Các chuyên gia cho rằng tuổi thọ trung bình người Việt là 74, gần 40% người vẫn tiếp tục làm việc sau tuổi 60, nên nghỉ hưu lúc nào còn tùy điều kiện sức khỏe, vật chất, khả năng lao động.
Theo Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội, tuổi hưu mỗi năm tăng thêm ba tháng với nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028, thêm bốn tháng với nữ đến khi đủ 60 tuổi năm 2035.
PGS.TS Giang Thanh Long, khoa Kinh tế học, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, chuyên gia về già hóa dân số và an sinh xã hội, cho rằng tuổi nghỉ hưu tăng dần theo lộ trình như trên là phù hợp, khoảng 10-15 năm sau có thể điều chỉnh thêm. Hiện, tuổi nghỉ hưu năm 2023 với nam là 60 tuổi 9 tháng, với nữ là 56 tuổi.
Lý giải điều này, theo ông Long, tuổi thọ trung bình người Việt cải thiện rất nhiều, so với các nước thu nhập tương đương thì Việt Nam là nước có tuổi thọ khá cao. Theo tổng điều tra dân số nhà ở, tuổi thọ người Việt xấp xỉ 74. Xu hướng chung của các quốc gia là khi tuổi thọ tăng lên, tuổi lao động có xu hướng cải thiện, nhất là nhóm hoạt động trí óc, thể lực thường xuyên.
"Tuổi thọ trong nhóm lao động của Việt Nam cũng được cải thiện, bởi vậy, việc điều chỉnh độ tuổi nghỉ hưu là điều tất yếu", ông Long nói. Thực tế hiện nay, nếu tính người cao tuổi là từ 60 trở lên, thì tỷ lệ người lao động vẫn tiếp tục làm việc sau tuổi 60 là gần 40%, tức trong 13 triệu người có khoảng hơn 5 triệu người vẫn đang tiếp tục hoạt động kinh tế. Với nhóm 60-64 tuổi, tỷ lệ này đạt gần 55%.
Người bị suy giảm khả năng lao động, hoặc làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, làm việc ở vùng đặc biệt khó khăn, có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhóm khác đến 5 tuổi. Ông Long cho rằng hiện Việt Nam có những chính sách, quy định về việc nghỉ hưu sớm vì các điều kiện sức khỏe khác nhau. Tuy nhiên để làm được, đòi hỏi chính sách khi giải quyết những vấn đề liên quan đến xác nhận sức khỏe phải minh bạch.
Theo ông, không nên giảm tuổi nghỉ hưu của toàn bộ hệ thống hoặc một, một vài nhóm đối tượng. "Nếu mỗi ngành nghề có một độ tuổi nghỉ hưu riêng sẽ tạo ra thị trường lao động hỗn loạn", ông nói.
Đồng quan điểm, bác sĩ Hồ Thị Kim Thanh, công tác tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương, cho rằng nhìn từ góc độ sức khỏe, khó có thể nói một độ tuổi nghỉ hưu lý tưởng, vì mỗi cá nhân khác nhau ở ngành nghề, điều kiện sức khỏe, vật chất, khả năng lao động. Một số người vẫn minh mẫn và tiếp tục làm việc ở tuổi 75, trong khi người lao động chân tay ở tuổi 60 thì không thể tiếp tục được công việc.
"Độ tuổi nghỉ hưu theo quy định hiện tại và điều chỉnh tăng dần theo lộ trình là phù hợp", bác sĩ Thanh nói, thêm rằng nhóm làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc thường xuyên bị căng thẳng, khi cảm thấy ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, không thể làm được, thì nên đề xuất nghỉ hưu sớm.
Các chuyên gia trên thế giới cũng cho rằng nghỉ hưu sớm có mặt lợi và hại. Nghỉ hưu sớm giúp cải thiện sức khỏe thể chất, tinh thần nhưng cũng có thể ảnh hưởng xấu nếu không có lối sống và kế hoạch phù hợp.
Nghỉ hưu muộn hơn cũng vậy. Nghiên cứu trên gần 430.000 người tại Pháp cho thấy người nghỉ hưu muộn ít bị sa sút trí tuệ hơn. Nghiên cứu này phù hợp với giả thuyết được nhiều chuyên gia đưa ra từ lâu rằng liên tục hoạt động trí óc giúp giảm nguy cơ sa sút trí tuệ. Năm 2019, một nghiên cứu của Thụy Điển phát hiện người làm việc quá tuổi 65 có sức khỏe thể chất tốt hơn những người nghỉ hưu ở tuổi này. Tuy nhiên, về sức khỏe tinh thần hay số dấu hiệu trầm cảm thì không quá khác biệt.
Trái lại với hai nghiên cứu trên, một nghiên cứu với hàng nghìn người Anh vào năm 2010 cho thấy người tự nguyện nghỉ hưu sớm sẽ khỏe mạnh hơn, cả về thể chất lẫn tinh thần.
Nguồn: VnExpress