Bác sĩ Trần Quốc Khánh chỉ ra 5 chỉ số sức khỏe ai cũng cần kiểm tra thường xuyên

ngày 24/06/2020

Sức khỏe là điều quan trọng nhất đối với mỗi người. Nhiều người đã dành cả tuổi trẻ để theo đuổi danh vọng, tiền bạc, theo những cuộc vui bất chấp sức khỏe của bản thân. Đến khi nhận ra cơ thể rệu rã, bệnh tật ập đến thì hối hận cũng đã muộn.

Cơ thể luôn có những cách báo hiệu cho chúng tay thấy những nguy cơ bệnh tật, trong đó đơn giản nhất là 5 chỉ số sức khỏe mà ai cũng có thể kiểm tra thường xuyên. Theo bác sĩ Trần Quốc Khánh, bệnh viện Việt Đức, nếu muốn có một cuộc sống khỏe mạnh lâu dài, ai cũng nên theo dõi thường xuyên các chỉ số sức khỏe này.

Bác sĩ Trần Quốc Khánh nêu rõ 5 chỉ số sức khỏe ai cũng cần theo dõi thường xuyên. (Ảnh chụp màn hình).

1. Chỉ số huyết áp

Chỉ số huyết áp lý tưởng dao động từ 110/70. Theo trung tâm Kiểm soát dịch bệnh của Mỹ (CDC), hiện nay tại nước này có 103 triệu người bị cao huyết áp mà không biết hoặc đang điều trị, tương đương với khoảng hơn 30% dân số Mỹ trong độ tuổi trưởng thành đang bị cao huyết áp.

Cao huyết áp được ví là "kẻ giết người thầm lặng". Huyết áp cao là nguyên nhân dẫn tới tai biến mạch máu não, đột quỵ, tổn thương thận, mắt, hệ động mạch... Hiện nay rất nhiều người trong độ tuổi thanh niên đã bị cao huyết áp do lối sống lười vận động, tình trạng béo phì... Vì thế chúng ta phải thường xuyên kiểm tra huyết áp, nếu phát hiện bất thường thì nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để tìm ra các nguyên nhân, bệnh tật để xử lý sớm.

Nếu bạn bị huyết áp thấp, bạn có thể thường xuyên cảm thấy mệt mỏi vì máu lên não không đủ, cơ thể luôn trong tình trạng thiếu năng lượng.

2. Chỉ số cân nặng

Nhiều người rất quan tâm đến sức khỏe thì đo cân nặng thường xuyên. Nhưng cũng có nhiều người hầu như không bao giờ cân. Lời khuyên các bác sĩ Khánh là mỗi gia đình nên có một chiếc cân sức khỏe để ở vị trí thuận tiện để sử dụng hàng ngày, hàng tuần.

Vì sao cần kiểm tra cân nặng thường xuyên? Nếu để cân nặng tăng quá mức, chúng ta có thể sẽ phải đối diện với nguy cơ béo phì. Mà béo phì là một trong những yếu tố nguy cơ của tất cả các loại bệnh từ tiểu đường, tai biến, nhồi máu cơ tim... Do đó chúng ta phải kiểm soát cân nặng, khi tăng cân quá mức cần điều chỉnh lại ngay lập tức.

Trong trường hợp, bạn phát hiện bị sụt cân quá nhanh thì cũng cần kiểm tra lại sức khỏe. Bởi sút cân nhanh là một trong những biểu hiện của bệnh tiểu đường (dấu hiệu điển hình của bệnh tiểu đường là ăn nhiều, uống nhiều nhưng sút cân nhanh...) hoặc các loại u.

3. Chỉ số lượng đường trong máu

Hiện nay có vô cùng nhiều bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường nhiều năm mà không phát hiện ra, đến khi cảm thấy cơ thể quá mệt mỏi, hoặc đã có biến chứng mới biết. Lúc này bệnh đã tiến triển ở giai đoạn muộn, phải đối diện với nhiều rủi ro, biến chứng.

Nguyên tắc khi kiểm tra đường máu là bạn phải nhịn ăn sáng. Hiện nay dịch vụ kiểm tra đường máu tại nhà cũng rất phổ biến, chúng ta có thể kiểm tra 3 -6 tháng 1 lần.

4. Chỉ số vòng bụng

Có 2 nhóm người béo: Béo đều và béo bụng. Những người béo bụng thường có nhiều nguy cơ bị các bệnh lý tiểu đường, máu nhiễm mỡ... Khi bị béo bụng, mỡ trong máu và mỡ nội tạng rất nhiều. Theo các nghiên cứu, mỡ nội tạng chính là lượng mỡ có mối liên quan vô cùng chặt chẽ đến các biến cố về tim mạch, tại biến, và quá trình bị tiểu đường. Mỡ nội tạng sản xuất ra các protein, hormone gây ra các tổn thương ở hệ tim mạch, tăng rối loạn chuyển hóa trong cơ thể... Vì thế, mọi người cần kiểm soát chặt chẽ số đo vòng bụng của mình và kiểm tra tổng quát định kỳ.

5. Chỉ số mỡ máu

Hiện nay chỉ số mỡ máu là chỉ số các thầy thuốc rất quan tâm vì nó liên quan rất nhiều đến các biến cố sức khỏe tim mạch. Các chuyên gia y tế khuyên, người từ 20 tuổi nên kiểm tra mỡ máu hàng năm. Với những người có vấn đề về tim mạch thì cần kiểm tra thường xuyên hơn, phụ thuộc vào chỉ định của bác sĩ.


Nguồn: Báo Dân Sinh