Rối loạn tâm lý ở thanh thiếu niên trong đại dịch COVID-19

ngày 02/07/2021

Đại dịch ảnh hưởng đến mọi mặt trong đời sống của chúng ta. Nó không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến thể chất mà còn tác động đến tinh thần, đặc biệt đối với nhóm tuổi vị thành niên, thanh thiếu niên.

Nhóm trẻ vị thành niên được coi là giai đoạn có nhiều thay đổi lớn. Thực tế, đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi khá nhiều thói quen sinh hoạt có thể dẫn đến việc trẻ căng thẳng, lo lắng hoặc buồn bã quá mức, thói quen ăn ngủ không lành mạnh và khó tập trung chú ý. Thậm chí khiến trẻ dễ nổi nóng, gây hấn hoặc ngược lại thất vọng, chán nản.

Những biểu hiện của rối loạn tâm lý

Việc giãn cách hay cách ly giao tiếp xã hội khiến trẻ không có cơ hội được tiếp xúc trò chuyện trực tiếp với những người thân quen hay bạn bè. Thay vì những cuộc gặp mặt liên hoan trực tiếp, trẻ phải thực hiện online rồi thường xuyên đeo khẩu trang ở những nơi công cộng. Trẻ không có cơ hội được chia sẻ trực tiếp cảm xúc cùng bạn bè đồng trang lứa. Trong khi đó chúng ta hiểu rằng nhu cầu giao lưu kết bạn duy trì các mối quan hệ bạn bè là nhu cầu quan trọng ở giai đoạn này. Do đó khi nhu cầu bị hạn chế sẽ dễ phát sinh những rối loạn tâm lý.

 Ngoài ra việc ở nhà lâu cũng khiến trẻ vị thành niên cảm thấy như thể cuộc sống đang bị đình trệ, tẻ nhạt. Trẻ không có cơ hội tham gia những hoạt động trải nghiệm sáng tạo ở bên ngoài vì đây là lứa tuổi rất năng động, ưa khám phá, thích thử thách và cái mới. Điều này dễ khiến trẻ cảm thấy hụt hẫng, buồn bã, tự ti thấy mình “vô giá trị”.

rối loạn tâm lý

Rối loạn tâm lý thường gặp ở trẻ vị thành niên trong đại dịch COVID-19.

 Việc đóng cửa trường học do COVID-19 khiến cho trẻ vị thành niên phải học tập ở nhà và trên các nền tảng trực tuyến. Điều này cản trở sự phát triển liên tục của trẻ vị thành niên về các kỹ năng thể thao hoặc kỹ năng thực hành học nghề. Một số trẻ cũng có thể cảm thấy mệt mỏi vì học online. 

 Ngoài ra, COVID-19 cũng khiến nhiều gia đình của trẻ vị thành niên mất việc làm và giảm lương ảnh hưởng đến thu nhập và kinh tế. Điều này khiến đời sống vật chất, chăm lo sức khỏe của trẻ không được đảm bảo. Hơn thế nữa, các yếu tố gây căng thẳng về kinh tế có thể làm trẻ tăng nguy cơ tiếp xúc với bạo lực. Cùng với việc ở nhà trong thời gian COVID-19, một số trẻ vị thành niên có thể bị lạm dụng và bỏ bê ngày càng nhiều. Hoạt động trực tuyến gia tăng cũng khiến chúng gặp nguy cơ cao hơn với những mối nguy hại trực tuyến, chẳng hạn như bóc lột tình dục trực tuyến, bắt nạt trên mạng, hành vi chấp nhận rủi ro trực tuyến và tiếp xúc với nội dung có thể gây hại.

 Các biện pháp trợ giúp trẻ vị thành niên

trò chuyện cùng con 

Trò chuyện cùng con sẽ hạn chế những rối loạn tâm lý mà trẻ thường gặp phải ở tuổi vị thành niên.

 Giúp trẻ vị thành niên giữ gìn sức khỏe. Dạy cho trẻ vị thành niên về tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe. Điều quan trọng là phải đảm bảo trẻ vị thành niên được chăm sóc sức khỏe liên tục, bao gồm thể chất và tinh thần. Ăn uống đầy đủ, tập luyện thể dục thể thao trong điều kiện phù hợp tại nhà.

Giúp trẻ vị thành niên duy trì kết nối xã hội. Điều quan trọng là người lớn phải giúp trẻ vị thành niên chịu trách nhiệm cá nhân để bảo vệ bản thân và những người khác, cũng như hỗ trợ chúng dành thời gian kết nối với bạn bè và gia đình từ xa một cách an toàn. Điều quan trọng là gia đình và bạn bè phải giúp trẻ vị thành niên tìm ra những cách thay thế, sáng tạo và an toàn để kết nối và hỗ trợ nhau từ xa. Khuyến khích trẻ vị thành niên liên hệ với bạn bè và gia đình qua điện thoại, trò chuyện video, mạng xã hội hoặc thậm chí qua trò chơi điện tử. Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần khuyến khích động viên trẻ sử dụng các thiết bị điện tử hay internet phù hợp với các nhu cầu học tập và giải trí. Tránh việc lạm dụng quá mức các phương tiện này. 

 Trường học có thể có các lời khuyên và hướng dẫn để giúp hỗ trợ nhu cầu cảm xúc và xã hội của trẻ. Các chương trình học tập nên được tổ chức một cách linh hoạt sáng tạo tăng độ hứng thú và lôi cuốn cho trẻ như các trò chơi sinh động, minigame khiến trẻ vui vẻ hơn khi học online. 

 Điều quan trọng là cha mẹ và những người trưởng thành cần duy trì mối quan hệ đáng tin cậy và giao tiếp cởi mở với trẻ vị thành niên. Kiên nhẫn, bao dung, lắng nghe những nhu cầu của trẻ. Ngoài ra, để ý những thay đổi cảm xúc và hành vi của trẻ. Người lớn cần mang lại sự ổn định và các nguồn hỗ trợ để giúp trẻ vị thành niên ứng phó cũng như tạo điều kiện cho việc tiếp cận với sự trợ giúp chuyên nghiệp và các đường dây nóng khẩn cấp khi cần thiết.

ThS. tâm lý Nguyễn Như Phương