Lợi ích bất ngờ của cà phê với người bệnh hen suyễn

ngày 17/03/2022

Là một trong những đồ uống phổ biến nhất thế giới, cà phê đã được chứng minh có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng, cà phê có tác động tương tự như một loại thuốc giãn phế quản yếu, có thể tạm thời làm giảm triệu chứng và cải thiện chức năng phổi ở người bệnh hen suyễn.

1. Triệu chứng điển hình của bệnh hen suyễn

Hen suyễn là một bệnh mạn tính. Khi bị hen suyễn, đường hô hấp của người bệnh có thể phản ứng với một số tác nhân khác nhau, ví dụ như khói thuốc, chất gây dị ứng như phấn hoa hoặc nhiễm trùng. Điều này dẫn đến đường thở bị co thắt và bị viêm, dẫn đến tắc nghẽn luồng không khí và gây khó thở.

Bệnh hen suyễn thường liên quan đến các yếu tố di truyền. Những người có tiền sử gia đình mắc bệnh hen suyễn có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn từ 2-6 lần. Hen suyễn cũng có thể phát triển sau khi tiếp xúc với nhiễm trùng đường hô hấp, chất gây dị ứng hoặc chất kích thích.

Các triệu chứng điển hình của bệnh hen suyễn là thở khò khè, tức ngực, khó thở và ho. Ngoài việc đánh giá các triệu chứng, bác sĩ có thể kiểm tra nhịp thở bằng các xét nghiệm chức năng phổi cũng như phản ứng của người bệnh với việc điều trị bằng thuốc giãn phế quản.

Hen suyễn có thể được điều trị bằng các loại thuốc giúp kiểm soát tình trạng bệnh, trong đó có thuốc giãn phế quản. Thuốc giãn phế quản hoạt động bằng cách làm giãn (mở rộng) đường thở để giúp người bệnh thở tốt hơn. Loại thuốc này thường được hít qua miệng bằng ống hít và cũng được kê đơn ở dạng lỏng, thuốc viên và thuốc tiêm.

Triệu chứng điển hình của bệnh hen suyễn là thở khò khè, tức ngực, ho, khó thở.

2. Mối liên hệ giữa việc uống cà phê với bệnh hen suyễn

Mối liên hệ giữa bệnh hen suyễn và cà phê có liên quan đến tác dụng của methylxanthines (thuốc giãn phế quản yếu) có trong cà phê. Các nghiên cứu cho thấy, caffein có thể tạm thời làm giảm triệu chứng và cải thiện chức năng phổi trong vòng 2-4 giờ sau khi uống.

Một nghiên cứu ở Hàn Quốc đã xem xét mối quan hệ giữa cà phê và bệnh hen suyễn (bao gồm có cả trà xanh và soda) dựa trên bằng chứng ngày càng tăng cho thấy, đồ uống có đường như soda trong thời kỳ mang thai, thời thơ ấu và tuổi trưởng thành có thể dẫn đến phát triển bệnh hen suyễn. Các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng cà phê (và trà xanh) có thể hoạt động như một loại thuốc giãn phế quản và giúp giảm bớt chứng viêm dị ứng.

Nghiên cứu đã phân tích tần suất uống nước giải khát của những người tham gia (3.146 người bị hen suyễn và 158.902 người không bị hen suyễn), sau đó là số lượng họ tiêu thụ.

Phát hiện cho thấy rằng, uống cà phê làm giảm tần suất mắc bệnh hen suyễn. Điều đáng ngạc nhiên là dường như nó có nhiều tác động tích cực hơn trong phân nhóm nữ so với phân nhóm nam.

Các nhà nghiên cứu kết luận rằng, uống một tách cà phê, 1-2 lần mỗi ngày, có thể có tác dụng bảo vệ chống lại bệnh hen suyễn.

Ngoài tác dụng như thuốc giãn phế quản, caffeine còn có một số tác dụng làm giảm mệt mỏi cơ hô hấp.

Một nghiên cứu cho thấy, uống caffeine trước khi tập thể dục có thể làm giảm các triệu chứng của bệnh hen suyễn. Tuy nhiên, liều lượng cần thiết để giảm bớt cơn hen suyễn quá cao có thể gây ra các phản ứng phụ. Do đó, người bệnh không nên dùng cà phê để thay thế các phương pháp điều trị do bác sĩ chỉ định để giảm triệu chứng hen suyễn.

Cà phê cũng có những lợi ích tuyệt vời khác vì nó chứa chất chống oxy hóa và các chất có thể làm giảm viêm và bảo vệ chống lại một số bệnh. Nghiên cứu cũng cho thấy, những người uống cà phê ít có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2 hơn (cà phê có thể giúp xử lý glucose tốt hơn)…

Cà phê có thể tạm thời làm giảm triệu chứng và cải thiện chức năng phổi ở người bệnh hen suyễn.

3. Người bệnh hen suyễn nên uống bao nhiêu cà phê mỗi ngày?

Người bệnh hen suyễn nên uống cà phê với lượng thấp đến vừa phải là an toàn. Không nên tiêu thụ quá 400 miligam caffeine mỗi ngày đối với người trưởng thành.

Nếu uống quá nhiều cà phê có thể gây hại cho sức khỏe như: gây khó ngủ, mất ngủ, khó chịu ở dạ dày, gây cảm giác hồi hộp, lo lắng, tăng nhịp tim…

Caffeine có thể làm tăng huyết áp của bạn trong thời gian ngắn và đôi khi cả về lâu dài. Do vậy, không phải ai cũng thích hợp với việc thường xuyên uống cà phê. Đặc biệt, nếu bạn bị tăng huyết áp hoặc các vấn đề về tim nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về việc sử dụng caffeine.

Người bệnh hen suyễn cần lưu ý, nếu đã có lịch hẹn kiểm tra chức năng phổi để xác định mức độ nghiêm trọng của bệnh hen suyễn, thì một lượng nhỏ cà phê có thể ảnh hưởng đến kết quả chẩn đoán.

Do tác động tạm thời của caffeine đối với phổi, nó có thể cho thấy phổi của người bệnh tốt hơn thực tế. Vì vậy, nếu có lịch kiểm tra chức năng phổi, hãy tránh uống cà phê trong ít nhất 4 giờ.

Chỉ nên uống lượng cà phê vừa phải để tránh tác dụng phụ.

Nguồn: https://suckhoedoisong.vn//loi-ich-bat-ngo-cua-ca-phe-voi-nguoi-benh-hen-suyen-169220316131234685.htm