Bệnh cúm dễ bị nhầm với những bệnh nào?

ngày 14/07/2025

Khi có các biểu hiện như sốt, đau đầu, sổ mũi, mệt mỏi… nhiều người thường cho rằng mình đang bị cúm. Tuy nhiên, trên thực tế, có không ít bệnh lý khác cũng gây ra những triệu chứng tương tự, dễ khiến người bệnh nhầm lẫn, dẫn đến việc điều trị không đúng cách và kéo dài thời gian phục hồi.

Dấu hiệu nhận biết bệnh cúm

Bệnh cúm do virus cúm gây ra, có thời gian ủ bệnh khoảng 2 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn lây. Triệu chứng thường xuất hiện đột ngột và khá rầm rộ, bao gồm:

  • Sốt vừa đến cao (trên 38 độ C)

  • Ớn lạnh, đau đầu, chóng mặt

  • Đau nhức cơ thể

  • Mệt mỏi toàn thân, suy nhược

  • Buồn nôn, tiêu chảy (phổ biến hơn ở trẻ nhỏ)

Thông thường, sau 5 ngày, các triệu chứng sốt và đau nhức có thể giảm bớt, nhưng ho và mệt mỏi có thể kéo dài đến 1–2 tuần. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là nhiều triệu chứng của cúm rất giống với các bệnh lý hô hấp khác, khiến người bệnh dễ nhầm lẫn và chủ quan.

Những bệnh dễ bị nhầm với cúm

1. Cảm lạnh thông thường

Cảm lạnh và cúm đều là bệnh do virus gây ra và có nhiều biểu hiện tương đồng như đau họng, sổ mũi, hắt hơi. Tuy nhiên, cảm lạnh thường diễn tiến từ từ và nhẹ hơn, ít khi gây sốt cao hoặc đau nhức toàn thân như cúm. Thời gian khởi phát các triệu chứng ở cảm lạnh cũng chậm hơn, trong khi cúm thường đến nhanh và dữ dội hơn.

Bệnh cúm dễ bị nhầm với những bệnh nào?

2. Viêm họng do liên cầu khuẩn

Viêm họng liên cầu khuẩn cũng có thể gây sốt, đau họng, mệt mỏi – những triệu chứng khá giống cúm. Tuy nhiên, bệnh này thường không đi kèm với chảy mũi hay nghẹt mũi. Người mắc có thể có thêm biểu hiện sưng hạch cổ, sưng amidan, mảng trắng trong cổ họng – những dấu hiệu không phổ biến ở người bị cúm.

3. Viêm phổi

Viêm phổi có thể xuất hiện sau một đợt cúm hoặc là một bệnh lý riêng biệt. Giai đoạn đầu, bệnh dễ bị nhầm là cúm do cùng có sốt, ho, mệt mỏi. Tuy nhiên, viêm phổi – đặc biệt là do vi khuẩn – thường gây ho có đờm, đau ngực, khó thở, sốt cao kéo dài và có thể nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.

4. COVID-19

COVID-19 và cúm có nhiều biểu hiện giống nhau như sốt, ho, đau họng, đau mỏi người. Một số trường hợp COVID-19 còn gây mất khứu giác và vị giác – triệu chứng không có ở cúm mùa. Dù triệu chứng tương tự, nhưng COVID-19 có khả năng lây lan mạnh hơn và cần được xét nghiệm để chẩn đoán chính xác.

Khi nào nên tiêm vaccine phòng cúm?

Tiêm phòng cúm được khuyến cáo là biện pháp hiệu quả nhất để giảm nguy cơ mắc bệnh và hạn chế biến chứng nặng. Những nhóm đối tượng nên tiêm phòng cúm hàng năm bao gồm:

  • Trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi

  • Người cao tuổi trên 65 tuổi

  • Người mắc bệnh nền (tim mạch, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn, béo phì…)

  • Phụ nữ mang thai

  • Người suy giảm miễn dịch, ghép tạng

Vaccine cúm cần tiêm nhắc hàng năm vì virus cúm thường xuyên biến đổi. Việc tiêm chủng định kỳ giúp cơ thể tạo ra kháng thể phù hợp với chủng virus lưu hành trong từng mùa. Hiệu lực của vaccine thường đạt mức tối ưu sau 2–3 tuần kể từ thời điểm tiêm, và có thể kéo dài trong khoảng 6 đến 12 tháng.

Lưu ý: Những người có tiền sử dị ứng nặng với thành phần vaccine cúm hoặc đang sốt cao không nên tiêm. Cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tiêm để đảm bảo an toàn.

Nguồn: suckhoedoisong