Nguyên nhân gây đổ mồ hôi trộm ở trẻ và cách chữa hiệu quả

ngày 22/09/2022

Trẻ bị đổ mồ hôi trộm có đáng lo ngại? Làm sao để hết mồ hôi trộm ở trẻ? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp cho các mẹ hiểu rõ hơn.

Mồ hôi trộm ở trẻ là gì?

Đổ mồ hôi trộm ở trẻ là hiện tượng trẻ bị ra nhiều mồ hôi mặc dù thời tiết không nóng và con cũng không vận động nhiều. Trẻ đổ mồ hôi trộm nhiều nhất là vào ban đêm làm ướt quần áo, bết tóc hoặc giường ngủ.

Tình trạng này của con khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Vậy nguyên nhân gây đổ mồ hôi trộm ở trẻ và cách chữa hiệu quả như thế nào?

Phân biệt đổ mồ hôi trộm sinh lý và bệnh lý

- Đổ mồ hôi trộm sinh lý: Sự trao đổi chất ở trẻ nhỏ diễn ra mạnh hơn ở người lớn, và hiện tượng đổ mồ hôi trộm nhiều hơn chính là cách để cơ thể của bé được tỏa nhiệt. Trong trường hợp này, mồ hôi trộm không gây tác động xấu đến sức khỏe của trẻ.

- Đổ mồ hôi trộm bệnh lý: Tình trạng này hay xuất hiện ở những trẻ bị còi xương, lao sơ nhiễm, biểu hiện là đầu trẻ ra nhiều mồ hôi, nhất là khi bú mẹ hoặc sau khi ngủ, mồ hôi tăng tiết nhiều nhưng không liên quan đến thời tiết. Bên cạnh việc đổ mồ hôi, con còn xuất hiện thêm 1 vài triệu chứng ví dụ như ăn uống kém, đầu xương to, ngực nhô.

Những nơi thường xuất hiện tình trạng đổ mồ hôi trộm ở trẻ nhiều nhất là vùng lưng, trán, nách, hay bàn tay, bàn chân,...

Nguyên nhân gây ra bệnh đổ mồ hôi trộm bệnh lý ở trẻ

- Thiếu vitamin D: Ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh, nếu con bị thiếu Vitamin D thì sẽ gây ra hiện tượng đổ mồ hôi trộm. Đặc biệt, một số trẻ sinh non, bị nhẹ cân, còi xương, rối loạn tiêu hóa hay mắc những bệnh nhiễm khuẩn thì cũng dẫn tới thiếu vitamin D và bị đổ mồ hôi trộm.

- Chứng tăng tiết mồ hôi: Khi trẻ ở căn phòng thoáng, mát mẻ nhưng vẫn ra nhiều mồ hôi, có thể là con đang mắc chứng tiết mồ hôi. Biểu hiện rõ nhất là bàn tay, bàn chân hay bị ướt dính do mồ hôi tiết ra nhiều.

- Mắc bệnh tim bẩm sinh: Khi trẻ mặc các bệnh lý về tim mạch con cũng có thể ra mồ hôi trộm.

- Chứng ngưng thở khi ngủ: Trường hợp này hay gặp với trẻ sinh non. Hiện tượng này có thể kéo dài trong khoảng 20 giây, khi đó da bé tái nhợt kèm theo tiếng thở khò khè và cơ thể bé tiết ra nhiều mồ hôi.

- Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh SIDS: Trường hợp bé ngủ trong phòng quá nóng bức, không khí ngột ngạt sẽ có thể dẫn tới hội chứng đột tử SIDS. Phòng ngủ quá bí, khiến bé ngủ li bì, ra mồ hôi trộm nhiều và có thể ngừng thở.

Các biện pháp khắc phục mồ hôi trộm ở trẻ em1. Bổ sung vitamin D đầy đủ

Việc bổ sung bao nhiêu vitamin D cho trẻ sơ sinh phụ thuộc vào chế độ cho bé bú sữa mẹ, uống sữa pha theo công thức hay uống các loại sữa khác như sữa bò, sữa dê, cụ thể như sau:

Nếu người mẹ đang cho con bú hoặc chỉ cho con bú một phần, hãy bổ sung cho con 400 đơn vị vitamin D quốc tế (400 IU) mỗi ngày, bắt đầu ngay sau khi sinh. Sau đó, tiếp tục cho bé uống vitamin D cho đến giai đoạn cai sữa. Từ lúc này, nên bổ sung cho bé khoảng 1 lít sữa công thức mỗi ngày hoặc sữa bò nguyên chất (với các bé sau 12 tháng tuổi).

Nếu trẻ đang uống loại sữa có tăng cường vitamin D nhưng không thể dùng đủ 1 lít mỗi ngày, phụ huynh nên bổ sung cho bé 400 IU vitamin D dạng lỏng đều đặn ngày, bắt đầu trong vài ngày đầu sau khi sinh. Sau đó tiếp tục bổ sung vitamin D cho trẻ sơ sinh đến khi trẻ có thể uống được khoảng 1 lít sữa mỗi ngày.

2. Thường xuyên lau khô người bé khi đổ mồ hôi

Cha mẹ nên để ý và theo dõi thường xuyên, nếu trẻ có dấu hiệu đổ mồ hôi thì nên dùng khăn mềm lau khô. Đồng thời nên giữ cho nhiệt độ phòng luôn thoáng mát để trẻ có thể ngủ ngon hơn và bớt ra mồ hôi vào ban đêm. Cho trẻ mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, thấm hút mồ hôi. Không nên quấn bé quá kĩ trong chăn, tã lót.

3. Bổ sung nước và chế độ dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ

Mục đích là để tránh hiện tượng mất nước ở trẻ khi con ra mồ hôi quá nhiều. Phụ huynh nên cho trẻ ăn các loại rau củ quả có tính mát như bí đao, cam, rau má, cải ngọt,... Không nên cho con ăn các loại thực phẩm nóng, chứa nhiều dầu mỡ để tránh ra nhiều mồ hôi, khiến trẻ ngứa và nổi mụn.

Nguồn: phunuvietnam.vn