Cấp 10 triệu liều vắc xin bạch hầu cho 4 tỉnh Tây Nguyên

ngày 09/07/2020

Sáng 9-7, tại Gia Lai, Đoàn công tác của Bộ Y tế do ông Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đã có buổi làm việc với các tỉnh Tây Nguyên và 2 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi về công tác phòng chống bệnh bạch hầu.

Ông Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế phát hiểu chỉ đạo

Theo báo cáo, từ đầu năm đến nay, 4 tỉnh Tây Nguyên đã ghi nhận 66 trường hợp dương tính với bạch hầu. Cụ thể, Kon Tum có 24 trường hợp, Gia Lai 16 trường hợp, Đăk Lăk 1 ca mắc, Đăk Nông 25 ca.

Trong các ca dương tính với bạch hầu thì người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đến 90%. Ngoài ra, người trên 7 tuổi chiếm tỷ lệ 85% trong các ca, có trường hợp người 60 tuổi vẫn bị mắc bạch hầu.

Theo phân tích của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong 53 ca đầu tiên thì 28 ca có biểu hiện triệu chứng và 25 ca không có triệu chứng (người lành mang trùng, phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc). Đa số các trường hợp mắc bệnh không được tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu đủ mũi, đúng lịch.

Ba trường hợp tử vong bệnh bạch hầu ban đầu được phát hiện muộn đến khi chuyển lên tuyến trên điều trị thì đã nặng.

Theo đánh giá của các địa phương và chuyên gia, bệnh bạch hầu hiện đang diễn ra phức tạp, nhiều địa bàn mắc hơn, đối tượng mắc rải rộng mọi lứa tuổi. Đến nay, đã có 3 cả tử vong. Đặc biệt, có đến gần một nửa số ca không có triệu chứng nên rất dễ lây lan.

Tại tâm dịch xã Hải Yang (H.Đăk Đoa, Gia Lai) người dân đang được khám sàng lọc

Để ngăn chặn, Bộ Y tế sẽ triển khai ngay chiến dịch tiêm chủng trên diện rộng phòng chống bệnh, trong đó có bạch hầu. Trước mắt, sẽ triển khai tiêm chủng cho 4 tỉnh Tây Nguyên là Đăk Nông, Đăk Lăk, Gia Lai và Kon Tum. Dự kiến sẽ có hơn 10 triệu liều vaccine được cấp cho các tỉnh và khoảng 4,7 triệu người sẽ được tiêm chủng.

Chiến dịch này sẽ tiêm cho tất cả đối tượng từ 2 tháng tuổi trở lên. Với trẻ em từ 2-4 tháng tuổi tiêm rộng rãi vaccine phòng bệnh và tiêm nhắc lại vaccine 3 trong 1 đối với trẻ từ 18 -24 tháng, sau đó tiếp tục tiêm cho đến 5- 7 tuổi, 7 tuổi trở lên tiêm vaccine Td.

Ông Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, muốn ngăn chặn nhanh, triệt để và giảm tử vong với bệnh bạch hầu thì cách phát hiện sớm và điều trị là rất quan trọng. Ngay khi phát hiện ca bệnh trên địa bàn, thì lập tức điều trị dự phòng cho tất cả các đối tượng trên địa bàn đó.

Khi người dân có triệu chứng của bệnh là phải lập tức báo cáo cho các cơ quan y tế và điều trị ngay, không chờ xét nghiệm. Ngoài ra, cần khoanh vùng, dập dịch, thực hiện cách ly với tất cả những xã, những thôn có người mắc.


Nguồn: Báo Công An TP.HCM