Bác sĩ đồng hành từ xa, cùng bệnh nhân vượt qua nỗi hoang mang COVID-19

ngày 12/01/2022

Với các F0 điều trị tại nhà, việc có bác sĩ đồng hành từ xa giúp họ yên tâm điều trị, biết cách dùng thuốc, xử lý các tình huống có thể xảy ra để vững vàng vượt qua các triệu chứng của COVID-19, nhanh chóng khỏi bệnh.

F0 yên tâm tự chăm sóc, điều trị tại nhà dưới sự giúp đỡ từ xa của bác sĩ. Ảnh: NV

Yên tâm vì có sự trợ giúp kịp thời

Thấy người nhà có dấu hiệu ho, sốt, chị Đỗ Thùy Dương (ở phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) rất lo lắng vì nhiều gia đình xung quanh cũng đã có ca bệnh COVID-19. Chị Dương khẩn trương chuẩn bị test nhanh và tự lấy mẫu xét nghiệm cho cả gia đình.

Khi kết quả test nhanh COVID-19 của ông ngoại và cháu nhỏ của chị Dương lên 2 vạch, cả gia đình gần như hoảng loạn vì COVID-19 đã “nhắm trúng” vào người già và trẻ con trong nhà. Biết chưa thể liên hệ được ngay với y tế phường để lấy mẫu xét nghiệm và hỗ trợ y tế, chị Dương có số điện thoại của BS. Nguyễn Trung Nghĩa (Bệnh viện Việt Nam- Cu Ba), đã từng tham gia hệ thống Thầy thuốc đồng hành hỗ trợ người bệnh COVID-19, lại gần nơi ở nên đã gọi ngay để khẩn trương tìm sự trợ giúp.

“Khi bác sĩ cầm máy và trấn an, tôi đã cảm thấy yên tâm hơn rất nhiều. Tôi kể tình hình trong nhà đã có 2 người dương tính khi test nhanh, bác sĩ đã hướng dẫn tận tình từ việc khẩn trương báo với y tế phường; trong lúc đó, cần cách ly người dương tính ra khu vực riêng, cách chăm sóc, tránh lây nhiễm ra sao. Đến khi tự cách ly điều trị tại nhà, bác sĩ cũng thường xuyên tư vấn việc sử dụng các loại thuốc như thế nào cho phù hợp. Có bác sĩ trợ giúp từ xa ngay lúc đó, tôi cảm thấy vững vàng hơn. Nhất là sau đó, cả tôi và 4 người trong nhà tôi đều thành F0”, chị Dương kể.

Ngày nào chị Dương cũng báo cáo tình hình sức khỏe từng thành viên trong nhà nhờ bác sĩ đánh giá tình trạng; hoặc khi có gì cảm thấy diễn biến khác thường, bất kể ngày hay đêm, gọi điện hoặc nhắn tin đều được bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa tư vấn nhanh chóng.

Từ ngày 31/12 đến nay, cả gia đình chị Dương tự chiến đấu với COVID-19 khi được cách ly, điều trị tại nhà. Rất may tất cả đều có triệu chứng nhẹ như ho, sốt… Nhờ được theo dõi các triệu chứng kịp thời, điều trị hợp lý nên cả nhà đều nhẹ nhàng vượt qua.

“Đến hiện tại, sức khỏe của mọi người trong gia đình tôi đều đã ổn, kể cả ông ngoại tôi và cháu nhỏ đã gần như hết các triệu chứng, gia đình tôi đang chờ được xét nghiệm lại”, chị Dương chia sẻ.

Cũng tự xét nghiệm cho cả gia đình và phát hiện bố đẻ bị dương tính với SARS-CoV-2, chị Nguyễn Thị Thanh Tâm (ở phường Hàng Bột, Đống Đa, Hà Nội) vội gọi ngay bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa để “cầu cứu”. Sau khi được bác sĩ tư vấn cách ly ca bệnh, chuẩn bị các dụng cụ theo dõi sức khỏe tại nhà, bệnh nhân yên tâm thực hành theo.

“Bố tôi đã 80 tuổi, lại có nhiều bệnh nền tim mạch, huyết áp cao… nên tôi rất lo lắng. Dù bố tôi đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine nhưng vẫn gặp các triệu chứng như: Mất khứu giác, sổ mũi, ho. Rất may tôi có số điện thoại của bác sĩ để hỏi luôn và được hướng dẫn theo dõi sức khỏe hàng ngày từ uống thuốc điều trị bệnh nền, điều trị triệu chứng COVID-19 và được trấn an tinh thần nên bố tôi đã ổn định dần, khỏe lại; gia đình tôi cũng không có ai bị lây nhiễm. Có bác sĩ để tư vấn hàng ngày giúp chúng tôi cảm thấy yên tâm khi điều trị COVID-19 ở nhà”, chị Tâm chia sẻ.

BS. Nguyễn Trung Nghĩa cho biết: “Khi nhận được cuộc gọi nhờ hỗ trợ của các ca F0, tôi thấy đa số tinh thần của cả người bệnh lẫn người nhà đều rất hoang mang, bối rối, chưa biết cách xử trí; thậm chí từ việc cách ly như thế nào, cách tiếp xúc chăm sóc ra sao, việc sử dụng các đồ dùng dụng cụ trong nhà để tránh lây nhiễm.... Với các F0 triệu chứng nhẹ, việc điều trị các triệu chứng thông thường, đơn giản nhưng tâm lý mắc COVID-19 khiến nhiều người lo lắng hơn. Vì vậy, việc đầu tiên là tôi luôn phải trấn an tinh thần cho các gia đình có F0, hướng dẫn họ khai báo với y tế phường, cách xử trí các các tình huống khi chưa tiếp cận được y tế. Với các trường hợp có quyết định điều trị tại nhà, người bệnh cũng rất cần có bác sĩ theo sát, nhất là với các ca có triệu chứng, dù nhẹ nhưng cũng phải phòng các diễn biến nặng có thể xảy ra bất cứ lúc nào”.

Nhiệt tình hướng dẫn cho các F0 bất kể ngày, đêm; lúc nào có người cần hỗ trợ BS. Nguyễn Trung Nghĩa cũng sẵn sàng nhắn tin hoặc gọi điện hướng dẫn tận tình.

“Việc ổn định tinh thần cho các F0 là rất quan trọng, ảnh hưởng đến cả quá trình hồi phục của người bệnh. Nhất là việc sử dụng thuốc, đa số người dân chưa biết nhiều về các loại thuốc thông thường, dễ dùng sai mục đích. Tôi từng giật mình khi có bệnh nhân gửi cho tôi xem các đơn thuốc “truyền tai” trên mạng với rất nhiều loại thuốc kể cả thuốc kháng đông, kháng viêm, kháng sinh để nhờ tư vấn cách sử dụng. Nếu không có bác sĩ hướng dẫn, người bệnh cứ tự uống mà không hiểu thì hậu quả rất khó lường”, BS. Nguyễn Trung Nghĩa chia sẻ.

Clip chị Đỗ Thùy Dương chia sẻ những ngày cả gia đình chiến đấu với COVID-19 dưới sự trợ giúp từ xa của bác sĩ:

Chăm sóc ban đầu cho F0 tốt sẽ giảm chuyển nặng

Vừa trở về sau chuyến đi hỗ trợ chống dịch tại IUC Tiền Giang, với kinh nghiệm dạn dày về điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, trước tình hình Hà Nội bùng phát dịch mạnh, Ths.BS Tô Hoàng Dương, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô đã ngay lập tức tham gia vào mạng lưới Thầy thuốc đồng hành và Tổng đài 1022 để có thể kết nối hỗ trợ cho các F0 điều trị tại nhà của Hà Nội.

Tranh thủ từng phút, từng giờ ngoài công việc chính tại bệnh viện, hàng ngày BS. Tô Hoàng Dương gần như ít có thời gian nghỉ ngơi. Đang theo dõi, tư vấn cho 3 trường hợp F0 điều trị tại nhà, điện thoại, ứng dụng Zalo của bác sĩ liên tục nhận được các cuộc gọi, tin nhắn của người bệnh.

“Với các F0 điều trị tại nhà thường bác sĩ phải chuẩn đoán, theo dõi, xem có phải xử lý gì không. Các F0 điều trị tại nhà thường ít có biểu hiện nặng nhưng có thể gặp các triệu chứng như: Sốt, ho, mất vị giác, mất khứu giác, thậm chí khó thở… Người bệnh cần được theo dõi, tư vấn điều trị các triệu chứng hợp lý, sử dụng thuốc đúng cách. Nhất là với các trường hợp đặc biệt như: Trẻ nhỏ tuy các triệu chứng mờ nhạt hơn nhưng cần cân nhắc để điều chỉnh liều lượng thuốc phù hợp; hay người lớn tuổi, có bệnh nền nhất là các bệnh về gan, thận… khi phải dùng thuốc kéo dài cần phải lưu ý có phác đồ phù hợp để tránh ngộ độc thuốc; các trường hợp có bệnh nền khi mắc COVID-19 dễ bị mất cân bằng việc chuyển hóa, hấp thu, đường máu khó kiểm soát… cũng phải căn chỉnh liều lượng, các loại thuốc cho phù hợp”, BS. Tô Hoàng Dương cho biết.

Theo BS. Tô Hoàng Dương, từ kinh nghiệm từng điều trị cho các ca mắc COVID-19 diễn biến nặng có thể thấy, ngay khi bắt đầu nhiễm chưa có triệu chứng, nếu bệnh nhân được kiểm soát tốt, tư vấn tốt với những lời khuyên chính thống từ các bác sĩ, tránh những diễn biến đáng tiếc. Đơn cử như khi người bệnh khởi phát các dấu hiệu bất thường, nếu không có bác sĩ tư vấn, người dân loay hoay không biết xử trí ra sao, thậm chí để trở nặng mới vào viện, cứu chữa thì sẽ bị muộn.

“Về cơ bản, các trường hợp F0 điều trị tại nhà chủ yếu chỉ cần điều trị hỗ trợ triệu chứng, nâng cao thể trạng, theo dõi bệnh nền… Với bệnh nhân nhẹ hoặc không triệu chứng, cần tuân thủ hướng dẫn, ăn uống đấy đủ; người bệnh nền, cao tuổi biết cách kiểm soát bệnh lý nền… mỗi khâu được sát sao đều có thể giảm diễn biến nặng”, BS. Tô Hoàng Dương cho biết.

Mệt nhưng vui khi cùng đồng hành giúp nhiều F0 khỏi bệnh. Cứ mỗi ngày nhận được tin nhắn cảm ơn của người bệnh báo đã âm tính, đã hết triệu chứng, BS. Tô Hoàng Dương lại như được tiếp thêm động lực để cố gắng giúp đỡ được nhiều người hơn nữa.

Với sự tư vấn, đồng hành từ xa của các bác sĩ, nhiều người bệnh đã có thể yên tâm điều trị khỏi bệnh tại cộng đồng. Điều này cũng giúp tránh được quá tải cho các cơ sở y tế bởi những trường hợp nhẹ không nhất thiết phải vào viện, bệnh viện chỉ cần tiếp nhận các ca nặng; bởi nếu tất cả đều nhập viện, sẽ làm giảm đi cơ hội điều trị cho các ca nặng.

Bác sĩ cũng khuyến cáo, các F0 điều trị tại nhà cần thực hành theo các thông tin chính thống như: Tài liệu, phác đồ khuyến cáo của Bộ Y tế; tìm sự tư vấn trực tiếp của cán bộ y tế, kết nối với bệnh viện, mạng lưới hỗ trợ như: Thầy thuốc đồng hành, tổng đài 1022… không dùng thuốc theo truyền miệng, rất dễ gây hại.

Nguồn: https://baotintuc.vn/y-te/bac-si-dong-hanh-tu-xa-cung-benh-nhan-vuot-qua-noi-hoang-mang-covid19-20220112131313500.htm