạng.
4. Truyền dịch
Sốt xuất huyết làm người bệnh mệt mỏi kéo dài, khá nhiều người nghĩ cần phải truyền dịch muối, đường, dung dịch sinh tố hay truyền đạm để người bệnh nhanh khỏe. Đây là quan niệm sai, vì truyền dịch không đúng cách sẽ dẫn đến phù, khó thở, thậm chí phù phổi, suy tim, nguy hiểm đến tính mạng.
5. Quan niệm hết sốt là hết bệnh
Thông thường trong 3 ngày đầu người bệnh thường sốt cao, đau nhức toàn thân, người bệnh lo lắng, tích cực đi điều trị.
Từ ngày thứ 4 trở đi thì giảm sốt, người bệnh chủ quan xem như hết bệnh. Tuy nhiên đây lại là thời điểm nguy hiểm nhất của bệnh vì giai đoạn này người bệnh có thể có những biến chứng nặng, nguy hiểm đến tính mạng.