Thuốc trị bệnh Alzheimer, dùng thế nào cho an toàn, hiệu quả?

ngày 08/12/2021

Bệnh Alzheimer là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây nên tình trạng sa sút trí tuệ, ảnh hưởng tới suy nghĩ, hành vi và trí nhớ của người bệnh. Do đó, việc phát hiện và điều trị bệnh sớm có ý nghĩa rất lớn đối với bệnh nhân và người nhà trong việc giúp giảm gánh nặng bệnh tật.

1. Nguyên nhân gây bệnh

Hiện tại, nguyên nhân chính xác của bệnh Alzheimer vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên nhiều giả thuyết cho rằng, những bất thường chức năng của protein trong não làm gián đoạn hoạt động của các tế bào thần kinh, gây ra tổn thương tế bào, mất liên kết và cuối cùng là sự chết đi của tế bào thần kinh.

Các nhà khoa học đang tập trung nghiên cứu vai trò của 2 loại protein được xem là nguyên nhân chính gây bệnh Alzheimer, đó là:

Nội dung

1. Nguyên nhân gây bệnh
2. Các triệu chứng thường gặp ở người mắc Alzheimer
3. Thuốc điều trị bệnh Alzheimer
3.1. Điều trị Alzheimer bằng thuốc ức chế men cholinesterase
3.2. Memantine
3.3. Aducanumab
3.4. Một số thuốc khác
4. Những lưu ý khi sử dụng thuốc điều trị bệnh Alzheimer
5. Một số cách phòng ngừa bệnh Alzheimer hiệu quả

- Amyloid beta: Đây là những protein hòa tan được tạo ra trong quá trình chuyển hóa của tế bào não và được tiết vào trong dịch não tủy. Khi bị bong ra và vón lại, tạo thành các mảng lắng đọng lớn hơn gọi là mảng amyloid ngáng giữa các tế bào. Điều này dẫn đến sự gián đoạn dẫn chuyển tín hiệu của các tế bào thần kinh. Lâu dần, các tế bào không nhận được thông tin trở nên bất hoạt, gây nên hiện tượng quên.

- Protein tau: Loại protein này đóng vai trò trong hệ thống hỗ trợ và vận chuyển chất dinh dưỡng của tế bào thần kinh. Trong bệnh Alzheimer, chúng thay đổi hình dạng và tự tổ chức thành các cấu trúc được gọi là đám rối sợi thần kinh. Sau đó làm rối loạn hệ thống vận chuyển tín hiệu thần kinh và gây hại cho các tế bào não. Đồng thời cũng làm suy giảm chất dẫn truyền thần kinh. Hậu quả là các tín hiệu từ não không được truyền đi đúng cách.

Nguyên nhân chính xác của bệnh Alzheimer vẫn chưa được xác định rõ ràng.

2. Các triệu chứng thường gặp ở người mắc Alzheimer

Triệu chứng của người mắc Alzheimer đầu tiên là đãng trí, bị quên tên hoặc nơi vừa đặt đồ vật.

Dấu hiệu kế tiếp của bệnh là trí nhớ và tư duy bất thường. Ngoài ra, bệnh nhân có thể quên tên người quen, hỏi cùng một câu hỏi, kể cùng một câu chuyện nhiều lần, khó khăn trong ghi nhớ mọi thứ trong cuộc sống...

Ở những giai đoạn sau, bệnh nhân bị Alzheimer thường đi lang thang hoăc bị lạc, thay đổi tính cách và cảm xúc... Do đó, bệnh nhân sẽ cần sự giúp đỡ nhiều hơn từ người xung quanh và cần có một chế độ chăm sóc đặc biệt toàn diện.

Chính vì vậy, khi có bất kỳ các dấu hiệu bất thường trên, bệnh nhân cần đến cơ sở y tế để được phát hiện bệnh và có phương pháp điều trị kịp thời, tránh để bệnh diễn tiến đến giai đoạn nặng.

Hình ảnh não của bệnh nhân Alzheimer.

3. Thuốc điều trị bệnh Alzheimer

Mặc dù đến nay, y học vẫn chưa tìm ra liệu pháp nào giúp đảo ngược quá trình của bệnh Alzheimer nhưng việc dùng thuốc có thể làm chậm tiến triển bệnh.

Các thuốc điều trị Alzheimer được chia làm 2 loại:

Thuốc điều trị các triệu chứng liên quan đến nhận thức (gồm thuốc ức chế cholinesterase, memantine).
Thuốc trì hoãn suy giảm nhận thức ở những người sống chung với căn bệnh Alzheimer (aducanumab).

3.1. Điều trị Alzheimer bằng thuốc ức chế men cholinesterase

Các thuốc thường dùng là donepezil, rivastigmin và galantamin. Đây là nhóm thuốc được đề nghị sử dụng hàng đầu khi có chẩn đoán Alzheimer mức độ nhẹ đến trung bình. Thuốc hoạt động dựa theo cơ chế ngăn chặn sự phân hủy acetylcholine, làm tăng nồng độ acetylcholine – một chất dẫn truyền thần kinh quan trọng, chịu trách nhiệm về trí nhớ và khả năng nhận thức của não. Tuy nhiên, thuốc chỉ có tác dụng làm chậm quá trình tiến triển của bệnh và hiệu quả càng cao khi bệnh được điều trị càng sớm. Khi bệnh Alzheimer tiến triển nặng hơn, não sản xuất ngày càng ít acetylcholine, do đó tác dụng của thuốc kháng cholinesterase sẽ giảm dần hoặc mất đi.

Ba loại chất ức chế cholinesterase thường được kê đơn thuốc bao gồm: Donepezil được cấp phép dùng điều trị trong tất cả các giai đoạn của bệnh Alzheimer; rivastigmine và galantamine được cấp phép dùng để điều trị bệnh Alzheimer trong giai đoạn nhẹ và vừa.

Cần chú ý theo dõi những tác dụng không mong muốn của nhóm thuốc ức chế cholinesterase như mệt mỏi, triệu chứng không dung nạp đường tiêu hóa (nôn ói, tiêu chảy), giảm cân và chậm nhịp tim, hạ huyết áp tư thế đứng…

Việc phát hiện và điều trị bệnh sớm có ý nghĩa rất lớn đối với bệnh nhân và người nhà.

3.2. Memantine

Loại thuốc này được FDA cấp phép sử dụng để điều trị bệnh Alzheimer giai đoạn trung bình đến nặng. Thuốc hoạt động bằng cách ức chế thụ thể NMDA nhằm ngăn chặn hoạt động của glutamate, một chất dẫn truyền thần kinh kích thích ở não. Do đó, tránh trường hợp mức glutamate quá cao dẫn đến sự chết tế bào thần kinh – được cho là góp phần vào sinh bệnh học của Alzheimer. Vì thuốc có cơ chế hoạt động khác với thuốc kháng cholinesterase nên bác sĩ có thể kết hợp 2 loại thuốc này để điều trị trong giai đoạn nặng của bệnh.

3.3. Aducanumab

Đây là thuốc mới được FDA phê duyệt cấp tốc gần đây. Thuốc được tiêm qua đường tĩnh mạch hằng tháng nhằm làm chậm lại tình trạng suy giảm nhận thức và trí nhớ ở người bệnh Alzheimer.

Aducanumab hoạt động bằng cách nhắm mục tiêu vào amyloid beta, một đoạn protein cực nhỏ hình thành và tích tụ thành mảng trong mô não của bệnh nhân Alzheimer.

Trong khi các nhà khoa học chưa xác định chắc chắn điều gì gây ra sự chết tế bào và mất mô trong quá trình bệnh Alzheimer, một giả thiết cho rằng sự tích tụ quá nhiều amyloid beta trong não một số người khi già đi và hệ miễn dịch bị suy giảm có thể là một nguyên nhân tiềm năng. Aducanumab là liệu pháp đầu tiên chứng minh rằng việc loại bỏ amyloid beta mang lại kết quả lâm sàng tốt hơn ở những bệnh nhân Alzheimer.

3.4. Một số thuốc khác

Ngoài các thuốc được FDA phê duyệt trên, có thể dùng thêm các loại thuốc bổ trợ thần kinh khác như ginko biloba. Ginko biloba đã được nghiên cứu rất nhiều trong hỗ trợ điều trị bệnh Alzheimer. Thuốc cho các kết quả khả quan trong việc cải thiện rõ rệt chức năng nhận thức, hành vi tâm thần và hoạt động sống hàng ngày trên bệnh nhân Alzheimer so với giả dược.

Cho đến nay, đã có nhiều bằng chứng về sự liên quan giữa bệnh Alzheimer và bệnh lý mạch máu não. Do đó hiện nay các nhóm thuốc có tác động lên mạch máu não như nicergoline, piracetam cũng được sử dụng như thuốc phối hợp điều trị bệnh Alzheimer.

Cho đến nay vẫn chưa có biện pháp nào giúp đảo ngược quá trình tiến triển của bệnh, mà chỉ có các phương pháp giảm nhẹ triệu chứng nhằm duy trì chất lượng cuộc sống.

4. Những lưu ý khi sử dụng thuốc điều trị bệnh Alzheimer

Thông thường, người bệnh Alzheimer được bác sĩ kê đơn với liều thấp và tăng liều từ từ đến khi đạt hiệu quả điều trị như mong muốn. Vì vậy, bệnh nhân cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ. Việc chỉnh liều phải tùy thuộc vào đáp ứng lâm sàng và khả năng dung nạp thuốc của từng người, do đó liều dùng thuốc của từng bệnh nhân là không giống nhau. Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần theo dõi và thông báo cho bác sĩ nếu xuất hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào sau khi dùng thuốc, do đa phần các thuốc điều trị Alzheimer đều gây ra một số tác dụng không mong muốn như: Buồn nôn, nôn, tiêu chảy, chán ăn,…

Trong quá trình điều trị, người bệnh không nên tự ý dùng thêm loại thuốc nào mà không hỏi ý kiến bác sĩ. Đồng thời, cần thông báo cho bác sĩ các loại thuốc hiện đang sử dụng, kể cả vitamin và thực phẩm chức năng để cân nhắc dùng thuốc, tránh các tương tác thuốc có hại xảy ra khi dùng chung nhiều loại thuốc cùng lúc.

5. Một số cách phòng ngừa bệnh Alzheimer hiệu quả

Mặc dù bệnh Alzheimer gây nên tình trạng mất trí nhớ tiến triển, không hồi phục, không đảo ngược, có thể phòng ngừa căn bệnh này bằng nhiều cách như:

- Thường xuyên kích thích trí não: Những người luôn cố gắng ghi nhớ và hoạt động não bộ sẽ có ít nguy cơ mất trí hơn. Do đó, có thể rèn luyện trí não bằng cách đọc sách báo hằng ngày, học thêm một ngôn ngữ mới, ghi chép các hoạt động xảy ra trong ngày,…

- Tập thể dục mỗi ngày: Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tập thể dục thể thao điều độ giúp bảo vệ trí nhớ, khả năng nhận thức và chất xám, do đó giúp kiểm soát bệnh Alzheimer. Các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ 30-60 phút, đi xe đạp, tập Yoga… giúp tăng khả năng kết nối các mạch máu ở não và kích thích phát triển khả năng nhận thức.

- Cải thiện chế độ ăn uống: Có thể áp dụng chế độ ăn MIND giúp ngăn ngừa nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer nếu được tuân thủ chặt chẽ. Chế độ ăn MIND kết hợp giữa chế độ ăn uống DASH và Địa Trung Hải. Chế độ ăn này khuyến khích tiêu thụ các loại rau lá xanh (bắp cải, rau chân vịt...), quả hạch (hạnh nhân, hạt điều...), quả mọng (việt quất, nho...), các loại đậu (đậu lăng, đậu gà...) và cá; giảm đường, chất béo và các loại thịt đỏ trong khẩu phần ăn.

- Chăm sóc giấc ngủ: Theo một số nghiên cứu khoa học, giấc ngủ kém chất lượng và/hoặc thiếu ngủ mãn tính có liên quan đến mức amyloid beta cao hơn có thể thúc đẩy sự khởi phát của bệnh Alzheimer. Vì thế, cần chú trọng giấc ngủ ban đêm đầy đủ và có chất lượng, tránh ngủ nhiều vào buổi trưa vì có thể làm mất ngủ buổi tối.

- Kiểm soát căng thẳng: Khi stress tăng cao, cơ thể bài tiết quá nhiều cortisol làm teo vùng não đảm nhận chức năng xử lí trí nhớ và giúp não phát triển. Do đó, khi có quá nhiều stress, não sẽ trở nên rối loạn và làm trí nhớ suy giảm.

Nguồn: https://suckhoedoisong.vn//thuoc-tri-benh-alzheimer-dung-the-nao-cho-an-toan-hieu-qua-169211206204659893.htm