Tận dụng 3 đồ vật quen thuộc ở nhà để tập 7 động tác siêu đơn giản giúp bạn đánh tan mỡ thừa

ngày 17/04/2020

Đánh tan mỡ trên cơ thể có lẽ là mục tiêu của rất nhiều cô gái, đặc biệt là trong thời điểm mùa dịch Covid-19 hoành hành cộng thêm chỉ thị cách ly toàn xã hội khiến cho nhiều phòng tập đồng loạt đóng cửa. Lúc này, việc tập luyện ở nhà vẫn là giải pháp tối ưu cho mùa cách ly dài hạn.

Biết được tâm lý của các bạn gái nên gần đây cô nàng Hoài Thương (22 tuổi, PT Freelance tại TP. HCM) đã chia sẻ các video hướng dẫn cách đánh tan mỡ hiệu quả tại nhà mà dụng cụ tập lại đến từ những vật dụng rất đơn giản như ghế dựa, bình nước, chậu cây…

Hoài Thương (22 tuổi)

Đây thực chất đều là những món đồ mà bất cứ nhà nào cũng có. Vậy nên, nếu bạn còn đang đắn đo tìm dụng cụ tập luyện thì hãy xếp ngay các đồ vật này lại và bắt tay vào tập luyện cùng Hoài Thương thôi nào!

Động tác 1: Tập mông và đùi

(Lưu ý đẩy hông lên cao và siết mông thật chặt để cảm nhận được cơ mông hoạt động)

- Bạn sử dụng một chiếc ghế dựa để làm điểm tựa, tựa nửa phần lưng trên lên ghế, đầu ngẩng lên cao và 2 tay để hờ sau tai.

- Hai bắp chân đặt vuông góc mặt sàn, mông hạ thấp hơn đầu gối và hông. Sau đó bước chân trái sang ngang rồi bước ngược lại một cách nhịp nhàng. Lặp lại tương tự với chân phải.

- Tập 3 hiệp, mỗi hiệp tập 12 cái cho từng bên.

Động tác 2: Tập lưng

(Lưu ý khi thực hiện chuyển động hết một vòng thì gồng và giữ cơ lưng lại 3 giây nhằm giúp đốt mỡ lưng và tạo đường sọc ở cột sống)

- Bạn sử dụng một chiếc ghế dựa để làm điểm tựa và một bình nước làm tạ cầm tay, chống đồng thời tay và đầu gối phải lên măt ghế. Chân trái đặt dưới sàn, đầu gối hơi khuỵu và nhấc mông lên cao, giữ lưng thẳng.

- Sau đó dùng tay trái nâng bình nước lên xuống nhịp nhàng. Lặp lại tương tự với bên còn lại.

Tập 3 hiệp, mỗi hiệp tập 15 cái.

Động tác 3: Tập lưng

(Lưu ý khi thực hiện chuyển động hết một vòng thì gồng và giữ cơ lưng lại 3 giây nhằm giúp đốt mỡ lưng và tạo đường sọc ở cột sống)

- Bạn sử dụng một chiếc ghế dựa để làm điểm tựa và một bình nước làm tạ cầm tay tương tự động tác 2.

- Sau đó ngồi lên ghế, hơi gập người về phía trước và giữ thẳng đầu, hai tay cầm bình nước lần lượt đưa lên, hạ xuống đồng điệu và nhịp nhàng với hơi thở.

Tập 3 hiệp, mỗi hiệp tập 15 cái.

Động tác 4: Tập vai

(Lưu ý khi thực hiện kéo vai lên nhớ giữ lại 3 giây rồi gồng cơ vai lại)

- Bạn sử dụng một chậu cây bằng đất nung để làm vật nâng, hai chân bước dang rộng bằng vai.

- Sau đó để dọc 2 cánh tay, úp 2 lòng bàn tay vào 2 bên hông chậu cây rồi nâng lên cao ngang ngực và nhịp nhàng hạ xuống.

Tập 4 hiệp, mỗi hiệp tập 15 cái.

Động tác 5: Tập tay

(Lưu ý thực hiện động tác thật chậm để cảm nhận cơ tay hoạt động, khi tập không nên thẳng tay, khóa khớp nhằm tránh dẫn đến chấn thương)

- Bạn tựa mông lên mặt ghế, hơi gập nhẹ người về phía trước.

- Sau đó đặt tay phải lên đùi, tay trái nâng bình nước đưa lên, hạ xuống nhịp nhàng đồng thời gật nhẹ đầu đồng điệu với tay và hơi thở. Làm tương tự với bên tay còn lại.

Tập 3 hiệp, mỗi hiệp tập 10 cái cho từng bên tay.

Động tác 6: Tập tay

(Lưu ý thực hiện động tác thật chậm để cảm nhận cơ tay hoạt động, khi tập không nên giữ thẳng tay, khóa khớp nhằm tránh dẫn đến chấn thương)

- Bạn tựa mông lên mặt ghế, ngồi thẳng lưng, vòng 2 cánh tay ra sau gáy, 2 lòng bàn tay hướng vào nhau và giữ bình nước ở giữa.

- Sau đó nâng bình nước lên xuống nhịp nhàng và thật chậm rãi.

Tập 3 hiệp, mỗi hiệp tập 10 cái.

Động tác 7: Tập tay

(Lưu ý thực hiện động tác thật chậm để cảm nhận cơ tay hoạt động, khi tập không nên giữ thẳng tay, khóa khớp nhằm tránh dẫn đến chấn thương)

- Chống tay vào mép ghế, giữ tay và lưng thẳng đứng, hai chân dang rộng hơn so với vai, gập đầu gối và cẳng chân 1 góc 90 độ.

- Sau đó hạ mông và vai xuống sao cho bắp tay và khuỷu tay tạo với nhau một góc 90 độ rồi nâng mông và vai lên về vị trí ban đầu.

Tập 3 hiệp, mỗi hiệp tập 10 cái.

Nguồn: Báo Tổ Quốc