Chăm sóc sức khỏe mùa lạnh: Bác sĩ khuyến cáo 3 vùng 'sống còn' càng che kín càng khỏe

ngày 14/01/2021

Việc chăm sóc sức khỏe mùa lạnh không chỉ dừng lại ở biết thời điểm tập luyện hợp lý, ăn thực phẩm giàu tính ấm mà còn là việc bảo vệ cơ thể trước giá rét như thế nào.

Những ngày qua, miền Bắc đang trải qua một đợt không khí lạnh kéo dài nhiều ngày, nền nhiệt giảm sâu, riêng tại Hà Nội nhiệt độ xuống trong khoảng 7-12 độ C.

Theo Tiến sĩ, Bác sĩ Võ Tường Kha, Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam thời tiết lạnh cơ thể sẽ có hiện tượng co mạch, các lỗ chân lông đóng lại để giữ nhiệt trong cơ thể. Trên cơ thể người có những vị trí đặc biệt quan trọng, càng chăm sóc tốt bao nhiêu, càng khỏe bấy nhiêu. Trong mùa lạnh, những vị trí này càng được chú ý bảo vệ, che chắn kỹ trước tác động của nhiệt độ.

Theo bác sĩ Võ Tường Kha, chăm sóc sức khỏe mùa lạnh cần chú ý những vị trí này bao gồm: vùng vai cổ gáy, vùng khớp, ngón tay và bàn chân.

Cụ thể như sau:

1. Vùng khớp

Đây là vùng đặc biệt nhạy cảm đối với những sự thay đổi của thời tiết, lý giải vì sao người cao tuổi thường bị đau khớp khi chuyển mùa, đặc biệt vào mùa lạnh. Tại vùng khớp, gân và dây chằng thường có ít mạch máu để nuôi dưỡng, cho nên lưu lượng máu tuần hoàn kém, dẫn đến ứ trệ, giảm lưu thông, máu tắc nghẽn và thường gây ra hiện tượng đau nhức, tê bì.

Trong y học cổ truyền, khi thời tiết chuyển hàn (lạnh) sẽ gây ra tình trạng nhưng trệ, phong hàn kết hợp sẽ dẫn đến hiện tượng ngưng trệ phần bênn ngoài và nửa trên cơ thể.

Do vậy trong mùa lạnh, cần giữ ấm các vùng khớp, tay, chân, đặc biệt là người già hoặc người có vấn đề về xương khớp không nên ra ngoài nhiều, xoa bóp thường xuyên và có thể ngâm chân với nước muối, nước gừng để cải thiện mức độ lưu thông máu.

Ngoài tê nhức thì sưng khớp cũng là bệnh lý dễ xảy ra, dưới đây là những gì mà bác sĩ khuyến cáo liên quan tới Chứng sưng khớp mùa lạnh và cách đối phó.

Chăm sóc sức khỏe mùa lạnh cần lưu ý tới che kín các vùng khớp - Ảnh: Internet

2. Che kín vùng cổ vai gáy

Tiến sĩ, bác sĩ Võ Tường Kha cho biết, vùng cổ vai gáy là vùng cần được giữ ấm nhất khi chăm sóc sức khỏe mùa lạnh. Vào mùa đông, sự thay đổi nhiệt độ, áp suất, độ ẩm trong không khí sẽ làm hơi lạnh dễ xâm nhập vào cơ thể hơn, các mạch máu tại cổ vai gát co lại, máu kém lưu thông, lượng oxy trong cơ thể cũng giảm. Điều này dẫn đến các cơ, dây thần kinh vùng cổ vai gáy bị thiếu máu, co cứng, sưng to, dễ bị viêm đau, nhức mỏi.

Ngoài ra, thời tiết lạnh cũng khiến dịch khớp kém lưu thông khiến các vị trí này bị khô cứng, gây ra các cơ đau nhức, tê bại, tình trạng này diễn biến trầm trọng hơn đối với những người vốn đã có bệnh đau mỏi cổ vai gáy từ trước đó.

Để tránh đau cổ, vai, gáy TS Võ Tường Kha cho hay phải chú ý giữ ấm vùng vai cổ gáy bằng cách mặc ấm và có khăn bịt kín. Thường xuyên vận động và áp dụng các bài tập chuyên cho vùng này sẽ cải thiện đáng kể các cơn đau vai cổ gáy.

Cổ vai gáy rất dễ bị tổn thương, cần giữ ấm và chườm nóng trong trường hợp bị sưng, đau - Ảnh: Internet

3. Các đầu ngón tay, chân

Trong y học cổ truyền, các đầu ngón tay, ngón chân được gọi là huyệt tĩnh. Theo Bác sĩ Kha, đây là nơi khí huyết ra vào, phong hàn tà khí có thể xâm nhập gây ra tình trạng sưng đau do máu không lưu thông được.

Để tránh tình trạng máu huyết kém lưu thông, có thể dùng dầu nóng, hoặc cao nóng để bôi vào các vùng khớp hoặc bàn chân để chống lại hiện tượng co mạch, thúc đẩy máu lưu thông và giảm viêm, sưng đau.

Ngoài ra, có thể dùng cồn, rượu ngâm cùng một số vị thuốc có tính ôn, ấm, cay (tân, ôn, nhiệt) như quế chi, gừng, địa liền… để xoa bóp, chườm nóng hoặc tốt nhất là ngâm đối với tay chân để làm giảm co cứng và giúp lưu thông máu huyết tốt hơn.

Trong y học cổ truyền, các đầu ngón tay, ngón chân được gọi là huyệt tĩnh - Ảnh: Internet

Vào mùa lạnh, nếu bị đau mỏi cổ vai gáy, có thể dùng túi chườm nóng, đèn hồng ngoại hoặc dùng chai nước nóng ấm chườm... giúp giãn mạch, giãn cơ, giảm đau hoặc có thể tập yoga cho vùng này để cải thiện độ dẻo dai của vùng cổ vai.

Bác sĩ Kha cũng nhấn mạnh, chăm sóc sức khỏe mùa lạnh cần chú ý giữ ấm cho những vị trí này. Đối với người bị đau cổ vai gáy mãn tính thường bắt đầu bằng những cơn đau cổ vai gáy cấp tính nhưng chủ quan không điều trị, hoặc có điều trị nhưng không triệt để, dẫn đến bệnh mạn tính, tái đi tái lại nhiều lần.

Thời tiết lạnh giá, cần lưu ý không nên tắm quá muộn, không nên tắm lâu và phải tắm bằng nước ấm. Sau khi tắm cần phải lau khô người mặc quần áo ấm, làm khô tóc để tránh cảm lạnh, đột quỵ, sốc nhiệt...

Bác sĩ Kha cũng khuyến cáo việc không sấy khô tóc rất nguy hiểm vì sẽ làm gia tăng nguy cơ cảm lạnh và nguy hiểm hơn là đột quỵ. Việc để tóc ẩm cũng dễ làm tăng sinh những bệnh da liễu như nấm đầu, hắc lào, ngứa da.

Lời khuyên của bác sĩ Kha trong chăm sóc sức khỏe mùa lạnh như sau:

- Theo bác sĩ Kha, thời tiết lạnh cần tránh ra ngoài đặc biệt là từ 21h giờ đêm đến 6 giờ sáng hôm sau. Đây là thời điểm nhiệt độ giảm mạnh, cơ thể yếu, rất dễ bị cảm lạnh.

- Tránh tiếp xúc với khói thuốc, khói bếp than, không nên uống rượu bia

- Không nên tắm sau 10 giờ tối, nếu tắm cần tắm nhanh hoặc tắm ở nơi kín gió. Tắm xong cần mặc đủ ấm trước khi bước ra ngoài.

Một số người có thói quen sử dụng đèn sưởi khi tắm, vì thế cần lưu ý tới các Khuyến cáo khi sử dụng đèn sưởi trong nhà tắm này.

- Luôn luôn vệ sinh răng miệng, súc họng; súc miệng bằng nước ấm có pha muối loãng; thường xuyên rửa tay với xà phòng

- Ăn uống đủ chất và đảm bảo 4 nhóm chất cơ bản trong bữa ăn hàng ngày (như tinh bột, chất béo, chất đạm, vitamin và khoáng chất).

- Đối với người bị cao huyết áp, mắc các bệnh tim mạch, bệnh hô hấp mãn tính… cần nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng bệnh, tốt nhất nên hạn chế ra ngoài, hạn chế đi xa, tuân thủ chỉ dẫn điều trị của bác sĩ.


Nguồn: VOV