Sinh viên Y khoa chống dịch Covid-19 và 'thử thách đặc biệt'

ngày 07/04/2020

Khi dịch Covid-19 bùng phát ở châu Âu, Charlotte Dubral, 24 tuổi, đang theo học tại Ba Lan theo chương trình trao đổi sinh viên Erasmus. Giữa tháng ba, cô trở lại Đức.

Hiện tại, thay vì nghe giảng ở Krakow, Dubral làm việc tại Khoa Y tế dự phòng và Bệnh truyền nhiễm, ĐH Cologne - nơi xét nghiệm virus corona cho 200-250 người mỗi ngày.

Charlotte Dubral về Đức, tham gia hỗ trợ công việc xét nghiệm virus corona tại ĐH Cologne. Ảnh: DW.

Thời điểm dấn thân vì cộng đồng

Charlotte Dubral quyết định tình nguyện tham gia chống dịch khi nghe bạn bè kể về các chương trình dành cho sinh viên.

"Trong năm học ở Ba Lan, tôi làm quen với bạn bè từ Tây Ban Nha, Italy. Họ kể tôi nghe về dịch bệnh ở nước mình. Tôi tự nghĩ không thể để điều đó xảy ra ở Đức được và quyết định tham gia hỗ trợ vì không nằm trong nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao", nữ sinh 24 tuổi chia sẻ trên DW.

Trải qua khóa đào tạo về quy trình vệ sinh, học cách mặc đồ bảo hộ, khử khuẩn tay, Dubral được giao nhiệm vụ ghi lại triệu chứng của những người đến xét nghiệm và tìm hiểu họ từng tiếp xúc ai. Sau đó, cô hõ trợ thu thập mẫu bệnh phẩm được chọn ngẫu nhiên trong số bệnh nhân tại bệnh viện trực thuộc trường.

Trong khi đó, Moritz Leweke dành thời gian lẽ ra để viết luận án tiến sĩ để hỗ trợ các y tá tại phòng khám ĐH Bonn chăm sóc bệnh nhân Covid-19 trong phòng cách ly.

"Ban đầu, mọi chuyện không hề dễ. Lần đầu tiên mặc đồ bảo hộ, tôi không chắc mặc đúng không nữa. Tôi có chút lo lắng khi đi qua hàng rào cách ly và cố gắng đảm bảo đeo khẩu trang đúng cách. Không phải thành thói quen nhưng giờ tôi tự tin hơn rồi", nam sinh 23 trả lời phỏng vấn qua điện thoại.

Leweke thấy vui khi được ứng dụng các nghiên cứu về miễn dịch thực nghiệm của mình vào thực tiễn và nhận phản hồi tích cực. Cậu cũng nhận thức rõ mình có thể nhiễm virus corona nhưng vẫn tình nguyện tham gia chống dịch.

"Học y, bạn biết đây là một trong những thời điểm nguy hiểm của nghề. Đây cũng là một trong những tình huống yêu cầu dấn thân", Moritz Leweke nói.

Moritz Leweke cho rằng đây là thời điểm sinh viên ngành Y dấn thân vì nghề. Ảnh: DW.

Rất cần sự giúp đỡ của sinh viên Y khoa

Leweke và Dubral chỉ là hai trong số hàng nghìn sinh viên tình nguyện chống dịch Covid-19 ở Đức. Phong trào tình nguyện được khởi xướng từ nhóm Facebook Medis vs. Covid-19, hiện có hơn 20.000 thành viên.

Sau đó, nhóm phát triển trang web riêng. Sinh viên ngành Y có thể truy cập, tìm kiếm bệnh viện hoặc tổ chức y tế khác đang cần hỗ trợ. Áo cũng có nhóm tương tự với 5.000 thành viên. Dự án khác, Match4Healthcare, cũng kết nối sinh viên Y khoa và tình nguyện viên khác với cơ sở y tế.

Bernd Metzinger, Liên đoàn Bệnh viện Đức (DKG), không cảm thấy ngạc nhiên khi hàng nghìn sinh viên tình nguyện tham gia chống dịch.

"Tôi hành nghề y lâu năm nên hiểu đồng nghiệp và thế hệ trẻ của ngành. Họ rất tận tâm, muốn giúp đỡ tất cả bệnh nhân. Vì vậy, họ tham gia. Thực lòng, tôi vui khi chứng kiến điều này", ông nói.

Hiện tại, tình hình tại các bệnh viện ở Đức vẫn được kiểm soát, nhân viên y tế có thể điều hành các phòng chăm sóc đặc biệt mà không cần hỗ trợ. Nhưng Metzinger cho rằng tình thế sẽ sớm thay đổi. Đến ngày 1/4, 5.500 bệnh nhân mắc Covid-19 phải điều trị tại bệnh viện. Trong đó, 1.500 ca phải nằm phòng chăm sóc đặc biệt.

"Chúng tôi đánh giá tình huống sẽ căng thẳng hơn trong 14 ngày tới. Số lượng bệnh nhân, số ca cần máy trợ thở sẽ tăng. Khi đó, chúng tôi cần mọi sự giúp đỡ, đặc biệt từ những người đã được đào tạo như sinh viên ngành Y", ông cảnh báo.

Sinh viên ngành Y ở Đức đối mặt tình thế khó khăn, có thể phải chuyển chuyên ngành vì "tình thế yêu cầu". Ảnh: Reuters.

"Thử thách đặc biệt" của sinh viên Y khoa ở Đức

Dịch Covid-19 bùng phát có thể ảnh hưởng lâu dài đến sự nghiệp của sinh viên ngành Y, đặc biệt những người đã học xong, đang chờ thi tốt nghiệp, trước khi chuyển sang thực tập.

Ngày 1/4, Bộ Y tế Đức cho biết đang xem xét có hoãn thi tốt nghiệp hay vẫn giữ nguyên lịch thi vào giữa tháng 4, "nếu tình thế cho phép". Nếu hoãn thi, sinh viên có thể bắt đầu thực tập sớm hơn thường lệ.

Mattis Manke, Hiệp hội Sinh viên Y khoa Đức, lo lắng sinh viên có thể phải thay đổi chuyên ngành khi Bộ Y tế tuyên bố rõ ràng họ có thể chuyển ngành để "đáp ứng yêu cầu trong tình hình ngành Y hiện nay".

Dù hiểu cơ sở y tế cần hỗ trợ, Manke cho biết áp lực này có thể ảnh hưởng xấu đến tương lai sinh viên khi việc chọn chuyên ngành tác động lớn đến sự nghiệp sau này.

Mattis Manke lo lắng sinh viên có nguy cơ học hỏi ít hơn thường lệ trong năm thực tập do các bác sĩ bận rộn điều trị bệnh nhân mắc Covid-19, không có đủ thời gian để hướng dẫn họ.

Trong khi đó, Bộ Y tế cho biết họ hiểu sinh viên đang đối mặt "thử thách đặc biệt" và đề nghị bệnh viện trợ cấp cho sinh viên tham gia chống dịch dù về mặt quy định, họ không cần làm thế.


Nguồn: Báo Zing