Giảm ợ nóng và khó tiêu trong thời kì mang thai

ngày 07/12/2020

Vì sao bạn thường ợ nóng và khó tiêu khi mang thai?

Sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể và sự lớn lên của em bé trong bụng mẹ khiến cho bạn tăng nguy cơ bị ợ nóng và khó tiêu với các biểu hiện:

- Nóng rát hoặc đau ở ngực

- Đầy bụng, nặng bụng hoặc đầy hơi

- Ợ hơi

- Buồn nôn hoặc nôn

Bạn có thể gặp các triệu chứng này tại bất kỳ thời điểm nào trong thai kỳ, nhưng phổ biến nhất là từ tuần 27 trở về sau.

Ợ nóng và khó tiêu trong thai kì (ảnh minh họa)

Cần làm gì để giảm ợ nóng và khó tiêu trong thai kì?

Thay đổi thói quen sinh hoạt và chế độ ăn uống có thể giúp bạn giảm nhẹ các triệu chứng ợ nóng và khó tiêu:

− Không ăn quá no mà thay vào đó là chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày

− Không ăn muộn vào buổi tối hoặc trong vòng 3 tiếng trước khi đi ngủ, không nằm ngay sau khi ăn xong

− Tránh các thức ăn và đồ uống gây ợ nóng và khó tiêu bao gồm:

- Thức ăn nhiều chất béo, dầu mỡ và cay nóng

- Cà phê, rượu và thức uống có chứa cồn

− Gối cao đầu khi ngủ: Dùng gối để nâng đầu bạn lên khoảng 10-15cm, khi đó thân trên của bạn sẽ cao hơn dạ dày.

Phụ nữ mang thai nên chia thức ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày (ảnh minh họa)

Một số thói quen tốt để giảm ợ nóng và khó tiêu trong thai kì

Khi những thay đổi về thói quen sinh hoạt và chế độ ăn uống không giúp bạn cải thiện được các triệu chứng, bạn cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn sử dụng thuốc.

Những thuốc nào thường được sử dụng để điều trị ợ nóng và khó tiêu khi mang thai?

Những thuốc thường được bác sĩ, dược sĩ cân nhắc sử dụng đầu tiên để trị ợ nóng và khó tiêu trong thai kì là kháng axít và alginate có nguồn gốc tự nhiên. Đây là những thuốc có tác dụng vật lý, không có tác dụng toàn thân (nghĩa là không hấp thụ vào tuần hoàn máu) và có thể được sử dụng trên phụ nữ có thai.

- Kháng axít: Có tác dụng trung hòa axít trong dạ dày, làm giảm ợ nóng.

- Alginate: Có tác dụng làm giảm hiệu quả các triệu chứng trào ngược, đặc biệt là trào ngược về ban đêm (thường nặng và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của phụ nữ mang thai).

Khi các triệu chứng trào ngược vẫn không cải thiện được với kháng axít và alginate, bác sĩ có thể kê đơn các thuốc làm giảm axít dạ dày cho bạn như thuốc kháng thụ thể H2 hoặc thuốc ức chế bơm proton.

Bạn cần thảo luận kỹ với bác sĩ về lợi ích và nguy cơ của việc sử dụng thuốc để đảm bảo an toàn cho mẹ và thai nhi.

Thông tin trong bài viết không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn điều trị cho các hoàn cảnh hoặc nhu cầu cá nhân.


Nguồn: Báo SK&ĐS