Kháng thuốc kháng sinh: Nguy hiểm như đại dịch Covid-19

ngày 23/11/2020

Ảnh minh họa.

Kháng kháng sinh (AMR) xảy ra khi vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng kháng lại tác dụng của thuốc, khiến các bệnh nhiễm trùng thông thường khó điều trị hơn và làm tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh trở nặng và tử vong.

Thuốc kháng sinh là các công cụ quan trọng để chống lại bệnh tật ở người, động vật và thực vật. Chúng bao gồm các loại thuốc kháng sinh, kháng virus, kháng nấm và kháng động vật nguyên sinh. Nhiều yếu tố, bao gồm việc lạm dụng thuốc ở người, gia súc và trong nông nghiệp, cũng như việc thiếu nước sạch và điều kiện vệ sinh không đảm bảo đã làm tăng nguy cơ kháng thuốc trên toàn thế giới.

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus- Tổng Giám đốc WHO cảnh báo, tình trạng kháng thuốc kháng sinh là một trong những mối đe dọa y học lớn nhất trong thời đại của chúng ta. Tình trạng này có nguy cơ làm thụt lùi tiến bộ y học, khiến thế giới trở lại thời kỳ y học cách đây một thế kỷ và khiến loài người không còn khả năng tự bảo vệ trước các bệnh nhiễm trùng mà ngày nay có thể dễ dàng chữa trị.

WHO cũng cho rằng tình trạng kháng thuốc kháng sinh đang đe dọa an ninh lương thực, phát triển kinh tế và khả năng chống chọi với bệnh tật của thế giới. WHO ước tính, khoảng 700.000 người đang tử vong mỗi năm trên toàn cầu vì kháng thuốc kháng sinh.

Con số này có thể tăng lên đến 10 triệu người vào năm 2050 nếu thế giới không hành động mạnh mẽ để đảm bảo sử dụng phù hợp các loại thuốc kháng sinh hiện nay, cũng như tìm ra các phương pháp điều trị mới và hiệu quả hơn.

Tại Việt Nam, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu- Giám đốc Bệnh viện bệnh nhiệt đới TPHCM cho biết, tỷ lệ kháng kháng sinh ở nước ta chiếm 40%, đứng thứ 4 về tỷ lệ kháng thuốc ở các nước tại châu Á - Thái Bình Dương.

Lý giải về nguyên nhân cơ bản dẫn đến tính trạng kháng thuốc, BS Châu cho rằng, tình trạng mua bán, sử dụng thuốc không có hóa đơn diễn ra thường xuyên (88% người dân sử dụng thuốc không cần kê toa), sử dụng thuốc kháng sinh không cần thiết, không đúng hướng dẫn của cán bộ y tế là một trong những nguyên nhân chính.

Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng bác sĩ kê đơn thuốc không hợp lý; vi khuẩn kháng thuốc lây truyền từ người này sang người khác trong các cơ sở khám chữa bệnh; vi khuẩn kháng thuốc cũng lây truyền từ vật nuôi qua người do sử dụng thuốc kháng sinh tùy tiện…

Một nghiên cứu được WHO thực hiện có thể sẽ khiến nhiều người giật mình về tình trạng người dân sử dụng thuốc kháng sinh không cần thiết, gần 2/3 số người được hỏi đến từ nhiều quốc gia tin rằng thuốc kháng sinh có thể sử dụng để điều trị cảm cúm. Mà cảm cúm thì được gây ra bởi virus, thuốc kháng sinh chỉ diệt vi khuẩn chứ không diệt virus.

Mặc dù rất nhiều người đã có nhận thức rằng kháng kháng sinh ảnh hưởng đến sức khỏe nếu không được dùng đúng. Nhưng dường như nhận thức này vẫn không thể ngăn cản họ lạm dụng các loại kháng sinh.

Nguy hiểm hơn, BS Châu cho hay, lượng vi khuẩn kháng thuốc ngày càng tăng trong khi số lượng kháng sinh mới được sản xuất đang thu hẹp. Nếu như năm 1980 có 19 kháng sinh mới được tìm ra thì năm 2010 chỉ tìm ra được thêm 6 kháng sinh mới.

Đáng chú ý, các kháng sinh mới ra đời sau này đa số đều nâng cấp từ kháng sinh đã được tìm ra trước đó. Nếu như trước đây vòng đời kháng sinh thường kéo dài nhiều thập niên thì nay vòng đời đã bị rút ngắn. Cứ một kháng sinh mới ra đời sẽ bị kháng thuốc sau khoảng 5 năm.

“Vi khuẩn tự sản xuất ra enzyme gây phân hủy hoặc làm bất hoạt kháng sinh. Đồng thời, nếu có một con kháng thuốc sẽ chuyển gen kháng thuốc từ con này qua con kia. Thậm chí, nó có thể chuyển di truyền xuyên qua các loài khác nhau”, BS Châu nhấn mạnh.

Các chuyên gia cảnh báo, trong tương lai con người có thể đối mặt với khả năng không có thuốc để điều trị hiệu quả các bệnh truyền nhiễm nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời. Do đó, cần phải có giải pháp cấp bách làm chậm lại quá trình kháng thuốc hiện nay để giúp nhân loại tránh khỏi nguy cơ quay lại thời kỳ chưa có kháng sinh.

Tuần lễ nâng cao nhận thức về kháng sinh trên thế giới (WAAW) từ ngày 18 đến ngày 24/11/2020, được tổ chức nhằm mục đích nâng cao nhận thức về tình trạng kháng kháng sinh (AMR) trên toàn cầu và khuyến khích cộng đồng, nhân viên y tế và các nhà hoạch định chính sách xây dựng các thói quen tốt để tránh sự xuất hiện và lây lan thêm của các bệnh nhiễm trùng kháng thuốc.

Khẩu hiệu cho năm 2020 là “Thuốc kháng sinh: Hãy cẩn thận khi sử dụng”, áp dụng cho tất cả các lĩnh vực. Chủ đề cho lĩnh vực sức khỏe con người của WAAW 2020 là “Đoàn kết để gìn giữ các chất kháng sinh”.

WHO kêu gọi tất cả các thành phần trong xã hội hưởng ứng một chương trình nghị sự thống nhất, táo bạo để đánh bại mối đe dọa đối với sự phát triển và sức khỏe toàn cầu này.


Nguồn: Báo Đại Đoàn Kết