Người dễ gặp hội chứng Covid-19 kéo dài sau khi khỏi bệnh

ngày 24/09/2021

Số lượng bệnh nhân gặp hội chứng hậu Covid-19 chiếm 25%. Những triệu chứng vẫn còn dai dẳng thường gặp bao gồm mệt mỏi, đau khớp, ho khan, hồi hộp, đánh trống ngực, trầm cảm.

Đến nay, số người đã khỏi Covid-19 ngày càng nhiều. Các chuyên gia y tế đang nghiên cứu sâu hơn về những hệ quả do Covid-19 gây ra sau khi người bệnh được điều trị khỏi.

Hội chứng hậu Covid-19

Hội chứng hậu Covid-19 là một vấn đề rất đáng được quan tâm. Người bệnh có thể gặp những vấn đề sức khỏe kéo dài ≥ 4 tuần sau khi nhiễm SARS-CoV-2 (theo CDC) hay ≥ 12 tuần (theo NICE/NHS). Số lượng bệnh nhân gặp hội chứng này chiếm 25%, dẫn đến hậu quả về những vấn đề sức khỏe, tâm lý.

Những triệu chứng vẫn còn dai dẳng thường gặp bao gồm: mệt mỏi, đau khớp, ho khan, hồi hộp, đánh trống ngực, cảm giác mùi và vị giác không rõ, giảm thể lực, khả năng gắng sức, giảm trí nhớ, giảm tập trung, thậm chí lo lắng, trầm cảm, PTSD (post-traumatic stress disorder).

Những trường hợp hay gặp hội chứng này là người lớn tuổi, có bệnh nền, bệnh nặng, có biến chứng, phải nằm viện lâu, nằm khu hồi sức tăng cường. Ở những bệnh nhân nhẹ ít gặp hội chứng này hơn.

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Ảnh: Duy Hiệu.

Do đó, dù đã khỏi bệnh, người dân vẫn phải chú ý nâng cao sức khỏe của mình. Một số biện pháp giúp người bệnh hồi phục nhanh chóng như:

Duy trì thời gian ngủ nghỉ hợp lý, hạn chế ngủ nhiều vào ban ngày hoặc nằm tĩnh tại, khiến cơ thể trì trệ. Khuyến khích người bệnh vận động nhẹ gồm đi bộ chậm, tập thể dục nhẹ, đạp xe đạp rất chậm, tập dưỡng sinh. Hạn chế nhìn vào màn hình điện thoại, thiết bị điện tử liên tục trong ngày.

Kết hợp đa dạng thực phẩm trong khẩu phần ăn. Bạn nên chú ý cung cấp nhiều chất xơ, rau quả. Trong các nguyên tố vi lượng, kẽm đặc biệt cần bổ sung ở nhóm bệnh nhân có triệu chứng: mệt mỏi, kém tập trung, buồn ngủ, tiêu hóa kém dễ bị tiêu lỏng. Với dạng viên uống, người dân có thể bổ sung từ 30-100 mg kẽm nguyên tố/ngày kéo dài 2-3 tháng tùy tình trạng cơ thể. Kẽm có trong các loại thức ăn như: hàu, sò, thịt gia súc, gia cầm, tôm, cua, cá… Bên cạnh đó, bạn nên bổ sung cùng với nhóm thực phẩm giàu vitamin C để tăng cường hấp thu kẽm.

Ngoài ra, người từng mắc Covid-19 vẫn cần duy trì tập các bài tập thở. Đối với trường hợp có triệu chứng khó thở, hụt hơi, nên có người thân bên cạnh khi tập luyện, tập chậm và không gắng sức. Thời gian tập duy trì 15-30 phút/ngày. Trước khi tập, bạn có thể kết hợp các bài kéo giãn cơ, khởi động khớp, kèm dụng cụ như khăn hoặc gậy để kéo giãn hết tầm vận động của cơ quan này.

Đối với người bệnh còn ho khạc đàm kéo dài, trong quá trình tập, người thân có thể hỗ trợ vỗ lưng khạc đàm để tăng hiệu quả.

Trò chuyện cùng người thân trong gia đình sẽ giúp giảm sự lo lắng. Người bệnh có thể tìm đến các chuyên gia hỗ trợ tư vấn tâm lý nếu có vấn đề lo lắng, đau buồn kéo dài.

Nếu các triệu chứng hậu Covid-19 kéo dài, gây cản trở đến sinh hoạt và tinh thần, người bệnh cần đến cơ sở y tế có điều trị hội chứng này để được thăm khám và điều trị sớm.

Tỷ lệ tái nhiễm rất thấp

Tái nhiễm tức là một người nhiễm SARS-CoV-2 đã hồi phục và bị mắc bệnh lại, có thể có triệu chứng hoặc không. Nghiên cứu được thực hiện trên khoảng 15.000 người, từ tháng 2 tới tháng 7/2020 ở Lombardy, Italy, đăng trên tạp chí JAMA, đã điều tra tỷ lệ tái nhiễm SARS-CoV-2 trong khoảng thời gian theo dõi trung bình là 280 ngày. Kết quả cho thấy trong hơn 1.579 người đã bị nhiễm virus, chỉ có 5 ca bị tái nhiễm, chiếm tỷ lệ 0,31%. Trong đó, chỉ có một trường hợp phải điều trị tại bệnh viện.

Ở nhóm người chưa mắc bệnh (13.496 người), có 528 người được phát hiện bị nhiễm virus sau đó (tỷ lệ 3,9%). Kết quả nghiên cứu cho thấy 2 nhóm người này ở trong cùng một điều kiện thì trường hợp đã mắc Covid-19 có xác suất xảy ra tái nhiễm rất thấp, ít hơn khoảng 12,5 lần so với nhóm chưa nhiễm. Ngoài ra, khả năng bảo vệ của miễn dịch tự nhiên này có thể kéo dài ít nhất một năm.

Tuy nhiên, nghiên cứu quan sát này đã kết thúc trước khi các biến chủng SARS-CoV-2 bắt đầu lây lan. Chúng ta thực sự chưa biết khả năng miễn dịch tự nhiên của cơ thể đối với những biến chủng mới như thế nào.

Theo số liệu của Public Health England, tạm thời ghi nhận biến chủng Delta không làm tăng nguy cơ tái nhiễm trong vòng 180 ngày đầu tiên sau đợt nhiễm đầu so với chủng Alpha. Tuy nhiên, chúng làm tăng nguy cơ tái nhiễm sau 180 ngày đầu tiên, gấp 2,73 lần so với biến chủng Alpha. Giống như những virus RNA khác, SARS-CoV-2 không ngừng tiến hóa và tạo ra các biến chủng mới. Các biến chủng mới này có thể làm tăng hoặc giảm khả năng lây nhiễm cũng như độc lực của chúng. Điều này dẫn đến lo ngại về tăng nguy cơ tái nhiễm cao hơn ở những người đã mắc bệnh trước đó.

Một bệnh nhân mắc Covid-19 ở TP.HCM được về nhà sau khi khỏi bệnh. Ảnh: Duy Hiệu.

Như vậy, chúng ta có thể nhận thấy rằng tỷ lệ tái nhiễm với người đã nhiễm SARS-CoV-2 rất thấp, nhưng có thể tăng lên với sự tiến hóa của những biến chủng mới. Vì vậy, việc vẫn tiếp tục tuân thủ 5K sau khi khỏi bệnh vẫn nên được duy trì.

Người khỏi bệnh có nên tiêm vaccine?

Đến nay, khá nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy sau khi khỏi bệnh, cơ thể sẽ tạo được các kháng thể trung hòa virus giúp bảo vệ bạn không tái nhiễm.

Thời gian bảo vệ tùy theo từng nghiên cứu. Có nghiên cứu cho rằng kháng thể trung hòa ổn định trong ít nhất 5-7 tháng sau khi nhiễm. Một nghiên cứu khác cho thấy thời gian này là 12 tháng hoặc hơn nữa. Đó cũng chính là cơ sở lý giải cho việc Bộ Y tế Việt Nam xếp người từng nhiễm SARS-CoV-2 vào trường hợp trì hoãn tiêm chủng sau 6 tháng đối với cả mũi 1 và mũi 2 vaccine ngừa Covid-19.

Bài viết do bác sĩ Hoàng Quốc Tưởng (Dr Chuột), giảng viên bộ môn Nhi khoa, Đại học Y Dược TP.HCM, Bệnh viện Nhi đồng 2, cung cấp thông tin.

Điều trị tâm lý cho bệnh nhân Covid-19 ở TP.HCM Lãnh đạo Bệnh viện Hồi sức Covid-19 đã mời nữ tu, tiến sĩ tâm lý Trì Thị Minh Thúy, đến khảo sát và tư vấn, điều trị cho các bệnh nhân.

Nguồn: https://zingnews.vn/nguoi-de-gap-hoi-chung-covid-19-keo-dai-sau-khi-khoi-benh-post1264938.html