5 chất nên hạn chế để sống thọ

ngày 10/06/2024

Tiêu thụ quá nhiều chất béo chuyển hóa và bão hòa, muối, đường, chất sắt có nguy cơ dẫn đến các bệnh mạn tính, giảm tuổi thọ.

Ăn uống lành mạnh có thể giúp kéo dài tuổi thọ. Không chỉ chọn loại thực phẩm mà còn cả liều lượng thức ăn cũng tác động đến sức khỏe. Tiêu thụ quá mức một số thực phẩm nhất định có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Dưới đây là một số chất dinh dưỡng không nên ăn quá nhiều để hạn chế khả năng phát triển bệnh mạn tính, giảm tuổi thọ.

Chất béo chuyển hóa và bão hòa

Chất béo chuyển hóa và chất béo bão hòa không tốt cho sức khỏe. Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, người dư thừa chất béo chuyển hóa dễ mắc bệnh tim - một trong những căn bệnh gây tử vong hàng đầu ở người lớn. Nó không chỉ làm tăng cholesterol xấu, giảm cholesterol tốt mà còn dẫn đến nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường type 2.

Chất béo bão hòa làm cholesterol tích tụ trong động mạch, tăng mức cholesterol xấu, đều là nguy cơ gây bệnh tim. Hàm lượng chất béo chuyển hóa cao trong món nướng, đồ ăn nhanh và bơ thực vật. Thịt mỡ bò, cừu non, lợn và gia cầm có da, phô mai, dầu dừa, dầu cọ chứa nhiều loại bão hòa.

Muối

Lượng natri dư thừa dẫn đến huyết áp cao, bệnh tim và đột quỵ. Nó cũng làm xương yếu vì có thể gây mất canxi. Ngoài lượng muối ăn, bạn cũng nên tránh thực phẩm đóng gói chứa hàm lượng natri cao như xúc xích, pizza, bánh mì kẹp thịt nguội, thịt ướp muối, súp đóng hộp.

Đường

Thực phẩm có đường giúp cải thiện khẩu vị, giúp cho món ăn trở nên hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, đây là chất không lành mạnh, gây nguy hiểm cho sức khỏe nếu tiêu thụ quá nhiều. Lượng đường dư thừa có thể dẫn đến huyết áp cao, béo phì, tiểu đường, viêm mạn tính, gan nhiễm mỡ.

Ngoài các loại bánh ngọt, lượng đường bổ sung còn tiềm ẩn trong một số thức uống như nước ngọt. Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, đồ uống có đường chứa khoảng 47% lượng đường bổ sung, nên hạn chế dùng.

Nitrat

Thực phẩm chế biến sẵn chứa thường chất bảo quản nitrat natri để giúp chúng trông tươi mới, sử dụng lâu dài. Ăn thực phẩm chứa nitrat quá nhiều gây hại cho sức khỏe, làm tăng nguy cơ tim đập nhanh, buồn nôn, đau đầu, đau bụng, ung thư, giảm tuổi thọ.

Sắt

Lượng sắt khuyến nghị hàng ngày phụ thuộc vào độ tuổi và giới tính. Người ăn chay, thuần chay hoặc phụ nữ đang mang thai và cho con bú cũng có nhu cầu chất sắt khác nhau. Bạn nên tham khảo tư vấn của bác sĩ để tiêu thụ lượng sắt phù hợp.

Dư thừa sắt dẫn đến tích tụ trong các mô, cơ quan. Rối loạn phổ biến có thể xảy ra là bệnh nhiễm sắc tố sắt mô di truyền. Bệnh không được điều trị làm tăng nguy cơ viêm khớp, gặp các vấn đề về gan, tiểu đường, suy tim và ung thư.

Nguồn: vnexpress