Ngay cả khi COVID-19 trở thành một loại bệnh 'đặc hữu' thì con số tử vong lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm ngàn người ở một số nước phương Tây cũng nhắc nhở chúng ta rằng: Đừng bao giờ chủ quan!
Biến thể Omicron với tốc độ lây lan nhanh chóng, đặc biệt qua tiếp xúc gần đã tiếp tục nhắc nhở chúng ta giảm thiểu các chương trình hội hè, tụ tập, tiệc tùng không cần thiết nếu chúng ta muốn sống chung an toàn với virus SARS-CoV-2.
Mùa xuân năm ngoái - tết Tân Sửu (2021), Việt Nam đón tết theo chủ trương zero-COVID, tức truy vết thần tốc, phát hiện triệt để, cách ly tập trung để cắt mầm bệnh trong cộng đồng. Tết Nhâm Dần (2022) năm nay, hàng triệu người dân đón tết trong tâm thế hoàn toàn khác - thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Trải qua một năm nhiều sóng gió, chứng kiến hàng chục ngàn đồng bào thiệt mạng và nền kinh tế bị tác động nghiêm trọng vì đại dịch, Việt Nam đã định hình rõ ràng những trụ cột để sống chung an toàn với virus SARS-CoV-2.
Ngoại giao vaccine thành công, chiến dịch tiêm chủng thần tốc “chưa từng có trong lịch sử” đã đưa Việt Nam từ nước có tỉ lệ phủ vaccine rất thấp lên tốp hoàn thành tiêm chủng hàng đầu thế giới.
Người dân TP.HCM mang khẩu trang xuống phố vui chơi đón năm mới 2022. Ảnh: NGUYỆT NHI
Việt Nam cũng từng bước nâng cấp hệ thống y tế phù hợp với các khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các chuyên gia y tế như tăng cường số giường bệnh, hệ thống ôxy, các đội phản ứng cộng đồng, tổ chức theo dõi, tư vấn và giám sát bệnh nhân tự cách ly tại nhà… Chúng ta cũng nỗ lực để có thuốc điều trị phục vụ cho người dân không may nhiễm bệnh. Có thể nói, đó là những “chiếc chìa khóa vàng” để Việt Nam từng bước phục hồi và phát triển hậu đại dịch.
Việc biến thể Omicron xuất hiện tiếp tục mang lại những tín hiệu khác nhau. Một mặt, nhiều chuyên gia cho rằng biến thể này có tốc độ lây lan nhanh hơn, dù độc lực có vẻ thấp hơn Delta, nhất là với người đã tiêm đầy đủ vaccine.
Một số ý kiến lạc quan cho rằng Omicron đã đưa COVID-19 bước vào giai đoạn mà họ ví von là “cúm mùa” với các dấu hiệu phổ biến là sổ mũi, đau đầu… các quan điểm thận trọng thì cho rằng Delta và nay là Omicron nhắc nhở chúng ta rằng khi số người nhiễm bệnh gia tăng quá nhanh thì các nguồn lực chăm sóc y tế (giường bệnh, thuốc men…) có thể khan hiếm; tâm lý xã hội có thể thay đổi theo chiều hướng xấu đi; các quyết định mang tính mệnh lệnh hành chính có thể dễ bị lạm dụng hơn; đời sống, sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội sẽ chịu ảnh hưởng.
Ngay cả khi COVID-19 trở thành một loại bệnh “đặc hữu” như cúm mùa thì con số tử vong lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm ngàn người ở một số nước phương Tây cũng nhắc nhở chúng ta rằng: Đừng bao giờ chủ quan!
Trong bối cảnh vaccine, y tế chữa trị, thuốc điều trị đã và đang được Nhà nước phát triển tích cực thì “chiếc chìa khóa vàng” thứ tư không gì khác là ý thức của người dân. Nói như một số chuyên gia y tế khi xem COVID-19 là cúm mùa, là cảm lạnh hay một căn bệnh truyền nhiễm thông thường thì ý thức của người dân sẽ là yếu tố quyết định sức khỏe, tính mạng của họ. Việc đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, hạn chế tụ tập đông người, bỏ bớt hội hè vô bổ, bớt tham gia bù khú bạn bè bia rượu, có ý thức giữ sức khỏe cho người yếu thế (chưa tiêm đủ vaccine, người già, có bệnh nền)… là rất quan trọng.
Chúng ta đã thấy được điều này qua các đợt bùng dịch sau những chương trình lễ hội tập trung đông người tại Mỹ, Anh và một số nước khác. Chúng ta cũng hiểu được giá trị của biện pháp 5K qua các nghiên cứu đã được công bố trên những tạp chí uy tín, theo đó việc đeo khẩu trang, sát khuẩn, hạn chế tụ tập có thể ngăn ngừa lây nhiễm, thậm chí còn hiệu quả hơn việc tiêm một số loại vaccine.
Bớt bù khú tiệc tùng thì đỡ tốn kém, đỡ nhọc công dọn dẹp, có thêm thời gian dành cho gia đình với các hoạt động hữu ích, gắn bó. Hơn nữa, bớt tham gia một cuộc tụ tập đông người không cần thiết là tăng thêm một cơ hội để bản thân, các thành viên trong gia đình (nhất là người cao tuổi, bệnh nền) “né” được các mầm bệnh vốn rất dễ phát tán như Omicron.
Nguồn: https://plo.vn/thoi-su/theo-dong-thoi-su/omicron-tet-nham-dan-va-chiec-chia-khoa-vang-thu-4-1040615.html