Dưới đây là những chất dinh dưỡng bạn nên đưa vào chế độ ăn của mình để giữ cho bộ não khỏe mạnh, nhất là trong mùa dịch.
Đại dịch COVID-19 đã khiến tình trạng căng thẳng và lo lắng ngày càng gia tăng ở nhiều người, nhất là trong thời gian giãn cách xã hội. Điều quan trọng lúc này là phải duy trì sức khỏe tinh thần của bạn để vượt qua mọi thách thức mà đại dịch gây ra. Có nhiều cách để cải thiện điều này, trong đó tiêu thụ một chế độ ăn lành mạnh và tốt cho não bộ là điều dễ thực hiện nhất.
Một chế độ ăn giàu dinh dưỡng có thể mang lại lợi ích cho sức khỏe thể chất, tình cảm và tinh thần của chúng ta. Tiêu thụ thực phẩm giàu dinh dưỡng khuyến khích sự phát triển của lợi khuẩn có tác động tích cực đến việc sản xuất chất dẫn truyền thần kinh. Mặt khác, một chế độ ăn uống thường xuyên với đồ ăn vặt có thể gây ra tình trạng viêm nhiễm, dẫn đến gây cản trở quá trình sản xuất đó. Bộ não nhận được những thông điệp tích cực và rõ ràng khi quá trình sản xuất chất dẫn truyền thần kinh diễn ra tốt, cảm xúc của bạn sẽ phản ánh điều đó. Tuy nhiên, nếu quá trình sản xuất gặp trục trặc, tâm trạng của một người cũng bị ảnh hưởng. Chế độ ăn uống không lành mạnh sẽ thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn xấu, làm giảm sản xuất hormone “ hạnh phúc” dopamine.
Theo Trung tâm Thông tin Công nghệ Sinh học Quốc gia (NCBI), chất lượng chế độ ăn uống và sức khỏe tâm thần có liên quan và đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của một số rối loạn tâm thần, chẳng hạn như trầm cảm.
Thực phẩm giúp tăng cường sức khỏe não bộ
Chế độ ăn sạch và lành mạnh là điều cần thiết để duy trì sức khỏe não bộ. Thực phẩm, chất dinh dưỡng sau đây có thể có lợi cho sức khỏe não bộ của bạn:
- Axit béo omega 3 cải thiện tâm trạng cũng như trí nhớ và nhận thức.
- Probiotics, prebiotics và axit lactic có thể giúp duy trì sức khỏe não bộ một cách đáng kể.
- Ngũ cốc nguyên hạt, rau lá xanh, rau củ nhiều màu sắc, các loại đậu, hải sản và trái cây là những thực phẩm giàu chất dinh dưỡng giúp cải thiện sức khỏe tổng thể, bao gồm cả sức khỏe não bộ.
- Chế độ ăn kiêng loại bỏ đường như chế độ ăn Địa Trung Hải và chế độ ăn DASH (chế độ ăn ngăn ngừa huyết áp cao) giúp cải thiện đáng kể các triệu chứng và ngăn ngừa trầm cảm.
- Bổ sung vitamin B12 vào chế độ ăn bởi thiếu hụt loại vitamin này có thể gây ra mệt mỏi, trí nhớ kém và trầm cảm.
- Chế độ ăn ít carbohydrate và nhiều chất béo (chế độ ăn ketogenic) có thể giúp ích cho trẻ bị động kinh.
- Dưa cải muối, tương miso, kim chi, dưa chua là những thực phẩm lên men có thể cải thiện sức khỏe đường ruột và mức serotonin.
- Thiếu kẽm có thể dẫn đến trầm cảm. Vì vậy, cần bổ sung chất kẽm bằng cách ăn các thực phẩm giàu kẽm như ngũ cốc, các loại đậu hạt, rau xanh, sữa, trứng,…
Một số thực phẩm, chất dinh dưỡng cần tránh hoặc hạn chế
- Thịt đỏ
- Thực phẩm có lượng natri cao
- Thực phẩm quá nhiều chất béo bão hòa
- Đường. Đường được coi là nguyên nhân chính gây ra tình trạng viêm nhiễm và vi khuẩn xấu trong đường tiêu hóa./.
Nguồn vov.vn