Những lưu ý cho người bệnh ung thư trong đại dịch COVID-19

ngày 03/08/2021

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, việc theo dõi cũng như điều trị cho người bệnh trong giai đoạn này gặp nhiều thách thức, nhất là đối với người bệnh ung thư.

Hiểu được những nguy cơ và các khía cạnh cần được ưu tiên sẽ góp phần đảm bảo quyền lợi, sự an toàn và mang đến chất lượng cuộc sống tốt hơn cho người bệnh ung thư.

Có nhiều khuyến cáo được đưa ra để hướng dẫn các khía cạnh nên được ưu tiên trong chăm sóc người bệnh, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 đối với việc quản lý người bệnh ung thư.

Người bệnh ung thư và những nguy cơ trong mùa dịch COVID-19

Cho đến nay, không có báo cáo của hệ thống nào về tỷ lệ nhiễm COVID-19 hoặc SARS-CoV2 không có triệu chứng cao hơn ở bệnh nhân ung thư. Tuy nhiên, dữ liệu gần đây từ Trung Quốc, Ý và Mỹ, cho thấy bệnh nhân ung thư có rủi ro cao hơn người bình thường khi mắc COVID-19.

Dữ liệu hiện có chỉ ra rằng người cao tuổi với các tình trạng sức khỏe tiềm ẩn như bệnh hô hấp mạn tính, bệnh tim mạch, thận mạn tính, tiểu đường, ung thư đang tiến triển và các bệnh mạn tính khác nói chung dễ bị tổn thương hơn.

photo-1627886659842

Người bệnh ung thư cần đặc biệt lưu ý để tránh nguy cơ nhiễm bệnh COVID-19.

Người bệnh ung thư đang hóa trị; người bệnh đang được xạ trị trên diện rộng; những người đã cấy ghép tủy xương hoặc tế bào gốc trong 6 tháng qua, hoặc những người vẫn đang dùng thuốc ức chế miễn dịch.

Những người mắc một số loại ung thư máu hoặc ung thư hệ thống hạch làm tổn thương hệ thống miễn dịch (ví dụ, bệnh bạch cầu mạn tính, ung thư hạch, đa u tủy xương) thì cần đặc biệt lưu ý để tránh nguy cơ nhiễm bệnh COVID-19 vì nếu nhiễm bệnh có thể tình trạng bệnh sẽ nặng nề hơn.

Bệnh nhân có "bệnh ung thư đang tiến triển" có thể đủ điều kiện để phẫu thuật, hóa trị và/hoặc xạ trị, liệu pháp sinh học, liệu pháp nội tiết và liệu pháp miễn dịch thì cần tiến hành điều trị sớm cho nhóm bệnh nhân này.

Những bệnh nhân ung thư đã đạt được ổn định bệnh thì việc tái khám có thể tiến hành thăm khám từ xa hoặc chậm thăm khám định kì nếu dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ.

Người bệnh ung thư  cần phải kiểm tra?

Khi người bệnh có các dấu hiệu như: Sốt, ho khan, đau họng, khó thở, đau cơ, mệt mỏi, mất khứu giác… Cần nhập viện để được khám và điều trị. Người bệnh nghi ngờ các biểu hiện trên sẽ được kiểm tra xét nghiệm xem có nhiễm SARS-CoV-2 hay không.

Xét nghiệm RT-PCR SARS-CoV-2 nên được thực hiện cho tất cả người bệnh ung thư chuẩn bị phẫu thuật, xạ trị, và trước mỗi chu kì hóa trị hoặc miễn dịch để khẳng định rằng bệnh nhân không nhiễm COVID-19 từ đó sẽ tiến hành điều trị bệnh ung thư.

Những người bệnh đang theo dõi hoặc đang điều trị khi có các triệu chứng gợi ý nhiễm COVID-19. Xét nghiệm RT-PCR SARS-CoV-2 cần được làm sớm và tiến hành điều trị COVID-19 nếu người bệnh nhiễm bệnh; sau khi ổn định bệnh COVID-19 sẽ tiến hành điều trị tiếp bệnh ung thư.

photo-1627886662674

Kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai.

Trong đại dịch COVID-19, người bệnh ung thư cần làm gì?

Người bệnh ung thư được chia làm 2 nhóm: nhóm "Người bệnh hiện không cần điều trị" (bệnh đã ổn định) và nhóm bệnh nhân đang cần phải điều trị (điều trị bổ trợ hoặc điều trị bệnh di căn). Đối với tất cả người bệnh ung thư này cần được cung cấp giáo dục sức khỏe như:

Cần tuân thủ theo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế trong đó tránh đến những nơi đông người; luôn mang theo phương tiện bảo vệ cá nhân khi đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị. Rửa tay đúng cách theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Tuyệt đối không tiếp xúc với bạn bè và người thân có các triệu chứng COVID-19. Đảm bảo sự giãn cách xã hội với tất cả mọi người, bảo vệ mình để bảo vệ người khác.

Những lưu ý cho người bệnh ung thư trong đại dịch COVID - 19 - Ảnh 4.

Trong thời gian dịch bệnh COVID -19, người bệnh ung thư tuyệt đối tuân thủ các biện pháp phòng dịch.

Đối với những người bệnh đang được điều trị tích cực, cần được xác định những phương pháp cụ thể để đảm bảo thời gian điều trị phù hợp.

Việc thăm khám ngoại trú cho người bệnh ung thư nên được giảm xuống mức an toàn và khả thi nhất mà không gây nguy hiểm cho việc chăm sóc người bệnh.

Đối với người bệnh điều trị bằng đường uống có thể theo dõi bệnh từ xa, nên cung cấp thuốc từ 1 -3 tháng tùy tình trạng bệnh lý để giảm tiếp cận bệnh viện.

Người bệnh ung thư có thể tiêm phòng vắc xin COVID-19 nếu không có chống chỉ định với các thành phần của vắc xin, người bệnh cần có sự trao đổi với bác sĩ điều trị ung thư và bác sĩ khám sàng lọc tiêm vắc xin để lựa chọn thời điểm tiêm phòng phù hợp nhất.

Việc theo dõi xét nghiệm máu cho người bệnh ung thư có thể được thực hiện tại các phòng xét nghiệm gần nhà hoặc cơ sở y tế địa phương. Sau khi có kết quả có thể liên hệ với bác sĩ để được tư vấn từ xa, nên trì hoãn các lần tái khám để hạn chế việc di chuyển và tiếp xúc nơi đông người.

Giám sát chuyên sâu hơn nên được áp dụng trong quá trình điều trị cho người bệnh ung thư phổi hoặc những người đã được phẫu thuật phổi trước đó, và cho những người bệnh lớn tuổi hoặc những người bệnh có các bệnh đi kèm khác.

Các biện pháp chuyên sâu nên được thực hiện để tránh lây lan trong bệnh viện. Cần có các quy trình phân loại nghiêm ngặt và an toàn để đánh giá bất kỳ triệu chứng COVID-19 nào cũng như mức độ khẩn cấp và cần thiết của việc nhập viện. 

ThS.BS. Lê Văn Long - Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu- Bệnh viện Bạch Mai