Nữ sinh 12 tuổi chịu áp lực phải đứng đầu lớp mới được vào đội tuyển học sinh giỏi, tâm lý luôn căng thẳng, lo lắng, hoảng sợ, phải nhập viện.
Ngày 19/6, tiến sĩ Ngô Anh Vinh, Phó trưởng Khoa Sức khỏe Vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết bệnh nhân nhập viện hồi cuối tháng 5 trong tình trạng chán nản, lo âu, sợ hãi, mất ngủ kéo dài không tập trung vào học.
Người nhà cho biết em hiền lành, ngoan ngoãn, học giỏi. Tuy nhiên, do áp lực phải đạt được vị trí đứng đầu lớp mới được vào đội tuyển đi thi học sinh giỏi của trường, em phải nỗ lực rất nhiều. Căng thẳng kéo dài khiến em cảm thấy sợ đi học, căng thẳng, không ngủ được, học lực giảm sút.
Tiến sĩ Vinh chẩn đoán bệnh nhi bị rối loạn tâm lý liên quan áp lực học tập căng thẳng. Tình trạng này cũng thường gặp ở rất nhiều học sinh.
Năm 2022, Khoa Sức khỏe Vị thành niên nghiên cứu về các rối loạn tâm lý ở học sinh tại một số trường trung học cơ sở ở Hà Nội. Kết quả, 38% trẻ được nghiên cứu có các biểu hiện lo âu, 33% bị stress, 26% trầm cảm.
Theo tiến sĩ Vinh, trong số trẻ đến Bệnh viện Nhi Trung ương khám và điều trị do trầm cảm và căng thẳng, nhiều em được đánh giá ngoan, thành tích học tập giỏi. Những trẻ này thường hay tự tạo áp lực với bản thân, nỗ lực không ngừng để giữ hình ảnh với bạn bè, gia đình, thầy cô. Điều này khiến trẻ dễ bị căng thẳng, lo lắng, mệt mỏi, trầm cảm, nhất là khi không đạt được kỳ vọng như mong muốn.
Nguyên nhân của rối loạn trên thường là khối lượng kiến thức quá nhiều, trẻ chuẩn bị cho kỳ thi chưa tốt, tâm lý chưa vững vàng và áp lực từ nhà trường, bố mẹ.
Dấu hiệu nhận biết trẻ rối loạn tâm lý là có hành vi và cảm xúc bất thường như hay cáu gắt hoặc khóc lóc vô cớ, mệt mỏi, buồn chán, không giao tiếp với mọi người; trẻ có biểu hiện mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều, chán ăn, bỏ ăn. Các triệu chứng cơ thể như đau bụng, đau đầu, đau ngực, tim đập nhanh; lo lắng quá mức, luôn trong trạng thái căng thẳng, hồi hộp.
Bác sĩ Vinh cho rằng cha mẹ không nên đặt kỳ vọng quá nhiều, vô tình tạo áp lực lớn cho con. Phụ huynh nên hiểu rõ về năng lực, sở trường của con để đặt ra mục tiêu, chọn trường, chọn lớp phù hợp. Cha mẹ cần lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của con để tư vấn cũng như định hướng đúng đắn, giúp trẻ giải tỏa áp lực về học tập, thi cử.
Như bé gái trên, bác sĩ tư vấn tâm lý, uống thuốc chữa triệu chứng, sau đó gia đình cho bé chuyển trường, thay đổi môi trường sống để giảm áp lực cho con. Hiện bé đã ra viện, tâm lý ổn định, hết rối loạn lo âu.
Nguồn: VnExpress