SKĐS - Ngày càng có nhiều người bệnh đái tháo đường chọn cho mình chế độ ăn nhiều hơn 3 bữa mỗi ngày. Tuy nhiên không phải ai cũng biết cách lựa chọn bữa ăn phụ một cách khoa học.
1. Sai lầm thường gặp ở người bệnh đái tháo đường khi lựa chọn bữa ăn phụ
Theo ThS. BS Nguyễn Thu Yên, chuyên khoa Nội tiết, Bệnh viện đa khoa Đức Giang, qua quan sát thực tế, các bác sĩ nhận thấy bữa phụ là bữa ăn mà người bệnh đái tháo đường thường hay mắc sai lầm nhiều nhất.
Những sai lầm người bệnh thường gặp nhất là:
- Chọn thực phẩm có chỉ số đường huyết và hàm lượng đường cao như: Miến dong, xôi, bánh chưng, bột sắn, bánh mì, các loại bánh, nước trái cây ép, trái cây sấy khô…
- Ăn đơn thuần tinh bột: Bữa ăn chỉ chứa tinh bột sẽ khiến đường huyết tăng nhanh sau bữa ăn nhưng lại không duy trì cảm giác no lâu làm cho người bệnh có xu hướng ăn tăng lượng tinh bột và tăng số bữa ăn trong ngày.
- Ăn bữa phụ mà không biết đường huyết cao hay thấp và không biết ngay cả khi người bệnh có cảm giác đói đường huyết vẫn có thể ở mức cao.
- Ăn bữa phụ lớn: Đây là sai lầm rất nhiều người mắc phải. Do các thuốc làm hạ đường huyết thường tập trung vào nhiệm vụ hạ đường huyết cho các bữa ăn chính nên nếu ăn quá nhiều lượng đường vào bữa phụ thì đường huyết sẽ nhiều khả năng bị tăng lên vào các bữa ăn này.
- Ăn quá nhiều bữa: Do tâm lý sợ ăn lượng lớn vào mỗi bữa sẽ làm đường huyết tăng cao, một số người chọn cách chia nhỏ thành quá nhiều bữa trong ngày. Điều này không giúp đường huyết ổn định hơn mà ngược lại ảnh hưởng đến nhịp sinh học của cơ thể đồng thời ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống cũng như công việc, học tập.
Ăn bánh trong bữa phụ là sai lầm người bệnh đái tháo đường hay mắc.
2. Những ai cần ăn bữa phụ?
Chế độ ăn nhiều bữa nhỏ hoặc 3 bữa chính + 1-2 bữa phụ sẽ phù hợp cho một số đối tượng đặc biệt như:
Ăn 1 bữa không đủ năng lượng yêu cầu
Đang suy dinh dưỡng cần bổ sung năng lượng
Có thai cần tăng cân
Nguy cơ hạ đường huyết về đêm hoặc khi luyện tập thể lực nặng, kéo dài
3. Bữa ăn phụ lý tưởng cho người bệnh đái tháo đường
Theo ThS.BS Nguyễn Thu Yên, bữa ăn phụ lý tưởng dành cho người bị đái tháo đường là một bữa ăn giàu đạm, ít tinh bột, nhiều chất xơ và bao gồm chất béo lành mạnh.
Người bệnh nên chọn sữa tươi, sữa chua không đường, các loại trái cây, các loại hạt không muối hoặc rau củ…
Không nên ăn khoai tây chiên, bánh mì trắng, bánh gạo, bánh quy hay bột ngũ cốc chế biến sẵn, các loại quả sấy khô hay nước ép trái cây…
Người bệnh đái tháo đường nên chọn ăn sữa chua không đường.
3.1. Trái cây
Trái cây chứa nhiều vitamin, khoáng chất, chất xơ và chất chống oxy hóa tốt cho những người mắc bệnh đái tháo đường.
Chất xơ làm chậm quá trình tiêu hóa và tốc độ hấp thụ đường bị chậm lại. Điều này giúp cải thiện việc kiểm soát đường huyết và điều chỉnh việc giải phóng insulin để giữ cho lượng đường trong máu được ổn định.
- Trái cây họ cam quýt có chứa đường nhưng chúng không làm tăng lượng đường trong máu như các loại thực phẩm chứa đường vì hàm lượng chất xơ cao trong vỏ và cùi của chúng.
Trái cây họ cam quýt, đặc biệt là bưởi, cũng chứa naringenin, một polyphenol có tác dụng chống oxy hóa để điều chỉnh các enzym và giảm viêm và stress oxy hóa, có tác động tiêu cực đến việc điều chỉnh lượng đường trong máu và kháng insulin.
- Quả bơ là một nguồn giàu axit béo không bão hòa đơn có lợi ích cải thiện độ nhạy insulin và hấp thụ glucose để giảm lượng đường trong máu.
- Các loại quả mọng như dâu tây và việt quất có xu hướng đáp ứng đường huyết thấp hơn so với nhiều loại trái cây khác, rất tốt cho việc kiểm soát lượng đường trong máu và giảm cảm giác thèm ăn.
- Chuối cũng là trái cây giàu chất xơ, kali, vitamin B6, vitamin C và chất chống oxy hóa. Nghiên cứu cho thấy, nguồn tinh bột kháng trong chuối xanh có thể giúp cải thiện độ nhạy insulin.
Người bệnh đái tháo đường nên chọn chuối xanh, chuối ương hoặc chuối gần chín, không nên ăn chuối chín quá. Mỗi lần chỉ nên ăn 1 quả nhỏ - trung bình hoặc ½ quả lớn, không nên ăn quá nhiều một lúc. Và nên ăn chuối vào bữa ăn phụ, cách xa bữa chính khoảng 2 giờ.
Quả bơ rất tốt cho người bệnh đái tháo đường.
3.2. Sữa chua
Sữa chua là nguồn cung cấp vi khuẩn probiotic có lợi cho đường ruột. Các chủng vi khuẩn cụ thể như Lactobacillus và Bifidobacterium là những vi khuẩn probiotic phổ biến nhất được sử dụng trong thực phẩm như các sản phẩm sữa lên men và có thể giúp giảm lượng đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường.
Sữa chua Hy Lạp có ít carbs hơn 25% so với sữa chua nguyên chất. Ăn sữa chua có hàm lượng carb thấp hơn và giữ ở mức tối thiểu sẽ cho phép xây dựng một bữa ăn nhẹ chỉ có từ 10-15g carbohydrate, đây là mức lý tưởng với người bệnh đái tháo đường.
3.3. Các loại hạt
Hàm lượng chất béo lành mạnh trong các loại hạt, đặc biệt là hạnh nhân và quả óc chó, có thể giúp kiểm soát đường huyết bằng cách cải thiện con đường truyền tín hiệu insulin để giải phóng insulin từ các tế bào tuyến tụy để đáp ứng với sự gia tăng glucose trong máu và vận chuyển glucose vào cơ bắp.
Các loại hạt cũng là một nguồn cung cấp magiê, một khoáng chất giúp điều chỉnh khả năng insulin hấp thụ glucose từ máu để giảm lượng đường trong máu.
Nghiên cứu cho thấy, việc ăn các loại hạt như hạnh nhân hoặc quả óc chó mỗi ngày có thể giúp những người mắc bệnh đái tháo đường cải thiện kiểm soát đường huyết bằng cách giảm mức đường huyết lúc đói.
Nguồn: giadinh.net.vn