Công tác nắm thông tin, phòng dịch sốt xuất huyết còn chậm trễ

ngày 20/07/2019

Thời gian gần đây, tình hình dịch sốt xuất huyết (SXH) tại TP Đà Nẵng đang có chiều hướng gia tăng. Tuy nhiên hiện nay, công tác tuyên truyền, nắm thông tin và sử dụng các biện pháp để phòng và chống lây lan dịch SXH vẫn còn chậm trễ.

Con gái của chị Nhung đang có những triệu chứng của bệnh SXH.

Trước thông tin người dân tại tổ 42 (P. Hòa Khánh Nam, Q. Liên Chiểu, Đà Nẵng) bức xúc, phản ánh tình trạng dịch SXH tại đây đang diễn biến phức tạp, ngày 13-7, PV trực tiếp tìm đến chị Nguyễn Thị Thúy Nhung (32 tuổi, trú tổ 42, Đà Sơn, P. Hòa Khánh Nam, Q. Liên Chiểu, Đà Nẵng) để tìm hiểu vụ việc. Trời nắng nóng, con hẻm nhỏ dẫn vào nhà chị bốc mùi hôi thối bởi nguồn nước thải đen xì, lộ thiên chảy men theo các đường rãnh thoát nước được người dân tạo nên. Xung quanh khu vực trên có rất nhiều các ao nước nhỏ hôi thối mà theo chúng tôi được biết, chính là do nhiều người đến đây mua đất, dựng nhà đã làm các rãnh thoát nước bị tắc nghẽn, ứ đọng. Khu vực không đảm bảo vệ sinh như trên là môi trường thuận lợi để muỗi, bọ gậy có điều kiện sinh sôi, nảy nở, và là nguồn gây bệnh SXH cho người dân quanh đây.

Chị Nhung cho biết, trong tổ 42 hiện có nhiều người đang bị SXH. Bản thân chị Nhung cũng đang bị SXH và đang được điều trị tại TTYT Q. Liên Chiểu. Con gái chị Nhung cũng đang được theo dõi và xét nghiệm máu vì đã có những triệu chứng của bệnh SXH. Là một người dân sống tại khu vực này nhiều năm, chị cho biết, khu vực chị đang sinh sống và một vùng trũng gần bãi rác Khánh Sơn và Trung tâm chế biến gia súc gia cầm Đà Nẵng nên mỗi năm vào mùa nắng, mùi hôi thối bốc lên tại 2 khu vực trên cộng thêm mùi hôi từ các cống rãnh ứ đọng gần đó khiến cho người dân xung quanh rất khó chịu và bức xúc. Ông Trần Quyên (71 tuổi), sống gần nhà chị Nhung cho biết, tại con hẻm nhỏ này hiện đã có gần 10 người nhiễm SXH. Trước tình trạng có thể có thêm người bị nhiễm bệnh, ông đã nhiều lần trực tiếp báo cáo tình hình dịch bệnh lên chính quyền P. Hòa Khánh Nam và Trung tâm Y tế phường, nhưng từ đó đến nay, người dân vẫn chưa nhận được sự phản hồi xử lý từ chính quyền địa phương.

Chúng tôi đã gặp ông Lê Văn Bương - Tổ trưởng tổ dân phố 42 để tìm hiểu vấn đề. Ông Bương cho biết, thời gian gần đây ông thường xuyên bị đau phải liên tục vào bệnh viện để điều trị. Khi PV đề cập đến vấn đề trong khu phố có xuất hiện ổ dịch SXH và đã có nhiều người bị nhiễm bệnh, ông Bương vẫn không hay biết và cho rằng người dân chưa hề báo ông về vấn đề này. Trao đổi với PV, ông Thân Đức Minh - Chủ tịch UBND P. Hòa Khánh Nam cho biết, hiện nay, công tác nắm thông tin dịch bệnh tại địa phương vẫn còn chậm trễ. Tuy nhiên, nếu có thông tin phát hiện ổ dịch từ các tổ dân phố, chính quyền sẽ trực tiếp cử các cán bộ y tế xuống tận nơi để xử lý kịp thời. Mới đây, khi nghe thông tin có các ổ dịch SXH tại địa phương, ông đã trực tiếp cử cán bộ y tế phường xuống tận cơ sở để phun thuốc phòng bệnh. Tuy nhiên, đây cũng là giải pháp tình thế, bởi thuốc chỉ tác dụng trong vòng 7 ngày. Về công tác phòng dịch trong thời gian tới, ông Minh cho biết, chính quyền sẽ tiếp tục nắm thông tin cơ sở từ người dân; triển khai, vận động các tổ dân phố ra quân dọn vệ môi trường, diệt bọ gậy, loăng quăng trong các chum vại, ao đọng nước; tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân phòng và chống bệnh SXH. Theo thông tin từ ông Minh, hiện tại, P. Hòa Khánh Nam đã ghi nhận 112 trường hợp mắc bệnh SXH và đã xử lý 6 ổ dịch tại các tổ 7, 3, 69, 42, 52, 62.

Theo số liệu từ Trung Kiểm soát bệnh tật thành phố, tính đến ngày 14-7, Đà Nẵng đã có hơn 3.200 trường hợp nhiễm SXH. Với số người mắc bệnh và các ổ dịch SXH liên tục tăng trong thời gian gần đây, bên cạnh ý thức phòng tránh bệnh của người dân thì các cấp chính quyền liên quan cần làm tốt công tác nắm thông tin, chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, giám sát chặt chẽ các ổ dịch và các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch để kịp thời xử lý triệt để các mầm mống gây ra dịch SXH.

Người dân không được chủ quan với sốt xuất huyết

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay cả nước ghi nhận trên 80.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, gấp ba lần so với cùng kỳ năm 2018, trong đó có sáu trường hợp tử vong. Bộ Y tế nhận định, hiện nay là mùa cao điểm dịch, số mắc nhiễm tăng cao tại nhiều tỉnh, thành phố trong những tuần gần đây, dự báo số ca mắc mới sẽ gia tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.

Theo các chuyên gia y tế, trong tình hình dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp như hiện nay, cách phòng chống tốt nhất vẫn là diệt muỗi và ngăn ngừa muỗi đốt. Một người có thể bị nhiễm sốt xuất huyết nhiều lần, vì vậy những người đã từng mắc bệnh cũng không được chủ quan. Việc điều trị sốt xuất huyết hiện nay chủ yếu là nhằm điều trị triệu chứng, điều quan trọng là phải theo dõi sát để phát hiện sớm các biến chứng và điều trị biến chứng một cách kịp thời. Do đó, đối với những trường hợp sốt xuất huyết thể nhẹ, chúng ta có thể điều trị tại nhà, theo dõi các dấu hiệu cảnh báo, còn với các trường hợp sốt xuất huyết thể nặng thì phải nhập viện ngay. Ngoài ra, việc diệt muỗi và ngăn ngừa muỗi đốt quan trọng hơn rất nhiều so với việc giữ gìn, cách ly người bệnh.


Nguồn: Báo CAĐN