Người dân lo lắng loài kiến "độc"
Từ đầu tháng 10 cho đến nay, gia đình anh N.B.A (phòng 1211, chung cư EcoLake view, Q.Hoàng Mai, Hà Nội) bất ngờ xuất hiện rất nhiều kiến ba khoang. Do gia đình vừa có con nhỏ nên anh A. rất lo lắng khi nghe đến nọc độc đáng sợ của loài kiến này.
Anh A. cho biết: "Mấy ngày đầu thu cứ nghĩ mở cửa bạn công cho mát mẻ mà không ngờ kiến ba khoang lại theo đường này vào. Nó vào nhà xong là bò khắp các phòng, chỉ sau khi phát hiện một con kiến đang bò rất gần chỗ con mình nằm tôi mới tá hỏa".
Cũng tình trạng như ở chung cư EcoLake view, chung cư CT36 ở gần đó cũng không thoát khỏi sự tấn công của kiến ba khoang. Chị H.H.G- cư dân của chung cư này cũng chia sẻ, năm trước chỗ chung cư nhà tôi kiến ba khoang xuất hiện rất nhiều, gia đình đã xịt thuốc phòng ngừa côn trùng trước mùa mưa rồi nhưng không ngờ lại xuất hiện tiếp.
Chị H.H.G chia sẻ: "Sự xuất hiện của loài kiến này khiến gia đình tôi hết sức ám ảnh. Năm trước chồng tôi chỉ vì dùng tay đập chết con kiến ba khoang thôi mà cũng bị nọc độc làm ngứa rát, đỏ ửng rất khó chịu. Gia đình đang có con nhỏ nên cứ đến buổi tối lại phải nóng hết cửa, nhiều khi rất bí bách nhưng cũng phải ráng chịu".
Bị kiến ba khoang tấn công phải làm thế nào?
Theo Ts.Bs Lê Duy Ngọc - Phụ trách trung tâm Cấp cứu Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương, kiến ba khoang là loài côn trùng rất nguy hiểm. Độc tố trong kiến ba khoang mạnh gấp 12 - 15 lần nọc rắn hổ mang. Đặc biệt, khi tiếp xúc với chất gây độc của kiến ba khoang nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nặng.
Người bị kiến ba khoang cắn tuy không gây nguy hiểm về tính mạng nhưng sẽ gây tổn thương thường xuất hiện ở các vùng da hở trên cơ thể như mặt, hai tay. Thường người bệnh sẽ bị đau rát, ngứa ngáy khó chịu, một số trường hợp có thể bị sốt, nổi hạch, biến chứng nhiễm trùng toàn thân. Đặc biệt, vếu không giữ gìn cẩn thận có thể bị loét, làm rỉ dịch.
Để phòng tránh loài kiến ba khoang này, bác sĩ Lê Duy Ngọc khuyến cáo, các gia đình cần vệ sinh phòng ở sạch sẽ, thoáng mát. Buổi tối nên tắt các bóng điện có ánh sáng xanh, tím (bóng điện huỳnh quang, bóng tuyp…) thay vào đó là bóng điện có ánh sáng đỏ, vàng (đèn dây tóc). Trước khi đi ngủ, nên kiểm tra kĩ giường gối, chăn chiếu. Trước khi mặc quần áo cần giũ sạch xem có kiến ba khoang hay không.
Nếu lỡ tay đập chết kiến ba khoang, bác sĩ Ngọc khuyên người dân không nghiền nát, chà xát kiến khi thấy nó xuất hiện trên thân mình để tránh độc tố tiết ra. Khi bị dính chất độc, tránh gãi hay chà mạnh vùng da bị tổn thương. Không tiếp xúc các vùng da lành với nơi bị dính độc tố. Cần rửa sạch bằng xà phòng, càng sớm càng tốt, để tránh độc tố kiến dính vào.
Cũng theo bác sĩ Ngọc, viêm da do kiến 3 khoang cắn thường khỏi nhanh trong vòng 1 tuần nếu xử trí đúng cách. Tuy nhiên, người bệnh chỉ nên rửa nhẹ nhàng tại nơi tiếp xúc bằng nước muối sinh lý (9‰) ngay lúc vừa tiếp xúc để trung hòa hoặc giảm bớt các yếu tố dị ứng, kích ứng da, sau đó đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời, không nên tự điều trị để tránh các biến chứng nặng hơn.